Tuy nhiên, dù khắp đất Sài Gòn giờ đây chỉ còn một mình làm rối nước, nhưng ông Oánh vẫn một lòng đam mê, cố gắng thay đổi, học hỏi để giữ nghề.
Nhờ rối nước xây dựng sự nghiệp
Hiện tại, nghệ nhân Phùng Quang Oánh đang là Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ giải trí Oánh Toàn (tại số 61, đường số 1, Khu phố 3, phường Bình Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh). Hơn 25 năm qua ông Oánh đã tạo ra hàng nghìn chú rối nước để phục vụ cho nhiều đơn vị múa rối nước ở thành phố.
Nếu nghệ thuật múa rối nước nổi tiếng và quen thuộc ở nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng Bắc Bộ thì tại miền Nam, loại hình này ít được nhắc đến và đang dần rơi vào quên lãng. Sau nhiều năm hoạt động sáng tạo, nghệ nhân Phùng Quang Oánh mong muốn giữ gìn và đưa văn hóa phương Nam vào múa rồi.
Bằng suy nghĩ đó, nghệ nhân Phùng Quang Oánh đã tạo ra những tác phẩm múa rồi nước mang trong mình đậm chất vắn hóa Nam Bộ. Có thể kể tên ra đây một số tác phẩm như: Trò lễ hội chợ nổi trên sông Cái Răng (Cần Thơ), Đua bò Bảy núi (An Giang), lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên… và được nhiều nhà hát, đơn vị biểu diễn rối nước đặt hàng và biểu diễn.
Đến nay, hầu hết các đơn vị múa rối nước ở Thành phố đều đặt hàng và sử dụng sản phẩm của ông Oánh làm ra. Nhiều con rối nước của nghệ nhân đã có những cuộc phiêu lưu từ trong Nam ra ngoài Bắc, được nhiều người yêu thích. Nói về những ngày đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật múa rối nước, ông Oánh nói rằng, bản thân mình tự cảm thấy may mắn khi được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), một mảnh đất có truyền thống về nghệ thuật múa rồi nước.
|
Trong ký ức của nghệ nhân Phùng Quang Oánh, tuổi thơ của ông và bạn bè gắn liền với những ngày nông nhàn háo hức theo các phường rối về biểu diễn tại quê hương. Ngày đó, sân khấu chỉ đơn giản là ao, hồ và những con rối nhiều màu sắc vui nhộn như chú tễu, bà xúc tép, ông chăn vịt, rồng phun nước... những nhân vật vô cùng gần gũi trong đời sống văn hóa của các miền quê Bắc Bộ. Từ những niềm vui, câu chuyện hấp dẫn mà nghệ thuật múa rối nước mang lại, cậu bé Oánh đã ấp ủ giấc mơ có một ngày mình tự tay làm ra được thật nhiều rối gỗ độc đáo như thế.
Dù sinh ra trong một gia đình thuần nông, không có truyền thống về nghệ thuật, nhưng dường như tất cả đã là duyên nghiệp, ông Phùng Quang Oánh sau khi học xong Trung học phổ thông đã trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương Hà Nội. Thời gian trong trường, ông thường xuyên được xem các buổi biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân. Điều này đã khiến ông Oánh càng thích thú, háo hức tìm cách để thực hiện giấc mơ về rối nước của mình.
Khi đang theo học chuyên ngành điêu khắc và tạo hình, nghệ nhân Phùng Quang Oánh đã quyết định tìm hiểu, nghiêu cứu về nghệ thuật múa rối nước. Ông đã cùng với hai người bạn lặn lội tới các vùng chuyên sản xuất con rối như Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Thanh Hà (Hải Dương) để tìm hiểu. Ông cũng đã xin theo học nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng, một trong những nhà nghiên cứu múa rối đầu tiên của Việt Nam.
