Người Việt muôn phương: Những thế hệ người “Chân đăng” gìn giữ hồn cốt Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đã trải qua hơn 100 năm có mặt tại hai quốc đảo New Caledonia, Vanuatu, nhiều thế hệ người Việt tại đây vẫn giữ được bản sắc Việt Nam nơi xứ người như giữ gìn tiếng Việt, duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông. 
Tết Việt đầm ấm với bánh chưng truyền thống được gói ở Tân Đảo, Tân Thế giới.
Tết Việt đầm ấm với bánh chưng truyền thống được gói ở Tân Đảo, Tân Thế giới.

* Hành trình của người Việt trở thành người “Chân đăng” ở những miền trời mới

Hơn nữa, nhiều thế hệ sau của người Việt ở nơi đây đã trở thành những người có sự nghiệp và sức ảnh hưởng với kinh tế, chính trị của nước bản địa.

Những người Việt ở Niaolis

Thế hệ người Việt được sinh ra tại New Caledonia (Tân Thế giới) được gọi là Niaolis. Đây là tên gọi của Tràm gió - một loài cây mọc rất nhiều tại các khu mỏ, nơi thế hệ người Việt đầu tiên từng lao động và sinh sống. Loài cây Niaolis này có một sức sống vô cùng mãnh liệt, sau những trận cháy rừng, Niaolis vẫn có thể tiếp tục đâm chồi nảy lộc từ đống tro tàn. Đó cũng là điều mà những người “Chân đăng” muốn gửi gắm về cách sống cho thế hệ con cái của họ.

Theo nhiều tư liệu ghi lại đã có hơn 6.000 người Việt Nam đã tới và sinh sống tại New Calendonia từ những năm 1929. Dù ở nơi xứ người, ở ngay lòng đất nước là thuộc địa của thực dân Pháp nhưng những người “Chân đăng” vẫn giữ nguyên lề thói, phong tục tập quán của người Việt. 

Ông Phạm Văn Đức, một người thuộc thế hệ thứ hai của người “Chân đăng” kể rằng, ngay từ nhỏ cha mẹ ông và những người Việt khác luôn tâm niệm “đã là người Việt Nam thì phải nói tiếng Việt Nam”. Bởi vậy mà dù con cái của các cụ, có nói tiếng Pháp, đi học ở trường Pháp nhưng khi đã bước chân về nhà, qua cánh cửa, tất cả sẽ phải nói tiếng Việt. Ở các khu có đông người Việt sinh sống, các cụ “Chân đăng” còn mở lớp dạy tiếng Việt cho con cháu.

Đầu những thập niên 1950, chính quyền Pháp đàn áp phong trào của người Việt Nam. Không chỉ cấm các đoàn, hội của người chân đăng sinh hoạt, chính quyền còn đóng cửa các lớp dạy tiếng Việt. Kể từ đó, ông Đức đã cùng các thanh niên khác bí mật tổ chức các lớp học nhỏ trong nhà dân. “Điều này cũng phần nào thể hiện ước vọng được hồi hương của các cụ”, ông Đức chia sẻ.

Vào thập niên 1960, hơn 80% người Việt ở đây đã lựa chọn hồi hương theo một hiệp định giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Con cháu của những người ở lại hòa nhập với môi trường sở tại. Đáng tiếc, ngày nay những thế hệ thứ ba, thứ tư của người Việt ở New Calendonia đa phần không biết nói tiếng Việt.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Hội Ái hữu Việt Nam - New Calendonia đã mở lớp dạy tiếng Việt tại trụ sở Hội vào mùa Hè để phục vụ nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của bà con. Không chỉ có các em nhỏ, thậm chí những người đã lớn tuổi cũng đến đây để học tiếng nói quê hương. 

Sắc áo dài Việt trong ngày lễ ở Tân Đảo
Sắc áo dài Việt trong ngày lễ ở Tân Đảo  

Không chỉ gìn giữ tiếng nói, những người Việt đang sống ở New Calendonia vẫn lưu giữ thói quen ăn uống của quê hương với các món giò, chả, nem, bánh cuốn, phở... Nếu du khách đến thăm khu chợ trung tâm ở Thủ đô Nouméa vào dịp cuối tuần, người ta dễ dàng tìm thấy các quầy thực phẩm của người Việt. Dù không hoàn toàn giống những buổi chợ phiên ở Việt Nam nhưng phần nào đó nơi đây vẫn lưu giữ được hồn cốt, dấu ấn của người Việt. Những người Việt Nam ở đây ngày nay chủ yếu làm các lĩnh vực thương nghiệp và nông nghiệp.

Không chỉ có những món ăn mà những phong tục tập quán đặc trưng của người Việt như đón Tết Nguyên đán, lì xì và chúc Tết vẫn được lưu giữ và kế thừa. “Ngày xưa, các cụ chân đăng đón Tết cũng vui vẻ, rộn rã... chẳng khác nào như khi còn ở Việt Nam”, ông Phạm Văn Đức kể lại. Vào những ngày giáp Tết, người Việt ở đây lại cùng nhau dọn nhà, giết lợn, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng... Vì không có lá dong nên người Việt ở New Calendonia gói bánh chưng bằng lá chuối. 

