Những đôi giày thêu sặc sỡ của người Xạ Phang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề thêu giầy Xạ Phang của tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những đôi giày thêu truyền thống với từng họa tiết, hoa văn được làm tỉ mỉ, tinh xảo của người Xạ Phang đã mang đậm dấu ấn văn hóa tinh túy của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghề thêu giầy thủ công truyền thống của phụ nữ Xạ Phang được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Nghề thêu giầy thủ công truyền thống của phụ nữ Xạ Phang được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Hiếm nơi nào trên dải đất hình chữ S mà du khách khó có thể tìm thấy được những đôi giày truyền thống với từng họa tiết, hoa văn được làm tỉ mỉ, tinh xảo như giày của người Xạ Phang, tỉnh Điện Biên. Những nét văn hóa độc đáo còn được lưu giữ tới ngày nay của người Xạ Phang luôn khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định công nhận nghề làm giày thêu của người Hoa - Xạ phang tại xã Tả Sìn Thàng, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa; xã Huổi Lèng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đôi giày mang cả hồn dân tộc Xạ Phang

Người Xạ Phang sinh sống tập trung ở một số xã thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Chà và Nậm Pồ, tỉnh Lai Châu. Người Xạ Phang sinh sống đan xen với các dân tộc khác nên nhiều nét văn hóa đã có sự giao thoa, tuy nhiên những nét văn hóa truyền thống như tự may, thêu trang phục, giày dép vẫn được phụ nữ Xạ Phang gìn giữ. Độc đáo nhất trong số đó là những đôi giày với hoa văn tinh xảo, sặc sỡ dành cho người thân trong gia đình của người Xạ Phang.

Giống như một số đồng bào dân tộc Việt Nam, phụ nữ Xạ Phang ngay từ khi mới 10 – 12 tuổi đã được bà, được mẹ chỉ dạy cách cầm kim, xâu chỉ.

Do đó, việc thêu, may, vá, khâu đối với phụ nữ Xạ Phang đều rất giỏi, hơn nữa mỗi sản phẩm đều có tính nghệ thuật cao. Theo truyền thống, việc này được coi là thước đo sự đảm đang, khéo léo và là hành trang quan trọng để mỗi thiếu nữ Xạ Phang khi về nhà chồng. Có lẽ nhờ đó mà nét văn hóa độc đáo này đã được lưu truyền từ thế này sang thế hệ khác của người Xạ Phang.

Phụ nữa Xạ Phang, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) thêu giày múa và trang phục.

Phụ nữa Xạ Phang, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) thêu giày múa và trang phục.

Điều đó lý giải tại sao những người phụ nữ Xạ Phang dù có thể không biết chữ nhưng có thể ghi nhớ và sao chép chính xác những hoa văn của dân tộc mình như được in ra từ một bản thiết kế mặc dù sống cách xa nhau hàng chục, hàng trăm km trong những thung lũng hẻo lánh biệt lập.

Sự tinh hoa, độc đáo trong đôi giày của người Xạ Phang từng được một nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét rằng: “Mỗi đôi giày hoa thêu truyền thống thực sự là một tác phẩm chứa đựng sự kỳ công, tinh xảo”. Người Xạ Phang tự tay thực hiện đầy đủ các công đoạn khác nhau từ việc lên hình giày, làm đế, khâu đế cho đến trang trí hoa văn, màu sắc…, mỗi đôi giày thường được những người phụ nữ Xạ Phang hoàn thiện trong khoảng thời gian từ 10 - 30 ngày.

Giày hoa khâu là một trong những sản phẩm kỳ công nhất của phụ nữ Xạ Phang Giày của người Xạ Phang có các loại: Giày nam, giày nữ và nữ từ trung tuổi trở xuống có nhiều màu sắc, nhiều hoạ tiết. Giày nữ sẽ được may kín mũi còn giày nam thì hở ở một phần phía trước và một bên thân giày.

Theo những cụ bà cao niên tại xã Tả Sìn Thàng, việc làm đế và khâu đế giày luôn là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất vì nó quyết định sự bền chắc của sản phẩm. Ðế giày được làm từ bẹ tre già và sợi đay trong rừng. Bẹ tre phơi thật khô. Sợi đanh tẩm với tro bếp nấu lên từ 4 - 5 tiếng, sau đó đưa ra giã 2 - 3 tiếng đến khi sợi đay thật trắng sáng rồi phơi khô. Sau đó bẹ tre được cắt vừa kích thước chân người đi rồi khâu sợi đay cẩn thận, kéo chỉ thật chặt kín hết bẹ tre tạo thành đế giày.

