LTS: Từ xa xưa, Khu bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray trải dài trên hai địa phận huyện Ngọc Hồi và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đã tồn tại biết bao điều kỳ bí. Tất cả những câu chuyện đó đều được người dân truyền tai cho nhau nghe. Chưa có một cuốn sách nào hay một nghiên cứu khoa học cụ thể nào khẳng định những chuyện kỳ bí trên là có thật, nhưng vì sao những câu chuyện ấy vẫn trường tồn qua thời gian?
“Bóng ma” nơi rừng thẳm
Đêm xuống, thung lũng Mô Rai chìm vào bóng đêm cùng sự tĩnh mịch, thi thoảng vọng ra từ đâu đó những tiếng hú, tiếng côn trùng hoang dại càng khiến cho mọi thứ trở nên mơ hồ, huyền ảo. Sau một ngày vào rừng vất vả, chúng tôi được già làng A Blong (SN 1953, ngụ làng Le, xã Mô Rai) đón tiếp và mời nghỉ qua đêm.
Mỗi khi có khách quý đến nhà là người vợ của ông lại chuẩn bị một mâm cỗ “thịnh soạn”. Món cơm nếp được nấu trong ống nứa, cùng với măng rừng đã trở thành món ăn truyền thống từ lâu đời. Sau bữa cơm giản dị, ấm tình người, chúng tôi lại cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng để nghe già làng A Blong kể về những bí ẩn gắn liền với chốn rừng thẳm Chư Mom Ray.
Thuở xa xưa, làng Le của người Rơ Mâm chỉ có khoảng 50 người, họ sống trong những căn nhà cheo leo bên sườn núi Chư Nâm Rai hùng vĩ. Vì họ quan niệm trên một ngọn núi, thì phía trên là địa phận của trời, linh thiêng để vươn tới.
Còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối là của ma, nên người Rơ Mâm không sống được ở những nơi đó. Họ mặc khố làm bằng sợi của vỏ cây, săn bắt, hái lượm để duy trì cuộc sống. Có lẽ vì thế mà đói khổ, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Mỗi lần trong làng có người không may chết đi là cả làng lại làm ma rồi đưa về cuối bìa rừng để an táng.
Người Rơ Mâm gõ chiêng để báo cho làng biết có người chết |
Cùng với lễ hội đâm trâu, cúng lúa mới thì tục lệ ma chay cũng được người Rơ Mâm lưu giữ. Mỗi khi có người chết, gia đình sẽ phải đánh chiêng để thông báo với dân làng, gia chủ phải mổ một con trâu để cúng người chết và dân làng cùng ăn.
Khu nghĩa địa của người Rơ Mâm luôn nằm về phía Tây của làng bởi theo quan niệm nếu đặt về hướng Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo như thế sẽ không may mắn và không tốt. Các ngôi mộ được sắp xếp theo một hướng nhất định, tránh để người dưới mộ “nhìn” về phía làng.
Người Rơ Mâm còn quan niệm, con người được sinh ra từ rừng núi nên khi chết đi phải về với núi rừng, để linh hồn được phiêu diêu, hưởng sự bảo hộ của cây rừng. Nơi chôn cất người Rơ Mâm không quá nhiều để trở thành “rừng ma” như những dân tộc khác, nhưng họ quan niệm nơi yên nghỉ của những người đã khuất cực kỳ linh thiêng. Vì thế, sau khi an táng nếu ngôi mộ nào mà bị sụt lún hoặc bỗng dưng bị đào xới bất thường thì đó chính là do “con ma rừng” làm.
Mọi người đều bảo “con ma rừng” đào mộ lên để moi nội tạng, ăn thịt người chết, nếu phát hiện ra có người trong khu rừng nó sẽ theo dấu chân người tìm về làng, bắt người theo nó. Ấy là chưa kể đến những sự quấy phá liên tục, làm con người đau ốm, con vật lăn ra chết, mùa rẫy thất bát liên tục.
Mỗi lần gặp phải đại họa như vậy thì cả làng phải dời đi tìm nơi ở mới, tránh xa “con ma rừng” đáng sợ kia. Người trong làng còn nói, nếu ai vào “rừng ma”, thấy thú rừng moi xác lên ăn thì dứt khoát người này trước sau gì cũng đau chết, vợ sinh ra con cái không bình thường. Vì thế chẳng mấy dám xâm phạm vào nơi an nghỉ của những người đã chết.
