Nhà thơ vĩ đại thời Trung Cổ
Dante sinh tại Firenze, Cộng hoà Firenze, nay thuộc Ý, là nhà thơ có sức ảnh hưởng không những tại Ý mà tại nhiều quốc gia khác. Dante sinh vào năm nào đến đến nay còn nhiều nghi vấn, tuy nhiên, có tư liệu ghi rằng, nhà thơ sinh năm 1265. Năm sinh của ông được nhiều chuyên gia lấy từ thông tin trong tập thơ Thần khúc.
Nguồn gốc gia đình nhà thơ đến nay cũng chưa thật chính xác, có người cho rằng, gốc gác Dante là người La Mã cổ đại.Sinh thời, Dante không được sống một cách bình yên, thời ấy, các nhóm phái không thật sự đoàn kết. Có tài liệu có viết, Dante có tham gia chính trị, gia nhập vào các hội đồng thành phố, cũng từng là một dược sĩ không chuyên.
Cuộc đời Dante trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Có lẽ chính những năm tháng trải qua đau đớn này đã giúp ông viết được nhiều tác phẩm vào loại hay nhất của nhân loại, nổi bật nhất là thiên phẩm Thần khúc.
Nhà thơ vĩ đại người Ý đã trải qua tình yêu không được như mong đợi. Khi 12 tuổi, Dante đã được gia đình hứa hôn với một cô gái nhà gia thế, nhưng lúc này ông đã đem lòng yêu Beatrice Portinari, nhưng rồi cuộc tình với Beatrice không đạt kết quả như ý, mặc dù nhà thơ có gặp lại “nàng thơ” này sau 18 tuổi.Beatrice Portinari sau này là nguồn cảm hứng cho ông viết những bản sonnet và Thần khúc.
Dante được cho là từng đọc các bài thơ Latin cổ đại của Cicero, Ovid, Virgilo. Cùng với đó, ông cũng tiếp cận dòng thơ ca qua những người hát rong. Tri thức mà Dante có được là từ sự tự học tại nhà. Có người cho rằng, Dante từng học một trường học thuộc một nhà thờ hay tu viện ở Firenze. Bản thân ông cũng là một nhà nghiên cứu triết học, tôn giáo. Chính việc nghiêu cứu thấu đáo về triết học, tôn giáo đã cho ông cái nhìn sâu rộng để viết nên tác phẩm Thần khúc.
Do tham gia chính trị nên Dante từng bị kết án liên quan đến tài chính, buộc phải lưu vong hai năm, đồng thời phải đóng một khoản tiền không nhỏ. Nhà thơ Dante cho rằng mình vô tội, không chịu nộp phạt, đồng thời cũng cho rằng gia sản của ông đã bị tịch thu.
Tác phẩm Thần khúc (1472) (Ảnh: wikimedia.org). |
Trước phản ứng này, ông tiếp tục dính kết án lưu vong vĩnh viễn và bị đe dọa sẽ thiêu sống nếu quay lại Firenzemà không chịu nộp phạt. Vào năm 2008, bản án kết tội Dante mới được thành phố Firenze hủy bỏ.
Việc bị kết án khiến ông khó chấp nhận và luôn hy vọng một ngày được trở lại Firenze khi bản án được chỉ ra là sai lầm. Sau đó, bản án được giảm xuống bằng việc quản thúc nhà thơ tại nhà, nhưng với điều kiện không được vào thị trấn Firenze, tuy nhiên nhà thơ đã không đồng ý và quyết định sống lưu vong. Dante được cho là qua đời do bệnh sốt rét. Sau cái chết của ông, thành phố Firenze dường như cảm thấy bản án kết tội ông là sai lầm.
Dante được nhà văn, nhà thơ người Ý Giovanni Boccaccio miêu tả là người: “Có chiều cao trung bình, sau này ông hơi còng một chút, với dáng đi nhẹ nhàng, từ tốn. Ông luôn ăn mặc trang phục chỉnh tề nhất, như để phù hợp với những năm chín chắn trưởng thành. Khuôn mặt ông dài, mũi của ông hơi khoằm, mắt ông to, xương hàm của ông lớn, môi dưới nhô ra. Ông có một làn da nâu, tóc và râu dày, đen, xoăn, vẻ bề ngoài luôn u sầu, đầy tự lự”.
Dante được đánh giá là nhà thơ vĩ đại của thế giới thời Trung Cổ, các tác phẩm của ông, nhất là Thần khúc được coi là một trong những tác phẩm đáng đọc nhất của nhân loại, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, và tâm linh của con người.
