Người phụ nữ Việt khiến các công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ “đứng ngồi không yên”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bà Trần Tố Nga đã trở thành hiện tượng được cả thế giới biết đến khi một mình đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ để đòi lại công bằng cho gần 5 triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga.
Bà Trần Tố Nga.

Trải qua hơn 10 năm đòi công lý cho nạn nhân da cam, trong đó có 6 năm theo đuổi vụ kiện, dù vấp phải nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ cuộc.

Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, hiện bà mang hai quốc tịch Việt và Pháp. Trước đây, bà Nga từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam. Bà đã từng tham gia chiến trường miền Nam và bị địch bắt tù đày. Trong quá trình kháng chiến đấy bà bị nhiễm chất độc dioxin.

Hành trình đi tìm công lý

Bà Trần Tố Nga có 3 người con gái và thật không may mắn khi tất cả họ đều bị nhiễm chất độc màu da cam, trong đó, con gái đầu của bà đã mất khi mới 17 tháng tuổi. Hai người con và cháu ngoại của bà cũng đều mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin.

Những ngày sau giải phóng, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Trong đó, bà đã có những cống hiến lớn cho việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Bà Nga đã được trao tặng Bắc đẩu Bội tinh - Huân chương cao quý của nước Pháp. Sau đó, bà định cư và nhập quốc tịch Pháp.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (NNCĐDC) cùng một số nạn nhân đại diện kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam. Tòa án Mỹ bác đơn. Suốt 5 năm sau đó, đơn kiện của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trình lên 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang Mỹ cũng đều bị bác với lý do không có trách nhiệm xem xét.

Vào tháng 5/2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế ở Paris. Cũng từ đó, với sự đồng hành của luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny - Chủ tịch Ủy ban quốc tế ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học.

Theo luật quốc tế, nạn nhân da cam Việt Nam không kiện được nữa và nạn nhân da cam của các nước khác cũng vậy. Riêng nước Pháp có luật cho phép luật sư bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước thứ hai hoặc thứ ba làm hại cho công dân nước mình. Và, theo như lời bà Trần Tố Nga thì bà may mắn hội đủ ba điều kiện đó, vì vậy, bà đã đứng lên đòi lại công bằng cho các nạn nhân dioxin Việt Nam.

Những nạn nhân bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra tại Việt Nam.

Những nạn nhân bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra tại Việt Nam.

Từ 2009 - 2011, hai năm để thuyết phục, hai năm để xóa nghi ngờ, hai năm chịu đựng nhiều hiểu lầm để đạt được sự đồng thuận. Bà Nga đã phải rất vất vả để có thể cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm chỉ ra nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Và từ đó hành trình khởi kiện của bà bắt đầu.

Giai đoạn 2011 - 2013, thêm 2 năm chờ đợi cho bộ luật của Pháp quay trở lại cho phép các vụ kiện quốc tế. Vào tháng 3/2013, khi được phép kiện, bà Tố Nga gặp khó khăn lớn vì hồ sơ 30 trang, bắt đầu nghiên cứu từ 2009 đã hoàn chỉnh, cần có 36.000 euro để được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh có công chứng quốc tế.

Chính lúc này, chỉ trong vòng một tuần, các bạn Pháp và Việt kiều đã gửi về Văn phòng luật sư số tiền 16.000 euro. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã hỗ trợ phần còn lại để giúp bà tiếp tục hành trình của mình.

Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ.

Tháng 4/2014, bà nhận được thông báo tòa mở phiên đầu tiên với danh sách hầu tòa của 19 công ty Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Những công ty chưa một lần ra trước bất cứ tòa án nào ở nhiều nước. Tuy nhiên, 6 năm sau đó với 19 phiên thủ tục trôi qua, bà Nga gặp phải nhiều trở ngại từ bị đơn gây ra và nhiều vấn đề về sức khỏe.

Sự kiện mong đợi cũng thực sự bắt đầu khi vào ngày 29/6/2020, thẩm phán phiên thủ tục thứ 19 đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12/10/2020. Tuy sự kiện này bị dời đến ngày 25/1/2021, song mỗi phiên tòa là một bước tiến của những người ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.

