Mỗi khi nhắc về đồng bào S’Tiêng ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước là bất giác nhớ về ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, nhớ đến hình ảnh người dân đồng bào bên bếp lửa bập bùng cầm chày giã gạo. Nhớ về những ngôi nhà sàn lấp ló bên ngọn đồi xanh mướt cà phê và đặc biệt là hình ảnh bên mái hiên nhà dài có các chị đang say sưa ngồi dệt thổ cẩm.
Đó là hình ảnh về người con gái S’Tiêng say mê quay tơ, tỉ mẫn chăm chú vào từng đường dệt. Các chị đã dệt nên một thứ văn hóa sắc nét trên những hoa văn đầy màu sắc, để nghĩ đến đồng bào S’Tiêng nhất định không thể quên nghề dệt thổ cẩm này.
Khung dệt thổ cẩm rất đơn sơ. |
“Thổi hồn” vào Thổ Cẩm
Dệt thổ cẩm do người phụ nữ đảm nhiệm, từng tấm vải được dệt để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình như: quần áo, quầy váy, khố, tấm điệu con, tấm chăn đắp…đặc biệt còn là lễ vật cho những lễ hội truyền thống.
Để dệt nên một tấm vải phải trải qua nhiều bước và tốn rất nhiều thời gian. Nguyên liệu ban đầu là len đã được dệt từ bông se sợi, màu được nhuộm từ màu thiên nhiên, thế nhưng qua thời gian khi nguyên liệu sợi công nghiệp bắt đầu phổ biến hơn thì công đoạn trồng bông, se sợi, nhuộm len đã được lược dần. Để nên một tấm thổ cẩm, cần có khung dệt bao gồm 8 đến 9 cây tre với kích thước tùy thuộc khổ tấm vải được đan.
Khi dệt, thợ dệt phải ngồi thẳng, duỗi hai chân về phía trước cố định đạp vào thanh lồ ô đã được căng sợi. Khung dệt được cột chắc vào thân của người phụ nữ, quá trình đan là sự kết hợp của 9 que chính và 8 que phụ thay nhau chia sợi, luồn sợi, nêm sợi và đè chặt sau khi đan thành hình.
Đó là sự kết hợp linh hoạt giữa chân, lưng và tay của người phụ nữ, nếu không có sự phối hợp đó thì khó mà lên khung được. Để có một tấm vải chỉnh chu phải tổ chức dệt 3 tấm riêng, gồm một tấm mẹ với hai tấm con, sau đó sẽ ghép lại thành một tấm lớn, và tên của tấm thổ cẩm được đặt theo tên tấm mẹ.
Tấm thổ cẩm Ha-ra-bay, tấm mẹ đặt ở giữa có hình thoi màu tím được lí giải là phần lưng Thần Nhện Lúa- vị thần cai quản mùa màng, đây là sự hi vọng về một vụ mùa bội thu. Hai tấm con ghép với hình ảnh dích dắc màu xanh lá cây mang ý nghĩa tượng trưng cho hoa màu, bông lúa trổ.. dấu chân của muôn thú, bẫy thú. |
Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm là những hình ảnh mang ý nghĩa vô cùng thân thuộc: núi rừng, muôn thú, bẫy săn, những cánh đồng lúa, và con người sinh hoạt... Tất cả những ý nghĩa đó được hình khối hóa qua từng chi tiết vuông vức.
Những người phụ nữ tự do sáng tạo ra từng hoa văn nhưng tất cả đều mang đặc trưng riêng của của đồng bào S’Tiêng. Những nét dệt được màu sắc hóa làm nên một tấm thổ cẩm vừa đẹp vừa sống động và đằng sau đó là cả một câu chuyện mà chỉ những người con núi rừng mới có thể hiểu.
Về màu sắc, đối với đồng bào S’Tiêng sẽ có 5 màu chủ đạo: đỏ, đen, trắng, vàng và xanh lá. Màu đỏ tượng trưng cho vị thần mặt trời, nó còn mang ý nghĩa sức mạnh, tinh thần và sự đoàn kết dân tộc.
