"Ngọn gió" Nguyễn Huy Thiệp vẫn thổi mãi trong văn học Việt Nam đương đại

(PLVN) - Nguyễn Huy Thiệp được nhiều người đánh giá là “Ông Vua”, bậc thầy truyện ngắn Việt Nam đương đại. Sự ra đi của ông vào ngày 20/3/2021 vừa qua, là mất mát to lớn cho nền văn học nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Huy  Thiệp (ảnh iternet).
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh iternet).

* Nguyễn Huy Thiệp và những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình thức tỉnh lương tri

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, có tài liệu cho rằng, ông sinh tại Thái Nguyên, quê ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Mấy chục năm qua, ông định cư ở xóm Cò, thôn Khương Hạ, xã Khương Ðình, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), Hà Nội. 

Gây xôn xao từ lúc mới xuất hiện

Dù viết không nhiều truyện ngắn, khoảng trên dưới 50 truyện, nhưng Nguyễn Huy Thiệp được giới văn học coi là “Ông Vua”, bậc thầy truyện ngắn Việt Nam đương đại. Mặc dù có viết tiểu thuyết, như Tuổi hai mươi yêu dấu, nhưng ông không được nhắc nhớ nhiều về thể loại này. Nguyễn Huy Thiệp cũng được biết đến ở thể loại kịch.

Cũng như, ông từng gây sóng gió trong thể loại phê bình với tác phẩm Giăng lưới bắt chim. Viết về Nguyễn Huy Thiệp, đã có nhiều khen chê, tranh luận, từ lúc ông xuất hiện, cho đến nay, kể cả khi đã qua đời, khẳng định thêm rằng, ông là nhà văn hiếm có của nền văn học Việt Nam.

Việc so sánh Nguyễn Huy Thiệp với các nhà văn tiền bối tiếng tăm khác như Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, có thể là còn quá sớm. Nhưng về mặt lôi cuốn trong văn phong, rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp không hề thua kém. Văn ông sắc, gọn, đau đớn. Cùng với đó, là những cái cười, nhưng đó là những cái cười mỉa mai, cái cười xót xa.

Nguyễn Huy Thiệp đã trình bày đời sống thời nay bằng những câu chuyện mà nhiều người đọc cảm thấy giật mình, như ở chuyện Tướng về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ... Những chuyện này đều nói lên cái đời thường nhói buốt, mà con người ở đó luôn thấy chán nản, bi quan, không lối thoát. Nguyễn Huy Thiệp nói lên lối sống đã rối tung rối mù trong nhân cách con người hiện nay, đổ vỡ, nhưng phải chấp nhận để sống như thế. Để sống tử tế hơn. 

Mặc dù viết văn từ sớm, khoảng ngoài 20 tuổi, nhưng ông lại xuất hiện trên văn đàn khá muộn, vào những năm 1986, khi ấy, ông đã 36 tuổi. Từ đó, liên tiếp những truyện ngắn được giới thiệu, gây xôn xao dư luận, đến nỗi nhà văn Nguyễn Khải từng nói rằng, có thể đổi hết gia tài truyện ngắn của ông để lấy một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Để rồi sau đó, người ta phải tập hợp một cuốn tiểu luận có tên Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và tuyển chọn).

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp- ấn bản đặc biệt mừng 70 năm ngày sinh của ông.
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp- ấn bản đặc biệt mừng 70 năm ngày sinh của ông.

Nguyễn Huy Thiệp từng có nhiều năm dạy học ở Tây Bắc, chính khoảng thời gian này đã giúp ông trải nghiệm về cuộc đời và cách sống, để rồi viết nên áng văn “Những ngọn gió Hua Tát”. Đây là những chuyện mê đắm về con người, núi rừng, mà qua đó, Nguyễn Huy Thiệp cho chúng ta hiểu hơn về bản chất và bản tính con người, cũng như mối ràng rịt giữa con người và thiên nhiên.