Ngay từ thời điểm đó, ông Oánh đã nhận thấy đây là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam, có lịch sử lâu đời, mang nhiều tinh hoa dân tộc nhưng gặp phải nhiều hạn chế để phát triển. Hiện trạng dễ thấy nhất là ở các làng nghề sản xuất con rối ngay từ thời điểm đó cũng chủ yếu là các nghệ nhân đã cao tuổi, lớp trẻ ít ai theo. Từ đó, ông Oánh cùng hai người bạn đã quyết tâm theo đuổi.
|
Sau quãng thời gian học hỏi, năm 21 tuổi, ông Oánh đã có thể tạo ra những con rối đầu tiên cho riêng mình. Những con rối của nghệ nhân Phùng Quang Oánh khi đó tạo ra đã mang phong cách mới mẻ, khi biểu diễn có thể toát lên phong tục văn hóa vùng miền, các nhân vật lịch sử mà nghệ nhân đi trước còn hạn chế. Dù là tác phẩm đầu tay nhưng những chú rối được ông Oánh tạo ra đã được một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật sử dụng và đánh giá cao.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Phùng Quang Oánh, để có thể làm ra một con rối, chất liệu đầu tiên được chọn phải là gỗ cây sung. Việc tạo hình phác thảo nhân vật ban đầu được tạo ra bằng cách đục đẽo sao cho phù hợp. Yêu cầu trong việc tạo hình là các chi tiết của con rối phải rõ nét, hài hòa mà vẫn phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, phải có sự hài hước, đây là điều quan trọng nhất khi tạo ra hình thù con rối. Dù không giống hoàn toàn nhân vật, nhưng khi con rối biểu diễn một vài động tác, người xem có thể nhận ra đó là nhân vật gì, mới tạo tiếng cười thu hút người xem.
Tiếp đó, việc tạo hình rối nước là giai đoạn sơn mài, chất liệu sơn phải chống thấm nước, ngoài cùng được bôi thêm một lớp bạc, tạo được độ phản quang khi ánh đèn sân khấu chiếu vào làm nổi bật.
Giai đoạn cuối cùng của công việc tạo hình rối nước là ráp máy các bộ phận lại với nhau, sao cho khi đưa xuống nước, con rối có thể linh hoạt biểu diễn tất cả các động tác nhuần nhuyễn qua bàn tay điều khiển khéo léo của nghệ nhân. “Có thể nói tất cả các khâu đều có vai trò quan trọng trong việc hình thành một con rối. Thiếu một trong những yếu tố trên, con rối sẽ không được xem là hoàn chỉnh”, nghệ nhân Phùng Quang Oánh cho hay.
|
Ông Oánh và con trai đang sơn mài những con rối sau giai đoạn tạo hình (Ảnh: Thanh niên) |
Nhìn những con rối nước khán giả có thể nghĩ việc tạo ra chúng vô cùng đơn giản nhưng theo ông Oánh, dù không mất nhiều sức lực nhưng công việc này đòi hỏi người làm phải có tính tỉ mỉ, “phải là người có con mắt nghệ thuật”. Khi bắt tay vào làm một vở kịch, các con rối tham gia các trò phải mang đặc trưng văn hóa nơi biểu diễn, từ trang phục đến hình dáng. Chẳng hạn, đối tác yêu cầu phục dựng lại một lễ hội nào đó ở miền Tây Nam bộ thì đòi hỏi người làm phải hiểu nét văn hóa lễ hội đó khi xưa ra sao, trang phục và nội dung thì tạo nhân vật như thế nào mới phù hợp?.
Năm 1996, sau khi ra trường, ông Oánh đã về lại quê nhà và mở xưởng sản xuất con rối. Nhờ những mối quen biết từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ngay khi mở xưởng ông Oánh đã thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng. Vào lúc cao điểm, ông còn phải mướn thợ làm thêm và truyền nghề cho hai em trai. Trong những năm 2000, con rối sản xuất từ cơ sở của ông được nhiều trung tâm ca múa nhạc nước đặt hàng và lưu diễn khắp các tỉnh thành Bắc bộ, trong và ngoài nước. Ở miền Bắc, cứ mỗi khi đến hội làng, mọi người đều mướn một đoàn rối nước về biểu diễn phục vụ người dân thưởng thức.
