Mang tâm tình vào nét vẽ
Chúng tôi đến khu phố Hàng Đường buôn bán tập nập vào một buổi chiều muộn, khi mây đen kéo tới và người ta vội vã dọn dẹp hàng quán. Trái ngược với âm thanh sôi động từ những bài nhạc trẻ phát ra ở cửa tiệm bán loa đài đối diện, tiệm tranh truyền thần của ông Thịnh như thu mình lại, im lìm mà tỏa ra sự hào hoa đến lạ. Người nghệ nhân vẫn cặm cụi với bức vẽ và chiếc smart phone “thời công nghệ” để zoom lên cho rõ từng đường nét khuôn mặt người mẹ mà một vị khách đã đặt vẽ ban sáng.
Trong căn nhà hẹp ngăn vách làm đôi đó, một bên rộng hơn để bán quần áo sỉ lẻ, bên còn lại chỉ hẹp khoảng 10m2 là tiệm tranh truyền thần của ông Thịnh, nơi trưng bày hàng trăm bức vẽ khác nhau. Có bức vẽ vợ chồng ông cùng cô con gái nhỏ quây quần đầm ấm, có bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vẻ mặt cương nghị mà đôn hậu… dù là tranh vẽ nhưng đều chân thực đến lạ thường.
Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sĩ truyền lại cái “thần” (cảm xúc, thần thái) của người được vẽ. Để vẽ chân dung từ một bức ảnh, đòi hỏi người họa sĩ phải có tính kiên trì, cần mẫn. Thời gian để hoàn thành một bức vẽ tùy thuộc vào khổ giấy, vào độ khó của bức tranh. Nhưng “quan trọng nhất đó chính là đôi mắt của người được vẽ mà người họa sĩ gọi là điểm nhãn. Đó chính là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được”, ông Thịnh chia sẻ.
Bức truyền thần chân dung người phụ nữ dân tộc thiểu số |
Dòng tranh này ra đời ở Việt Nam từ thế kỉ XIX, khi mà nhiếp ảnh vẫn còn một thứ gì đó xa xỉ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nghề vẽ truyền thần ở khu phố cổ Hà Nội phát triển cực thịnh với hàng trăm cửa hàng vẽ truyền thần ở dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường. Những người hoài cổ đất Hà thành vẫn nhắc đến tài hoa của gia đình ông Thịnh. Ông Thịnh cùng 2 anh em nối nghề cha, trở thành những người thợ tài hoa với đôi bàn tay khéo léo, vẽ nên cái hồn của Hà Nội qua chân dung từng con người.
Ông Thịnh bắt đầu học vẽ tranh truyền thần từ năm 6 tuổi, tới năm 13 tuổi thì đã vẽ thạo và tốt. Nhà có 4 anh em cùng được cha truyền nghề, nhưng sau này chỉ có ông Thịnh kiên trì theo nghề này. “Nghề này không làm cho con người ta giàu sang hơn, mà làm cho cốt cách con người thêm ôn hòa, kiên trì, nhẫn nại, dù việc khó tới đâu cũng làm được”.
Thời buổi đất nước chìm trong khói lửa, số thanh niên Hà Nội ra đi làm nghĩa cử thiêng liêng với Tổ Quốc còn nhiều hơn số người ở lại. Họ không hẹn ngày về, nhiều người trong đó sẽ ra đi mãi mãi. Chính vì vậy, người thân của họ tìm đến những người vẽ tranh truyền thần để mong lưu giữ lại được chân dung người cha, người chồng, người anh của mình.
Có những gia đình chỉ còn lưu lại được là một tấm ảnh bé xíu đã bị hoen ố, hoặc chụp chung với nhiều người khác, khuôn mặt không rõ ràng. Công việc vẽ tranh truyền thần lúc đó là một công việc thiêng liêng đến nỗi, ông Thịnh cùng cha và những người anh của mình không dám lơi là dù chỉ một khắc, cố gắng hoàn thành bức vẽ chỉn chu, có hồn trong thời gian ngắn nhất. Có tâm với nghề thì nghề không bạc. Có lẽ mang tâm niệm như thế nên nghệ nhân Trần Văn Thịnh đã vững tay cọ dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Ông bảo: “Một ngày không được cầm bút vẽ thì trong người cảm thấy khó chịu và bứt rứt lắm”.
