Nơi đây, cũng đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, những vở kịch kinh điển được ra đời, còn lưu lại trong tâm trí nhiều người. Nhà hát Kịch Việt Nam được coi là “Cánh chim đầu đàn” là “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Nhiều vở kịch kinh điển ra đời
Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) tiền thân là đội kịch thoại của Đoàn văn công nhân dân Trung ương, được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Lịch sử phát triển của NHKVN gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam. Những tên tuổi “vàng” đã làm nên một NHKVN, đến nay còn nhiều người nhắc nhớ: Thế Lữ, Song Kim, Ðào Mộng Long, Nguyễn Ðình Nghi. Sau này có Trần Tiến, Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Ðoàn Dũng; và để lại dấu ấn ngày hôm nay, có Anh Tú, Xuân Bắc, Quốc Khánh...
Lịch sử, quá khứ hào hùng và tên tuổi của các nghệ sĩ đã làm rạng danh cho nhà hát hôm nay.Đó vừa là nền tảng, vừa là động lực, là điểm tựa để cho những nghệ sĩ tiếp tục dựng xây nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, đó cũng là nấc mà các nghệ sĩ phải vượt qua, để nhà hát ngày một phát triển hơn, ít nhất là theo được bước chân các nghệ sĩ tiền bối.
Hiện nay, khi mọi loại hình nghệ thuật đều có sự phát triển vượt bậc, thời công nghệ số lên ngôi, thì các loại hình nghệ thuật truyền thống gặp không ít trở ngại. Dù đã có bề dày lịch sử, có nền móng vững chắc. Nói về những khó khăn mà NHKVN đang gặp phải, NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ: “Ban đầu, phải kể đến sự hạn chế về cơ sở vật chất. Rạp của nhà hát chỉ có sức chứa 180 chỗ ngồi, đó là số lượng rất là nhỏ so với nhu cầu thưởng thức của khán giả trong thời buổi xã hội hiện nay.
Cùng với đó là trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Không phải bản thân các nhà hát không năng động nhưng trong hoạt động chính thống vẫn phải có nguồn cố định là ngân sách. Khi đó, nguồn ngân sách được coi như xương sống tạo chỗ dựa vững vàng hơn. Nhưng dù có khó khăn, ban lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ diễn viên của nhà hát đã làm ra những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao”.
Mặc dù gặp phải muôn vàn những khó khăn nhưng với tình yêu nghề đặt lên trên hàng đầu, toàn bộ lãnh đạo cũng như các nghệ sĩ của NHKVN đã đạt được nhiều thành quả khi đơn vị tự chủ một phần.Điều này được chứng minh qua những việc làm cụ thể như tổ chức biểu diễn trong nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiều tác phẩm đã nhận được sự đánh giá cao mà còn có những vở kịch dài biểu diễn ở nước ngoài.
Một cảnh trong vở diễn "Đêm trắng" của Nhà hát kịch Việt Nam. |
Đó là dòng chính kịch để tiếp cận khán giả và bà con kiều bào. Cũng với những kịch mục như thế, nhà hát còn giao lưu và trao đổi nghệ thuật văn hóa với một số nước. Bên cạnh đó, công tác phát triển những tài năng trẻ được ban lãnh đạo NHKVN hết sức chú trọng. Lãnh đạo nhà hát đã rất mạnh dạn trong việc sử dụng những tài năng.
NSƯT Kiều Minh Hiếu cũng cho rằng, nhà hát không quan trọng vấn đề người diễn đã làm lâu hay mới ra trường. Trong quá trình tập sự, nếu nhận thất thấy hợp với vai diễn và bộc lộ được tài năng là chúng tôi sẽ giao vai.Trong quá trình tập luyện chúng tôi sẽ uốn nắn để họ bắt nhịp được với phong cách diễn của nhà hát. Mặc dù thù lao mới chỉ ở mức tượng trưng, nhưng với lòng đam mê, máu nghề nghiệp được diễn đã vượt lên trên tất cả thì những người này đã cố gắng cháy cùng nghề nghiệp.