Năm 2007, nhận thấy loại hình múa rối bắt đầu được chú ý nhiều hơn tại miền Nam, nhiều trung tâm nghệ thuật tổ chức các suất diễn nhưng con rối phải được vận chuyển từ miền Bắc, giá thành cao, ông cùng vợ đã quyết định “Nam tiến” để mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Dành trọn tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc
Những ngày đầu vào lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng ông Oánh phải ở trọ, quãng thời gian này, ông cố gắng tận dụng những khoảng sân nhỏ gần phòng để tiếp tục làm nghề nhưng không giống như nhận định của ông trước đó, rối nước của ông không có nhiều cơ hội phát triển ở vùng đất phương Nam. Trước áp lực cơm áo gạo tiền, ông Oánh nhiều lần có ý định bỏ nghề, tính tìm một công việc khác làm để nuôi sống gia đình. Nhưng vì quá đam mê, quá nhớ nghề, ông lại làm tiếp, mãi rồi càng không thể bỏ được. Hiện ông bỏ hàng chủ yếu cho Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng TP.HCM.
Nói về quãng thời gian đó, ông Oánh thở dài: “Thời gian đầu và kể cả tới bây giờ có lúc tôi tự nhủ rằng sẽ kiếm việc khác làm để còn lo cho vợ con, nhưng rồi không làm được. Càng đam mê tôi càng thấy tiếc cho một nét văn hóa của đất nước mình, nó hay vậy mà mất dần đi thì tiếc biết bao nhiêu. Tôi làm để giữ gìn một bản sắc của dân tộc mình chứ không nghĩ đến chuyện kinh tế”.
|
Hình tượng người đua thuyền trong các lễ hội. |
Để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê với nghề, ông Oánh đã phải nhận trùng tu các công trình cổ như đền thờ, chùa và làm thêu các sản phẩm điêu khắc khác... Ngoài ra, ông còn nghĩ cách làm thêm các con rối mô hình với kích thước nhỏ để bán cho khách du lịch. Những con rối này, ông gọi vui là rối “chết” vì với ông, con rối chỉ thực sự “sống” khi nó được biểu diễn, được phục vụ đúng mục đích khi ra đời. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, nghệ nhân Phùng Quang Oánh lại nhận ra sứ mệnh đặc biệt của những con rối “chết” này. Theo ông, những con rối “chết” giờ đây đang giúp gia đình ông có thêm thu nhập lại có thể quảng bá bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, nhất là khách nước ngoài.
Ngoài ra, để giữ và phát triển nghề, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, sáng tạo và có sự hiểu biết về các sự kiện lịch sử và văn hóa vùng, miền. Với con rối biểu diễn trong các trò có bối cảnh miền Nam, hình tượng người phụ nữ nông thôn mặc yếm hay chú tễu đóng khố của miền Bắc được ông thay thế bằng hình ảnh người nông dân mặc áo bà ba, quấn khăn rằn… Bên cạnh các trò rối truyền thống, ông lại lồng ghép đưa các lễ hội Nam bộ như đua bò An Giang, chợ nổi hay thậm chí là lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên để phục vụ khán giả.
Ông Oánh cho biết: “Tùy theo vở diễn mà người ta đặt theo từng nhân vật. Thông thường, mỗi vở diễn từ 5 - 10 con. Giá cả dao động tùy theo hình dáng, kích thước của con rối”. Thông thường, mỗi trò biểu diễn từ 5 - 10 con. Tùy theo hình dáng và kích thước mà con rối có số tiền dao động từ 300.000 – 1.000.000 đồng/nhân vật.
Hiện nay, ông rất mong muốn được truyền nghề cho thế hệ trẻ để rối nước không bị mai một. Trong số những người con của ông có người con trai lớn sinh năm 1991 được công nhận là nghệ nhân từ năm 2017. Đây chính là niềm tự hào của ông. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là số người muốn theo học nghề làm rối nước lại vô cùng hiếm vì nếu không nỗ lực, không có niềm đam mê thì cũng rất khó có thể tồn tại.
“Nhiều người đến đây tìm hiểu nhưng rồi sau đó lắc đầu, không học tiếp nữa. Cũng không trách họ được vì nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn và phải liên tục học hỏi, liên tục sáng tạo. Hơn nữa, thu nhập lại quá thấp nên khó có ai kiên nhẫn để học” - ông Oánh tâm tư.