Trong phiên tranh tụng ngày 25/1/2021, tại Tòa đại hình Evry, luật sư của các công ty hóa chất đã phủ nhận trách nhiệm pháp lý khi tuyên bố rằng chất độc da cam được sản xuất theo lệnh của chính phủ Mỹ dành riêng cho mục đích quân sự. Các luật sư của bà Tố Nga đã bác bỏ lập luận trên và nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ đã không trưng dụng hóa chất mà đã mua từ các công ty sản xuất thông qua một quá trình đấu thầu.

Và thật đáng buồn, trong phán quyết ngày 10/5 vừa qua, tòa Evry khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ.

Bà Trần Tố Nga kêu gọi dư luận thế giới ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga kêu gọi dư luận thế giới ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Cuộc chiến không đơn độc

Trả lời câu hỏi về việc này tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “rất lấy làm tiếc với phán quyết của tòa án về vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga”.

Người phát ngôn Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong đó có tác động nặng nề và lâu dài của chất độc da cam/dioxin: “Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam”.

Từ lúc bắt đầu hành trình chỉ có một mình nhưng trải qua hơn 10 năm bà Nga đã có được hàng chục nghìn người trên khắp thế giới ủng hộ. Điển hình như trong phiên tranh tụng ngày 25/1, rất đông những người ủng hộ bà Trần Tố Nga đã có mặt tại phòng xét xử cùng với nhiều chính trị gia Pháp. Phần tranh tụng diễn ra căng thẳng giữa luật sư của hai bên. Ba luật sư của nguyên đơn, bà Trần Tố Nga, có một giờ rưỡi để tranh tụng, còn gần 20 luật sư của phía bị đơn, các tập đoàn và công ty hóa chất Mỹ, có 4 giờ để phản biện.

Bà Trần Tố Nga tại phiên tòa ngày 25/1/2021.Bà Trần Tố Nga tại phiên tòa ngày 25/1/2021.

Bà Marie Toussaint (luật sư trong lĩnh vực luật quốc tế về môi trường, đồng thời là Nghị sĩ của Pháp tại Nghị viện châu Âu) cho rằng, lập luận của phía nguyên đơn rất chắc chắn. Trong khi đó, phía bị đơn tìm mọi lý do để bác bỏ trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ đối với những hậu quả mà chất độc da cam gây ra cho bà Trần Tố Nga.

Có mặt tại phiên tòa, ông Jean-Marc Défrémont (Thị trưởng thành phố Savigny-sur-Orge, nơi bà Nga cư trú), bày tỏ: “Các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra các chất diệt cỏ, tạo nên sự phá hủy môi trường lớn ở Việt Nam. Song cho đến nay họ chưa phải chịu một sự trừng phạt nào. Vì vậy chúng tôi ủng hộ vụ kiện của bà Tố Nga với tư cách là những người bảo vệ sinh thái”.

Còn báo chí Pháp, Đức cùng nhiều nước khác cho rằng đây là “một vụ kiện lịch sử”. Trong bài phát biểu trực tuyến tại một buổi tọa đàm được tổ chức cuối tuần trước, bà Tố Nga khẳng định bất kể phán quyết của tòa như thế nào, cuộc đấu tranh vì công lý kéo dài suốt hơn 10 năm qua sẽ vẫn tiếp tục. Bà cũng nhấn mạnh bản thân đã sẵn sàng trường kỳ theo đuổi vụ kiện.

Ở tuổi 79, bà vẫn đi về giữa hai nước Pháp - Việt thường xuyên để đấu tranh đòi công lý và hơn hết là lan tỏa khát vọng mong xã hội cùng chung tay vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nạn nhân chất độc da cam. Bà đã từng phát biểu rằng: “Tôi thấy mình được tôn trọng và rất cảm động. Tôi biết mình không đơn độc. Tôi không thể chùn bước”.

Đọc thêm