Bức vẽ truyền thần chân thực và sống động như ảnh chụp |
Ông Thịnh vừa vẽ vừa kể: “Có những gia đình liệt sĩ đã nhờ tôi vẽ tranh để thờ, sau khi đến nhận tranh, họ lặng người ngồi cả tiếng ở cửa hàng nhà tôi. Nhìn tranh mà cứ ngỡ như đang gặp người thân, nên có người òa khóc nức nở”. Cũng có những trường hợp người thân tới nhờ vẽ nhưng không lưu lại được bức hình hay tấm ảnh nào cả. Chỉ qua những lời kể mà ông Thịnh gắng vẽ lại chân dung người thân của họ sao cho giống nhất. Phác họa xong phải tinh chỉnh từng đường nét đôi mắt, khóe miệng…cho tới thật giống mới thôi. Có những người không khỏi xuýt xoa, người thân của họ đã được “hồi sinh” qua nét vẽ của ông. “Tôi biết đây không chỉ đơn thuần là một bức vẽ, đây còn là vật thiêng liêng chứa đựng tình cảm của họ dành cho người đã khuất nên mình càng phải tận tâm hết sức”, ông Thịnh bộc bạch.
Không chỉ vậy, nhiều bức vẽ của ông Thịnh còn là gạch nối tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Có lần, ông được yêu cầu vẽ ngài thủ tướng Thụy Điển Olof Palme ngồi trên chiếc xích lô ngắm phố phường Hà Nội. Nhưng oái oăm thay, ông thủ tướng lại không muốn người ta chụp ảnh mình trên chiếc xích lô để làm mẫu. Vậy là ông Thịnh phải cầm ảnh của ngài thủ tướng, vừa vẽ vừa tưởng tượng ông đang ngồi trên chiếc xích lô ngắm phố phường Hà Nội. Sau này, khi nhận lại bức vẽ, Ngài thủ tướng thích thú tới mức nhờ người đóng khung bức tranh, mang về nước làm kỉ niệm và treo trong phòng làm việc của mình.
Thăng trầm nghề vẽ tranh truyền thần
Có một dạo, nhiều người không mấy mặn mà với tranh truyền thần. Ấy là khi internet mới phổ cập vào nước ta cùng với kỹ thuật photoshop. Nhiều bức tranh được phục chế nhanh chóng, nhiều cửa hiệu chụp ảnh mọc lên như nấm sau mưa.
Các gia đình đã có thể sắm máy ảnh kỹ thuật số mà không đoái hoài gì đến tranh vẽ nói chung và tranh truyền thần nói riêng nữa. “Cuối những năm 2000, có khi cả tháng trời không có ai đặt vẽ tranh, khiến mình như người thất nghiệp. Nhưng bằng niềm đam mê, tôi lại tự động viên mình gắng theo nghề đến cùng”, ông Thịnh bồi hồi nhớ. Có lẽ điều đó đã khiến nhiều họa sĩ vẽ tranh truyền thần phải bỏ nghề.
Phố cổ Hà Nội giờ là địa điểm du lịch ưa thích của người nước ngoài, nên nghề vẽ truyền thần trở thành một bộ môn nghệ thuật mới lạ dành cho du khách trong và ngoài nước. Khi rảo bước trên khu phố này, nhiều du khách nước ngoài đều tỏ ra rất thích thú trước những bức tranh truyền thần có hồn như thế. Những dịp lễ, Tết, nhiều Việt kiều về nước cũng tìm đến ông Thịnh, thậm chí gửi email ảnh nhờ ông vẽ giúp. Nhiều người sành chơi tranh ở đất Hà Thành vẫn còn mê đắm với những nét vẽ truyền thần.
Trước khi chúng tôi cảm ơn và ra về, ông Thịnh đặc biệt khoe 2 bức tranh ông vẽ ngài thủ tướng Mahathir Mohamad do Đại sứ quán Malaysia đặt đã 1 tuần nay mà ông vừa mới hoàn thành. Rồi ngày mai, người của Đại sứ quán sẽ tới đây và mang tặng 2 bức tranh ấy. Cùng nhiều bức tranh khác nữa, minh chứng cho tình yêu với tranh truyền thần của người nghệ nhân đã có hơn 50 năm theo nghiệp vẽ mà chưa lúc nào trong đầu ông có ý định bỏ nghề.