Nguyễn Huy Thiệp cũng được đánh giá cao ở thể tài viết về nông thôn, như truyện Những bài học nông thôn, Chảy đi sông ơi, Chăn trâu cắt cỏ, Thương nhớ đồng quê... Đây có thể được coi là những truyện ngắn mẫu mực viết về nông dân, nông thôn Việt Nam. Ở thể loại này, khó có nhà văn nào đạt được tầm vóc như Nguyễn Huy Thiệp.

Văn ông cuốn hút từ những dòng đầu tiên, kể cả cốt truyện, luôn tạo được điểm nhấn và gây nên nỗi xót đau cho người đọc. Có nhà phê bình coi văn Nguyễn Huy Thiệp viết câu ngắn, gọn quá. Nhưng đó là phong cách của ông, có thể do đời sống hiện nay trôi đi quá nhanh, người ta sống gấp, sống vội, nên câu văn được đẩy nhanh, không chậm rãi, khoan thai như văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân.

Ở Nguyễn Huy Thiệp, người ta còn thấy được một nhà tư tưởng. Các truyện ngắn của ông đều có những triết lý về nhân sinh, về đời sống, về tôn giáo. “Con người ta tối tăm lắm... Chị nói với tôi khi hai chị em ngồi trên mũi đò chờ khách sang sông. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường...” (Chảy đi sông ơi); “Làm thân nam nhi, vượt qua một bể lừa lọc, vượt qua một bể ái tình...đời nát toét ra...Kẻ nào có phao là đồng tiền hay lòng nhân đức còn đỡ? không có phao xớt lắm...Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử ma quỷ với thánh thần...Hóa ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm...” (Đời thế mà vui).

Khoảng trống lớn trong nền văn học Việt Nam

Ngày 20/3, là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, và ngày này năm 2021, Nguyễn Huy Thiệp đã chọn để ra đi. Không còn Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam đã trống một khoảng lớn, dù lâu rồi, ông không viết. Nhưng cái tên Nguyễn Huy Thiệp, khi còn sống, như là điểm tựa, để những người cầm bút, nhất là thế hệ nhà văn tuổi còn trẻ, nhìn vào, để viết hay hơn, viết say mê hơn. 

Không những viết độc đáo về đời sống, Nguyễn Huy Thiệp còn gây sóng gió với thể loại truyện viết về lịch sử: Chút thoáng Xuân Hương, Mưa Nhã Nam, Nguyễn Thị Lộ, Phẩm tiết... Các truyện ngắn viết ở thể loại này được Nguyễn Huy Thiệp hư cấu một cách triệt để nhất, các nhân vật đã trở thành “huyền thoại” trong lịch sử trở nên đời thường hơn. Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Huy Thiệp quan niệm: “Truyện lịch sử tồn tại dưới tay kẻ viết mạnh nhất. Chúng ta phải biết lợi dụng lịch sử. Đại ý như câu nói mà tôi đã từng nghe: “Lịch sử là cái đinh để tôi treo áo”.

Trong bài điếu văn tiễn biệt Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. 

Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại. Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật. Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người. Chúng ta có thể nói: văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, trong bài thơ xúc động, như là nét tâm nhang, đã dùng những tên truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, để tiếc thương một văn tài hiếm có: “Anh đã “sang sông” trở về “lòng mẹ”/Sông nghe anh gọi “chảy đi sông ơi”/ “Con gái thủy thần” chờ nơi cửa bể/ Hỏi anh vì sao “đời thế mà vui”. “Anh đã cùng “những ngọn gió Hua Tát/ Nở hoa tử huyền làm “muối của rừng”/ Ngồi một mình “thương cả cho đời bạc”/ Chạy đuổi theo “huyền thoại phố phường”.... “Anh đi nhé, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp/ “Những người muôn năm cũ” hóa bây giờ/ Văn của anh mọi người còn đọc tiếp/ Để thấm “chuyện tình kể trong đêm mưa”. (Trong ngoặc kép là tên các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp).

Được biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Cũng như, mới đây, khi còn sống, ông được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Nguyễn Huy Thiệp đã rời bỏ chúng ta, nhưng những đóng góp cho nền văn học nước nhà thật khó có nhà văn nào làm được như ông. Và còn bao lâu nữa, mới có một nhà văn viết hay như Nguyễn Huy Thiệp?

Đọc thêm