Ngày đó, có một thanh niên nhà ở cuối làng vì không tin vào chuyện này đã lên khu “rừng ma” đốn cây mà không xin phép trước, rồi gặp một ngôi bộ bị đào xới tung tóe. Khi về đến nhà thì đột nhiên lăn ra ốm, cái miệng không muốn ăn uống, được 3 ngày sau thì thanh niên này chết, vợ anh ta cũng sinh ra quái thai.
Trâu trong làng cứ đột nhiên lăn ra chết mà không hiểu vì lí do vì sao. Sau sự việc xảy ra bất thường đó, dân làng Le lại cùng nhau họp lại. Mọi người cho rằng “con ma rừng” đã theo dấu chân chàng thanh niên kia về để ám hại bà con dân làng. Già làng cùng mọi người quyết định phải đốt bỏ nhà để rời đi nơi khác tránh hậu họa do “con ma rừng” đem lại.
Lời đồn sau ngày cô gái mất tích
Trong khi cuộc sống của đồng bào Rơ Mâm vốn đã chìm trong nghèo đói, lạc hậu thì sự tàn khốc của bom đạn, chất độc hóa học thời chiến tranh càng biến cho vùng đất ở nơi đây trở nên hoang tàn, xác sơ. Đất đai hoang hóa, cây cối rụng trơ lá không còn sự sống là vấn đề nan giải nhất với vùng đất này.
Để khắc phục tình trạng đó, năm 1998, Bộ Quốc phòng đã về đầu tư phát triển kinh tế và củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn vành đai biên giới tỉnh Kon Tum. Binh đoàn 15 đã tổ chức đoàn công tác khảo sát và quyết định chọn địa bàn xã Mo Rai để xây dựng các nông trường cao su.
Mặc dù có những khó khăn nhưng sau một thời gian triển khai, dự án trên đã khiến vùng đất này khởi sắc. Từ vùng đất được coi là “ốc đảo” nghèo khó, được sự tiếp sức của Binh đoàn 15, xã Mo Rai ngày càng phát triển vững chắc, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước thay đổi.
Cũng vì thế, mà có nhiều chàng trai, cô gái ở nơi khác đến đây xin làm công nhân, thanh niên dân tộc Rơ Mâm cũng được tạo điều kiện làm việc trong những nông trường cao su. Mọi việc diễn ra bình yên cho đến một ngày một cô công nhân đang cạo mủ cao su trong đồn điền thì bỗng dưng biến mất.
Ông A Nhiêc vẫn hoảng sợ khi nhắc đến “con ma rừng” |
Già A Nhiêc (SN 1938, ngụ tại làng Le, xã Mô Rai) kể lại sự việc với ánh mắt còn sợ hãi. Buổi sáng hôm đó vào đầu năm 2011, bầu trời u ám lạ thường, mây giăng mờ những cánh rừng cao su khiến cho đường đi không rõ. Già A Nhiêc còn nhớ như in hôm đó là ngày 1/1/2011, đang ngồi nướng bắp trong bếp thì mấy đứa cháu gái về cho biết có một công nhân nữ làm việc trong nông trường cao su trong làng bỗng dưng mất tích.
Thông tin nhanh chóng được báo khắp làng Le và xã Mô Rai khiến cho mọi người đều hoảng sợ. Việc một cô gái xinh đẹp mất tích không chỉ làm cho cánh đàn bà, chị em ở làng Le hoang mang mà còn khiến cả nông trường cao su vắng bóng chị em đi làm.
Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra, họ cho rằng sự mất tích của cô gái kia chỉ có thể là do “con ma rừng”. Không người đàn bà nào dám đi rừng hoặc lên rẫy, tất cả đều đóng cửa ở nhà hoặc tụ tập bàn về chuyện cô gái mất tích.
Sự việc càng khiến dân làng hoảng loạn hơn khi xác cô gái được tìm thấy trong một bụi rậm, cách chỗ mất tích một đoạn không xa. Đáng nói nhất là thi thể cô gái được tìm thấy trong tình trạng gần như lõa thể, trên người có nhiều vết thương. Những câu chuyện liên quan đến “con ma rừng” bắt cô gái xinh đẹp được người dân rỉ tai nhau.