Lên án cái xấu, tội ác
Sinh thời, Dante viết nhiều tác phẩm như II convivio (Bữa tiệc), De vulgari eloquentia (Về hùng biện đại chúng), De monarchia (Về chế độ quân chủ)... nhưng những tác phẩm này của ông có vẻ không được mấy chú ý.
Dante được biết nhiều hơn cả qua hai tác phẩm: Cuộc đời mới (thơ và văn xuôi), Thần khúc (thơ). Bài thơ Thần khúc có 1 khúc mở đầu và 33 khúc tiếp theo, vớitổng số 14.233 câu, được coi là tác phẩm đồ sộ về thơ ca.
Qua Thần khúc, Dante đã dẫn dắt người đọc đi từ thế giới loài người sang thế giới kỳ ảo, đầy tính nhân văn. Tác phẩm đã miêu tả về địa ngục, thiên đàng, linh hồn con người, tĩnh ngục. Tĩnh ngục được Dante miêu tả là tên một ngọn núi nằm ở cực Nam của Trái Đất có bảy tầng, tượng trưng cho bảy trọng tội theo quan niệm của Cơ Đốc giáo.
Thông qua Thần khúc, Dante cho rằng địa ngục có thật, nó rất ghê sợ,qua đó ông lên án cái xấu, tội ác. Con người muốn thoát khỏi địa ngục sau khi chết phải có lòng can đảm, tình yêu và danh dự. Dante cũng ca ngợi cái đẹp và sự lương thiện của con người trong tác phẩm này.
Với sự giúp đỡ của nhà thơ La Mã cổ đại Virgilo, nhà thơ Dante đã du hành vào các cõi và coi Virgilo là thầy. Ở khúc mở đầu, Dante viết: “Đến nửa đường đời/ Tôi thấy mình trong rừng tối/ Lạc mất đường chính đạo!”. “Ôi, nói sao hết bao điều cay đắng/ Rừng hoang vu, hiểm trở, trập trùng... Chỉ nhớ lại cũng xiết bao điều kinh hãi!”.
Sau đó, Dante đã gặp được người thầy dẫn đường, chính là Virgilo: “Phải chăng người là Virgilio/ Dòng suối đã phát thành sông thơ vĩ đại?/ Tôi đáp lại, thẹn thùng bừng tận trán!”. “Ôi ánh sáng và vinh quang của bao thi sĩ/ Đã giúp tôi miệt mài đèn sách/ Và say mê sưu tập thơ Người”. “Người là Thầy, là Tác giả của tôi/ Chính ở nơi Người tôi đã học/ Phong cách thanh tao làm vinh dự thơ tôi!” (Nguyễn Văn Hoàn dịch).
Ở phần I của “Địa ngục”, khi thấy Dante lưỡng lự trong cuộc du hành, Virgilo đã khích lệ và nói rằng, chính ông được sự ủy thác của Beatrice. Sau đó, hai thầy trò đi hết cảnh này đến cảnh khác ở địa ngục, tĩnh ngục, thiên đàng. Quan niệm của Dante cho rằng, không chỉ sống ác sau khi chết, con người mới bị đày ải xuống địa ngục. Mà ngay cả khi còn sống, linh hồn con người vẫn bị đày ải nơi địa ngục. Dante trấn tĩnh con người không nên sợ cái chết.
Chính vì miêu tả chi tiết địa ngục, tĩnh ngục, thiên đàng một cách sống động bằng ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, nhân văn, trí tưởng tượng siêu phàm, mà Thần khúc được coi như là “Kinh thánh” thời Trung Cổ. Dante được cho là đã cha đẻ của tiếng Ý, bởi thời ông sống, người ta coi trọng tiếng Latin, nhưng ông lại sử dụng tiếng Ý để viết nên Thần khúc. Có một khảo sát cho rằng, 90% từ tiếng Ý được sử dụng ngày nay đã có mặt trong Thần khúc.
Dante được người dân Ý gọi là nhà thơ Tối cao. Ông cũng được Giáo hoàng Benedict XV gọi là “một trong những thiên tài nổi tiếng mà đức tin Công giáo có thể tự hào” và là “niềm tự hào và vinh quang của nhân loại”. Lời đánh giá này có trong thông điệp ngày 30 tháng 4 năm 1921, nhân kỷ niệm 600 năm ngày mất của Dante.