Suốt chín năm nay ở TP.HCM, ông vẫn luôn đau đáu với nghệ thuật rối nước của nước nhà. Năm 2003, ông Phùng Quang Oánh được công nhận nghệ nhân. Ở thời điểm hiện tại, ông Oánh đang nuôi ước mơ đến một ngày nào đó sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu về nghệ thuật múa rối nước ngay tại trung tâm thành phố.
|
Lịch sử nghệ thuật múa rối nước Việt Nam
Hầu hết các nước trên thế giới đều có múa rối. Tại Việt Nam, múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống. Đến nay nghệ thuật múa rối Việt Nam đã đạt đến trình độ nghệ thuật có gia trị cao về tinh thần, là một trong những loại hình sân khấu giải trí hấp dẫn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh – Nghệ thuật thời Hùng Vương gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm.
Nhưng thực tế cho thấy múa rối tồn tại ở Việt Nam cho đến nay trên dưới 1000 năm, nó phát triển mạnh nhất vào thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XII). Hiện vẫn chưa có một tư liệu nào chứng minh được nguồn gốc xuất xứ ra đời của nghệ thuật múa rối. Duy nhất hiện còn lưu trên Bia “Sùng Thiện Diên linh tự tháp” có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ Nhà vua.
Điều đó chứng tỏ rằng nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam đã được hình thành từ bao đời nay, được lưu truyền tồn tại, ngày càng phát triển với nhiều thể loại như: Rối tay, rối que, rối dây, rối nhà mồ, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối đồ chơi, rối sao, rối bóng… đặc biệt là múa rối nước. Nội dung trong tích, trò, vở diễn mang tính chất mua vui, giải trí, gây cười, hóm hỉnh, hài hước, châm biếm.
Hoạt động của múa rối dân gian Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng làng xã, một mặt để lễ bái thờ cúng thần linh như Thần Hoàng làng, mặt khác để góp vui cho khách trảy hội… Những người tham gia trong phường rối là các nghệ nhân nghiệp dư. Họ là những nông dân, thợ thủ công vào thời vụ thì cấy cày, làm đủ nghề kiếm sống, lúc nông nhàn thì tham gia các sinh hoạt nghệ thuật.
Mỗi phường có một người đứng đầu gọi là ông Trùm. Ông Trùm tụ tập mọi người cùng trao đổi, sáng tác và tập luyện các tiết mục, thống nhất biểu diễn một số trò, tích theo yêu cầu. Đó là những Phường rối, gánh rối dân gian được nhân dân thành lập và trân trọng gìn giữ lưu truyền đến ngày nay. Tiếp thu vốn nghệ thuật truyền thống, những người hoạt động trong lĩnh vực này đã dành tâm sức, đầu tư, để phát triển hơn lên nhưng không mất đi cái gốc truyền thống dân tộc.
Bên cạnh đó, trong nghệ thuật biểu diễn rối nước, âm nhạc là một phần không thể thiếu được. Không chỉ đóng vai trò kết nối giữa tiết mục này với tiết mục khác, mà âm nhạc còn tác động đến không khí của cả chương trình diễn. Tiết tấu của nhạc tác động trực tiếp đến việc điều khiển con rối của diễn viên. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện rõ tính cách, hành động …của nhân vật rối, tác động gây sự hứng khởi, cuốn hút người xem.
Dàn nhạc trong biểu diễn rối nước là dàn nhạc của Chèo, môn nghệ thuật truyền thống đặc thù ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài các nhạc công còn có các ca sĩ hát chèo. Các bài ca, lời thoại kết hợp với động tác của các con rối đã đưa người xem đến với những tích trò, những truyền thuyết giàu tính nhân văn, những tập tục, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc ở vùng châu thổ sông Hồng.
Rối là một loại hình văn hoá truyền thống gắn bó chặt chẽ với cuộc sống tinh thần từ lâu đời của nhân dân Việt Nam. Tuy có nhiều dạng hoạt động của loại hình này ở khắp mọi liền đất nước, nhưng tập trung, hoàn thiện, phổ cập hơn cả ở vùng trung du và đồng bằng phía Bắc. Ở đây nghệ thuật rối đã phát triển đa dạng, phong phú. Trò rối xưa gắn bó sâu xa với lễ nghi phong tục.