Ngày nay, không còn nhiều gia đình người Việt ở New Calendonia tự gói bánh chưng vào dịp Tết, nhưng ở Thủ đô Nouméa, vẫn còn một vài gia đình duy trì nghề làm giò chả, bánh chưng vốn được các cụ đem sang đây từ thế kỷ trước. Tết đến, mỗi gia đình, ít thì mua một hai cái bánh chưng, nhiều thì vài chục cái. Họ ăn không nhiều nhưng vẫn giữ phong tục biếu họ hàng, bạn bè. 

Đáng nói, kể từ năm 1974 đến nay, Hội Ái hữu Việt Nam - New Calendonia vẫn tổ chức đón giao thừa theo Âm lịch cho tất cả cộng đồng tại trụ sở của Hội. Không chỉ liên hoan với các món ăn truyền thống của người Việt, buổi tiệc này còn có những màn biểu diễn văn nghệ, khiêu vũ... 

“Đại gia chân đất” gốc Việt tại Vanuatu

Ông Gilbert Đinh Văn Thân là doanh nhân gốc Việt tại Vanuatu (Tân Đảo) được nhiều người gọi với biệt danh rất thuần Việt “Đại gia chân đất”. Cha mẹ ông thân là thế hệ người Việt đầu tiên tới quốc đảo này theo diện đi phu. Bố mẹ ông cũng như bao người Việt khác, ngày ngày chân đất làm mỏ, chân đất khoác bao gai, tay cầm gậy đi chọc dừa hoặc Cacao. Họ vắt kiệt sức mình trên những hòn đảo hẻo lánh, hứng chịu nhiều bóc lột, bất công của chủ đồn điền để kiếm sống. 

Là thế hệ người Việt thứ hai ở Vanuatu, cậu bé Đinh Văn Thân cũng suốt ngày phải đi chân đất như cha mẹ bởi nhà quá nghèo. Hàng ngày, khi cha mẹ đi làm thì cậu bé Thân cũng vác bao đi dọc bờ biển bắt sò, nhặt ve chai để bán kiếm tiền. Từ một cậu bé gầy gò và có vẻ nhút nhát, không ai ngờ ông Thân có thể gây dựng nên cơ nghiệp, trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất Vanuatu.

Ông Gilbert Đinh Văn Thân, doanh nhân, chính trị gia gốc Việt tại Vanuatu .
Ông Gilbert Đinh Văn Thân, doanh nhân, chính trị gia gốc Việt tại Vanuatu .  

Ông Thân chủ yếu kinh doanh ngành vận tải thủy và du lịch. Gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 500 người ở Vanuatu, một con số chỉ sau Chính phủ Vanuatu. Tính đến nay, ông đã sáng lập hơn 20 doanh nghiệp. Với việc sở hữu nhiều đất đai trị giá hàng triệu USD, ông Đinh Văn Thân đã cùng thế hệ người Việt thứ hai làm nên vị thế mới của người Việt Nam tại đảo quốc này.

Người dân ở quần đảo Vanuatu không còn xa lạ với hình ảnh một doanh nhân nổi tiếng giàu có nhưng thường đi chân đất. Hàng ngày, đôi chân thoăn thoắt từ văn phòng đến khu kinh doanh ven bờ biển rồi lại ra trang trại rộng hơn 900 hecta. Ông Thân chia sẻ: “Tôi luôn đi chân đất. Ngày xưa cha mẹ tôi làm đồn điền cũng chân đất thì bây giờ tôi cũng chân đất thôi. Cái chất Việt nó không thay đổi”.

Không chỉ có khối tài sản lớn, ông Thân còn là công dân có sức ảnh hưởng về mặt chính trị. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị hãng hàng không quốc gia Air Vanuatu. Ông Thân giành vị trí lãnh đạo Đảng Đảng Dân tộc Thống nhất năm (NUP) 1999, và dẫn dắt đảng này trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 2002. Năm 2003, ông đã bị mất chức. 

Ông Thân (thứ hai từ phải qua) cùng những người bạn gốc Việt của mình.
Ông Thân (thứ hai từ phải qua) cùng những người bạn gốc Việt của mình.  

Ông rời bỏ NUP và thành lập Đảng Dân tộc Vanuatu (VNP) năm 2004. Đảng này kêu gọi sự hợp tác giữa các giáo hội và chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục; kêu gọi phát triển “dịch vụ viễn liên có hiệu lực toàn quốc”; và gợi ý trao các vị trí Chính phủ quan trọng như Chánh án và Nhân viên kiểm tra cho người ngoại quốc...

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004, ông đã lãnh đạo Đảng Dân tộc Vanuatu. Năm 2011, ông trao quyền lãnh đạo VNP cho Christophe Emelee và ngưng hoạt động chính trị. Tuy nhiên, hai năm sau ông đòi giành quyền chủ tịch đảng này. Trong thập niên 2000 ông là một thành viên của Ủy ban Quốc tịch Vanuatu. Hiện tại, ông cũng được tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch hội Ái hữu Việt Nam tại Vanuatu. 

Đọc thêm