Câu chuyện vốn đã mang màu sắc hoang đường, lại được thêm bớt nhiều chi tiết, thành ra chuyện “con ma rừng” bắt cô gái xinh đẹp về làm bạn cho đỡ cô quạnh đã thành chuyện được bàn luận ở mọi nơi, trong những bữa ăn và các cuộc tụ họp của buôn làng.
Hơn thế nữa, những công nhân làm việc trong nông trường cao su còn đồn rằng: “Cô gái đó có tội nên đã bị “con ma rừng” nó bắt”. Có người còn bạo miệng, “sau ngày cô gái ấy được làm ma, cứ hễ thấy đàn bà, con gái đi ngang qua rìa lô cao su ở phía Tây Nam của làng là nó theo nó bắt về làm bạn “tâm tình”.
Những suy đoán thuộc dạng, “con bé ấy đẹp như thế, nên bị con ma rừng bắt về tâm tình để đỡ cô đơn” được bàn tán nhiều nhất. Câu chuyện một đồn mười, mười đồn trăm, lan nhanh như vết dầu loang ra cả xã. Một số bà con vùng biên còn đem câu chuyện này làm quà sang một số thôn làng của nước bạn láng giềng.
Lật tẩy bộ mặt “con ma rừng”
Ngay sau khi nhận được tin báo mất tích của cô công nhân nông trường cao su, Công an tỉnh Kon Tum đã có mặt để tiếp cận hiện trường vụ án, lên các phương án điều tra. Cơ quan điều tra xác định nạn nhân tên thật là Vi Thị Mừng (SN 1990, công nhân đội 3, Công ty 78 thuộc binh đoàn 15 Tây Nguyên). Cơ quan điều tra cũng nhận định sự mất tích của nạn nhân có rất nhiều dấu hiệu nghi vấn. Xác của Mừng được tìm thấy ngay sau đó, cách khu vực nạn nhân hay làm việc khoảng 30m về hướng Tây Nam.
Tại Bản giám định pháp y xác định, nạn nhân tử vong do suy hô hấp, chấn thương cột sống cổ. Trên thi thể của nạn nhân, cơ quan điều tra thu giữ được tinh trùng của nam giới, sau khi phân tích và đối chiếu thì thấy trùng với mẫu ADN một đồng nghiệp của nạn nhân. Qua các chứng cứ và những thông tin thu thập được xác định hung thủ của vụ án Nguyễn Văn Ấn (SN 1990, làm công nhân cùng đội với Mừng).
Tại cơ quan điều tra, Ấn khai nhận là người dân tộc Mường, quê ở Thanh Hóa. Trước đây Ấn và Mừng đã từng “thề non hẹn biển” với nhau. Họ yêu nhau và cùng nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cả hai cùng xin vào làm công nhân khai thác mủ cao su ở Đội 3 (Công ty 78, Binh đoàn 15).
Nhưng sau khi vào làm công nhân tại lâm trường cao su chưa bao lâu thì sự cố xảy ra. Trong đội có một người đàn ông thích và quan tâm đến Mừng. Thời gian đó, hai người lại thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn khiến cho cuộc tình rạn nứt.
Cuộc tình giữa hai người chấm dứt khi Mừng lên xe hoa về làm dâu người khác. Hàng ngày chứng kiến người yêu cũ của mình ở bên người đàn ông khác đã khiến cho sự uất hận trong lòng Ấn càng thêm sâu nặng.
Đến ngày 1/1/2011, khi Ấn cạo mủ cao su xong chuẩn bị về thì thấy lô cao su 9A nơi hai vợ chồng Mừng hay làm có ánh đèn pin. Nghĩ là chồng Mừng đang cạo mủ, sẵn có uất hận bị cướp mất người yêu, lại có xích mích về việc làm gỗ chung từ mấy hôm trước nên anh ta đã bẻ một cành cao su gần bằng cổ tay với mục địch dạy cho đối thủ một bài học.
Tuy nhiên, khi bước về phía ánh đèn Ấn phát hiện ra chỉ có Mừng ở đó. Lúc này, Ấn vứt cành cao su, đi đến hỏi chồng của Mừng đâu. Khi thấy Mừng trả lời: “Nó bị sốt ở nhà”. Ấn đáp trả: “Chồng mày lừa tao, nợ tiền tao, bảo nó coi chừng tao đó”. Thì Mừng phân trần: “Chuyện của hai người thì hai người tìm nhau mà giải quyết, tôi không biết”. Nghe vậy, Ấn đã tát Mừng một cái khiến cho cô khóc lớn. Sợ mọi người xung quanh nghe thấy nên Ấn đã xông đến bịt miệng cô.
