Nghị lực vượt khó của cô giáo trẻ người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cô giáo Nàng Xô Vi (SN 1996, ngụ làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là đại biểu Quốc hội khóa XV trẻ nhất trong ngành giáo dục. Cô cũng là người dân tộc ít người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội.
Cô giáo trẻ người dân tộc Brâu Nàng Xô Vi.
Cô giáo trẻ người dân tộc Brâu Nàng Xô Vi.

Người Brâu đầu tiên đỗ đại học

Cô giáo Nàng Xô Vi kể, gia đình cô có 4 anh chị em, cô là con út trong nhà. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng và 3 con bò trợ cấp. Gia đình khó khăn, người anh đầu của cô chỉ học đến lớp 6, rồi nghỉ ngang để phụ cha mẹ lo cho các em ăn học. Còn người anh thứ 2 chưa được một ngày đến trường vì muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho 2 em gái.

Cha mẹ làm rẫy xa nhà, có khi ở lại vài tháng mới về nên anh em Vi tự cơm nước, dắt nhau đến trường học con chữ. Khi đó, trong làng chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ.

“Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, mấy anh chị em ở nhà thường chỉ ăn cơm trắng và rau rừng. Khi đó, ở làng cá khô được xem là một món xa xỉ. Để cải thiện bữa ăn, tôi và anh chị thường đi mò cua, bắt ốc, hái măng. Tôi nhớ những ngày mưa, 2 chị em cắt cái bao lớn để che vượt quãng đường 4km tới trường. Khi tới trường, quần áo, giày dép đều lấm lem bùn đất. May mắn sách vở được bọc kín trong túi nilông nên không rách”, cô giáo Vi kể.

Sau khi hoàn thành chương trình THCS tại địa phương, cô Vi xin cha mẹ cho xuống phố để học tiếp. Tuy nhiên, nhà nghèo nên gia đình khuyên can cô dừng việc học. Dù vậy, bản thân cô luôn mong được học tiếp để nâng cao kiến thức, sau này về giúp gia đình và buôn làng thoát nghèo.

Cô giáo Nàng Xô Vi chụp ảnh lưu niệm bên các em học sinh thân yêu.Cô giáo Nàng Xô Vi chụp ảnh lưu niệm bên các em học sinh thân yêu.

Thế rồi, một ngày cuối tháng 7, cô Vi đã đến gặp trưởng thôn trình bày nguyện vọng muốn học lên cao hơn. Sau khi mượn được 100 nghìn đồng, hai bác cháu bắt xe khách đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nộp hồ sơ cho Vi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.

Hai tháng đầu ở trường, cô gái người dân tộc gặp nhiều khó khăn vì chưa rành tiếng Kinh, nói thiếu dấu và viết sai chính tả. Vi tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè, học lực sa sút. Thầy cô hiểu tâm tư nên đã hết lòng hướng dẫn, tạo điều kiện cho cô giao lưu, học hỏi với học sinh trong trường. Hết học kỳ 1, Vi năng động, học tiến bộ hơn.

Mùa hè năm 2014, Vi là người Brâu đầu tiên đỗ đại học. Lúc đó, cha mẹ đang đi làm xa, cô cũng không có điện thoại để liên lạc nên cô lại đến “cầu cứu” trưởng thôn. Trước hôm cô ra tỉnh Thừa Thiên - Huế nhập học ngành Sư phạm Địa lý, một cuộc họp thôn diễn ra tại nhà rông, bà con trong làng góp tiền, gạo, nước mắm, dây dầu gội đầu... giúp nữ sinh.

“Có những cụ bà vét hết vài nghìn đồng, nhét vào túi tôi. Những món quà quý giá ấy, tôi ghi hết vào sổ tay. Đó là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời. Có những lúc nản lòng, tôi nhìn vào đó để cố gắng”, cô giáo Vi chia sẻ

Bốn năm đại học là chuỗi ngày khốn khó, Vi xin làm phục vụ quán cơm, rửa chén bát... để lo tiền ăn học. Năm 2018, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, cô gái Tây Nguyên vào TP HCM xin việc.