Màu xanh lá cây đại diện cho núi rừng sông nước. Màu đen mang ý nghĩa là màu của đất và tượng trưng cho thế giới tâm linh, bởi đồng bào S’Tiêng đặc trưng với văn hóa chia của cho người chết, họ rất trọng dụng thứ màu huyền bí này để tạo nên hầu hết những vật dụng sinh hoạt.
Màu vàng biểu tượng cho hoa màu và màu trắng đại diện cho ánh sáng, đó là sự phân chia giữa ban đêm và ban ngày. Sự phối màu và cách tạo hoa văn chính là nét riêng để phân biệt thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng với thổ cẩm của những dân tộc khác.
Chị Thị Xia một người phụ nữ S’Tiêng chia sẻ, để hoàn thành một sản phẩm “rất là lâu” vì chị em chỉ có thể tranh thủ vào ngày rảnh mới ngồi lên khung dệt, thời gian còn lại phục vụ cho công việc nương rẫy, thúc đẩy tăng gia sản xuất.
Mở lối đi riêng cho nghề Thổ Cẩm
Nghề dệt thổ cẩm của người đồng bào S’Tiêng chỉ dừng lại ở sản xuất nhỏ, manh mún bởi những truyền nhân sau này cùng với sự phát triển hiện đại thì chính họ mất dần đi cái nhiệt huyết, không còn như các bà, các mẹ mình khi xưa. Và do nhiều yếu tố nên nghề dệt thổ cẩm hiện không phải là nguồn thu nhập chính của họ.
Cũng theo chị Thị Xia, để áp dụng kinh doanh cho thổ cẩm vô cùng khó khăn vì nó hoàn toàn là thủ công bằng tay, không sử dụng bất cứ công cụ máy móc nào nên giá thành rất đắt, và khó tiêu thụ được số lượng lớn do tính ứng dụng của thổ cẩm chưa cao. Hiện giá một sản phẩm thổ cẩm có chiều rộng 60cm, dài 150cm với những hoa văn đơn giản giá tầm 600 nghìn đồng, còn tấm cầu kì hơn giá từ 1,5-3 triệu đồng. Để nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng không bị mai một theo thời gian, chỉ có thể biến nó trở thành nguồn thu nhập chính của chị em, để chị em không từ bỏ khung dệt và tiếp tục duy trì nghề. Việc bảo tồn nét văn hóa này không chỉ mang ý nghĩa gìn giữ truyền thống, mà còn là lưu truyền nét đẹp của thế hệ cha ông.
Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng là một điều thiết yếu, nó không chỉ dừng lại ở việc biến dệt thổ cẩm thành một công việc làm khi rảnh rỗi mà còn trở thành một ngành dịch vụ có thể cạnh tranh. Thổ cẩm hoàn toàn có thể vươn xa ra thế giới, để thế giới có thể chiêm ngưỡng những hình khối, nét dệt vô cùng tinh tế của người dân tộc Việt Nam - đó là văn hóa thổ cẩm truyền thống. Đây chính là nỗi lo của những nghệ nhân có tâm ở vùng bản, niềm trăn trở muốn lưu giữ một nét truyền thống vô cùng đẹp đẽ.
Với sự phong phú từ khâu chất liệu dệt, thổ cẩm hoàn toàn có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm khác nhau cùng với đó là sự đa dạng về tính ứng dụng, có thể may nên áo dài hay bất cứ loại thời trang hiện đại nào.
Mong rằng trong tương lai không xa thổ cẩm có thể được chiêm ngưỡng từ những bộ trang phục đơn giản đến những phụ kiện cầu kỳ, lúc đó nó không chỉ có mặt ở Việt Nam mà còn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Hiện nay là thời đại mà con người được tiếp nhận những luồng tư tưởng, những nền văn hóa mới, do đó đây cũng là giai đoạn mà lối sống tiến bộ, nhu cầu trang phục cũng sẽ thay đổi một cách liên tục.
Tuy nhiên trước cơn sóng hội nhập này, chúng ta nhất định không bao giờ lãng quên nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời nhất định có thể biến thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng nói riêng và thổ cẩm các vùng dân tộc Việt Nam nói chung bay cao và bay xa hơn.