Không ngờ, những va chạm cơ thể khi Ấn ôm Mừng đã khiến cho những ký ức xưa dội về. Sự trỗi dậy những dục vọng khiến hắn dùng vũ lực kéo cô gái vào vùng vắng của vườn cao su để chiếm đoạt thân xác.
Sau khi thỏa mãn, Ấn lại sợ “người yêu cũ” sẽ tố cáo hành động của mình nên tiếp tục túm tóc, bẻ mạnh cổ khiến Mừng bị chấn thương cột sống cổ, dẫn đến tử vong. Tiếp đó, Ấn kéo xác người yêu cũ giấu vào một lùm cây ở bìa rừng, bẻ cành cây phủ lên xác nạn nhân, rồi gom góp hết quần, vật dụng vứt ở một đoạn xa. Sau đó, Ấn trở về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra.
Đến ngày 21/7/2011, vụ án trên đã được đưa ra xét xử tại trụ sở UBND xã Mô Rai. Nhận thấy bị cáo đã phạm vào 2 tội danh rất nghiêm trọng “Hiếp dâm” và “Giết người”, phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Nhưng xét thân nhân bị cáo vốn là một kẻ hiền lành, chỉ một phút không làm chủ được dục vọng mà gây án. Hơn nữa, Ấn là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chến nên sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ấn 4 năm tù về tội Hiếp dâm và tù chung thân về tội Giết người, tổng hình phạt là tù chung thân.
Cần đưa ánh sáng pháp luật về nơi đây
Phóng viên đã có buổi nói chuyện với ông A Toa (cán bộ công an xã Mô Rai), ông A Toa cho biết: “Đúng là vụ án trên đã làm cho cả xã chúng tôi phải xôn xao, hoang mang suốt một thời gian. Đồng bào nơi đây không hiểu đó là án mạng do con người gây ra mà một mực cho rằng đang có yếu tố thần linh, ma quỷ ám hại. Họ lo sợ “con ma rừng” sẽ về bắt tội dân làng.
Khó khăn lắm cán bộ, chính quyền địa phương mới giải thích cho đồng bào hiểu ra vấn đề. Đến tận khi vụ án đã kết thúc, những lời đồn thổi về “con ma rừng” mới chịu lắng xuống. Người dân đã trút được gánh nặng khi cơ quan cảnh sát điều tra lật tẩy được bộ mặt của kẻ sát nhân và tận mắt chứng kiến hắn nhận hình phạt nghiêm khắc từ pháp luật”.
Trao đổi vấn đề này, ông A Tý (cán bộ xã Mô Rai) chia sẻ: “Cái chết của cô gái làm ở nông trường cao su cũng bị thêu dệt thêm nhiều tình tiết ly kỳ mang màu sắc mê tín dị đoan của một số đối tượng có mưu đồ trục lợi. Hơn nữa người đồng bào Rơ Mâm vốn hiền lành, cả đời họ chưa bao giờ chứng kiến sự việc nào kinh hoàng như thế cả.
Những quan niệm về “rừng thiêng” và “con ma rừng” đã tồn tại từ lâu đời. Do trình độ nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người dân tộc thiểu số nơi đây còn hạn chế rất nhiều. Chính quyền cũng đang rất nỗ lực trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải trừ những tư tưởng lạc hậu, mê tín trong đời sống người dân”.
Cần phải nói thêm, xã Mô Rai là một xã vùng sâu, vùng xa, gần biên giới, cư dân ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số. Đời sống, tư tưởng của họ được gắn với những câu chuyện liên quan đến rừng núi, vì thế khi xảy ra những chuyện kỳ lạ thì người dân liền cho ngay đó là do “con ma rừng”. Chính vì thế, đem “ánh sáng” pháp luật đến vùng đất này cũng như nâng cao nhận thức trong đời sống người đồng bào là việc bức thiết.
Vậy là, chuyện “con ma rừng” bắt cóc cô gái đẹp như hoa về để “tâm tình” đã được lật tẩy. Đồng bào Rơ Mâm, Xê Đăng, J’rai ở xã Mô Rai cũng vỡ lẽ ra kẻ gây tội ác với cô gái xinh đẹp kia không phải “con ma rừng” mà là do con người gây nên. Đời sống người dân đang trở về những tháng ngày bình yên như vốn có...