Có thể nói, NHKVN là cái nôi của kịch nói Việt Nam. Nói đến kịch nói là nói đến NHKVN. Trước đây, người dân vẫn quen gọi nhà hát là Đoàn Kịch nói Trung ương, rồi đến Nhà hát kịch Trung ương. Vở diễn kinh điển thì rất nhiều. Có thể tùy từng thời điểm, từng thời kỳ nhưng những người yêu kịch nói Việt Nam vẫn còn lưu giữ trong tâm trí đến ngày hôm nay các vở diễn như: Chuông đồng hồ điện Kremlin, NiLa, Người cầm súng, Ánh đèn nê-ông, Bài ca Ðiện Biên, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Nghêu - sò - ốc - hến …
Vấn đề “nóng” vào vở diễn
Những năm gần đây, nhà hát đã cho ra đời một loạt các tác phẩm gắn liền với hơi thở cuộc sống, chất lượng các vở diễn khẳng định tên tuổi “anh cả đỏ” như: “Tai biến” do NSND Anh Tú dàn dựng, “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ do đạo diễn Lâm Tuấn Hải phục dựng, “Lâu đài cát” của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương do NSND Anh Tú dàn dựng, “Dư chấn” của nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng.
Gần 70 năm hình thành và phát triển, NHKVN vẫn giữ vững định hướng nghệ thuật. Đó là dàn dựng những vở kịch kinh điển, vở kịch lớn, hiện đại, nói về đề tài nóng của đất nước, và những vấn đề người dân đang quan tâm, những vở kịch tâm lý xã hội với những vấn đề mà người dân đang trăn trở như đạo đức gia đình, nhà trường, tham nhũng…
Có thể thấy, việc thường xuyên lựa chọn đề tài chống tham nhũng đã phần nào đã khẳng định được vai trò và trách nhiệm của NHKVN là tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, dùng nghệ thuật kịch nói để tuyên truyền. Trong dịp chuẩn bị công chiếu vở diễn “Đêm trắng” gần đây, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam có chia sẻ: “Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi mà việc phòng chống tham nhũng được đẩy lên cao làm trong sạch Đảng. Chúng ta hãy khoan nói về việc ai tham nhũng, tham nhũng đến đâu và tham nhũng thế nào mà hãy nói về tinh thần xây dựng Đảng”.
“Đêm trắng” là vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Hà. Nhà soạn kịch Lưu Quang Hà đã viết dựa trên một câu chuyện có thật trong những năm toàn dân và toàn quân ta dồn hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp vào những năm 1950.
Nội dung vở kịch kể về câu chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình một vị Đại tá - cán bộ có chức vụ cao trong quân đội. Trong lúc từ Chủ tịch nước đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm cho kháng chiến… thì vị đại tá Hoàng Trọng Vinh lại chất gạo đầy kho để báo cáo thành tích và không cấp cho bộ đội, bớt xén công quỹ tiêu xài, hoang phí.
Một đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu có hành động tham ô, bợ đỡ cấp trên, chèn ép cấp dưới, lợi dụng chức quyền sống đế vương như Hoàng Trọng Vinh làm mất lòng tin của chiến sĩ, nhân dân. Ngay sau khi biết chuyện, Bác Hồ đã rất đau lòng về sự suy thoái đạo đức của một số cán bộ đảng viên. Sau những đêm trắng, Bác đã phải hạ bút y án tử hình viên đại tá, người mà chính Bác đã từng tin tưởng ký đề bạt.
Có thể nói “Đêm trắng” là một dạng đề tài đang rất là nóng trong xã hội. Mặc dù là vở kịch cũ nhưng với cách kể hiện đại, lối diễn hiện đại đã được các nhà chuyên môn và hội đồng duyệt đánh giá rất tốt.Những năm qua, vị trí của NHKVN đang được khẳng định. Những tác phẩm của Nhà hát cũng cho thấy được những nét mới, nét đặc sắc, mang đậm chất của kịch Việt Nam.