Một năm sau, Vi được Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM nhận làm giáo viên thỉnh giảng. Cô yêu rồi kết hôn với đồng nghiệp cùng trường, cùng quê. Vài tháng sau, ở tỉnh Kon Tum tổ chức thi công chức, 2 vợ chồng trở về quê dự thi. Vi đỗ vào chính ngôi trường nội trú của mình trước đây, sau đó được phân về Phân hiệu huyện Ia H’Drai công tác.

Hành trình gieo chữ ở vùng đất khó của cô giáo trẻ khiến nhiều người cảm phục. Bạn đồng hành của cô là chiếc xe máy cũ. Hằng tuần, cô chạy gần 100km trên tuyến đường rừng từ huyện Ngọc Hồi qua huyện Ia H’Drai để dạy học. Vào mỗi buổi học, cô kiên trì truyền dạy kiến thức và cả điều hay lẽ phải cho các em, giúp các em nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tương sáng.

Qua thời gian công tác, giảng dạy, cô Vi được đánh giá là một giáo viên năng nổ, tham gia tốt các hoạt động phong trào, thường giúp đỡ học sinh, bà con trên địa bàn. Đồng thời, có ưu thế là người dân tộc thiểu số ít người nhất, đủ tiêu chuẩn, cô được giới thiệu ứng cử vào đại biểu Quốc hội khóa XV.

Khát vọng đổi mới giáo dục miền núi

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Nàng Xô Vi trúng cử với 82% phiếu bầu. Cô là người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội.

Khi biết tin mình trúng cửđại biểu Quốc hội, cô Vi bảo rất biết ơn khi được người dân địa phương tín nhiệm. Tuy nhiên, đây cũng là trách nhiệm nặng nề với bản thân cô khi tuổi vẫn còn khá trẻ.

Theo cô giáo Vi, trên địa bàn cô sinh sống có hơn 34 dân tộc anh em. Do đó, côluôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, hướng nghiệp cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô kể, ở huyện nơi mình sinh ra, nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 đã bỏ học, trai gái 15, 16 tuổi đã “theo nhau” kết hôn. Vì thế, cô mong góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc đưa tri thức vào đời sống.Điều này rất cần đến sự thay đổi của giáo dục, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

“Dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điện - đường - trường - trạm có thể chưa đầy đủ nhưng với lòng yêu nghề của tất cả các giáo viên vùng cao và có được sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của Nhà nước thì giáo dục miền núi chắc chắn sẽ có những đổi mới tốt đẹp hơn”, cô giáo Vi bộc bạch.

Bên cạnh đó, cô Vi cho biết, bản thân rất quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, các vấn đề bình đẳng giới và việc làm cho lao động nữ. Do đó, cô sẽ kiến nghị, đề xuất về các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

“Tôi mong muốn mang tiếng nói của mình ra nghị trường Quốc hội, trình bày những tâm tư, nguyện vọng của các học sinh, giáo viên ở địa bàn; những giải pháp phát triển giáo dục vùng cao; những “điểm nóng” cần chính sách hỗ trợ để ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục ở trẻ em”, cô giáo Vi chia sẻ.

Cô giáo Nàng Xô Vi cũng mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cùng các phòng, ban, nhà trường sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ để cô được hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản thân cô tự hứa sẽ cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để có thể đưa tâm tư, nguyện vọng người dân đến với diễn đàn Quốc hội. Qua đó, kêu gọi các chính sách hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc, việc làm, với mục tiêu là thu hẹp dần về khoảng cách, mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước.

Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, cho biết: “Việc cô giáo Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội là niềm vinh dự rất lớn đối với ngành giáo dục. Cô giáo Vi sẽ đại diện cho tiếng nói của ngành giáo dục địa phương, đưa tâm tư, nguyện vọng của ngành đến diễn đàn Quốc hội. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum mong cô giáo Vi sẽ phát huy năng lực, nhiệt huyết của bản thân, thực hiện khát vọng góp phần phát triển và xây dựng ngành giáo dục tại quê hương”.

Chú thích ảnh:

A1: Cô giáo Nàng Xô Vi.

A2: Cô giáo Nàng Xô Vi chụp ảnh cùng học trò.

Đọc thêm