Những bộ áo quần thêu truyền thống của người dân tộc Xạ Phang. (Ảnh: TTXVN)

Những bộ áo quần thêu truyền thống của người dân tộc Xạ Phang. (Ảnh: TTXVN)

Phần thân giày được làm từ loại vải bền chắc, được phủ một lớp keo nấu từ một loại củ môn giã nhuyễn trong rừng. Để tạo độ ma sát và bền, người thợ thường khâu thêm sợi dù ở phía dưới. Tấm lót giày thường dùng vải nhung có in hình hoa lá.

Phần vải phía trên giày được thêu hoa văn cân xứng nhau, với họa tiết hoa lá, hình khối bắt mắt. Hoa văn được thêu lên thân giày theo sở thích, chủ yếu là các họa tiết mềm mại, đường lượn sóng, hầu hết mỗi chiếc giày đều có hình bông hoa mẫu đơn nhiều cánh. Màu sắc được sử dụng nhiều nhất là đỏ, hồng, xanh, vàng. Nền chủ đạo của đôi giày cũng rất đa dạng theo sở thích của từng người, nhưng đều là các màu sáng, sặc sỡ, như: Tím, vàng, xanh, đỏ, hồng... Tất cả công đoạn đều được làm thủ công.

Chị Thàng Thiều Hóa, người dân tộc Xạ Phang ở thôn Tả Sìn Thàng cho hay, lúc chị 12 tuổi đã được bà, mẹ dạy may trang phục, thêu giày. Một cái áo hoàn thành phải mất hai tuần, trong đó thời gian lâu nhất vẫn là công đoạn thêu họa tiết. Khi mới tập làm, chị phải vẽ ra để thêu cho chính xác, tuy vậy vẫn vụng về, đường chỉ còn sai, rất khó để phối màu. Hiện tại, chị có thể thêu mà không cần vẽ, mọi họa tiết đều được ghi nhớ và cứ thế thêu lên.

Tất cả những điều này lý giải vì sao giày hoa thêu truyền thống của dân tộc Xạ Phang ở Lao Xả Phình rất bền và chắc.Trung bình, trông điều kiện khô ráo và ít gặp nước thì một đôi giày hao thêu có thể sự dụng liên tục không dưới 3 tháng.

Anh Ngải Léng Pàn ở thôn 2 cho biết: “Giày hoa thêu lúc mới đi thì sẽ có cảm giác khá cứng do đế giày được nèn rất chặt song sau đó người dùng sẽ cảm thấy thấy rất thoải mái, mềm và dễ đi do giày được tạo thành từ những chất liệu tự nhiên. Mọi người trong nhà tôi, ai cũng có 3 - 4 đôi giày để sử dụng dần”.

Theo những người Xạ Phang, giày chỉ làm cho những người trong gia đình, nếu bán ra thị trường, trị giá mỗi đôi phải hơn 1 triệu đồng. Người dân tộc Xạ Phang thường mang giày thêu kết hợp với bộ trang phục truyền thống vào những ngày lễ tết, cưới hỏi. Bởi người Xạ Phang xem trang phục truyền thống và đôi giày thêu như là hồn của dân tộc mình.

Trước thực trạng nhiều nghề truyền thống, văn hóa của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, chính quyền tại các địa phương thuộc tỉnh Điện Biên vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con Xạ Phang gìn giữ nghề thêu giày hoa bằng cách truyền dạy cho con cháu trong gia đình.

Phụ nữ Xạ Phang nấu những món ăn truyền thống.

Phụ nữ Xạ Phang nấu những món ăn truyền thống.

Bên cạnh những đôi giày hoa thêu truyền thống, trang phục truyền thống của người Xạ Phang cũng được coi như một tác phẩm nghệ thuật. Phụ nữ Xạ Phang cũng chịu trách nhiệm may trang phục cho người nhà. Theo quan niệm của người dân tộc Xạ Phang, ngày Tết phải mặc đồ mới; đó là những bộ trang phục truyền thống do người phụ nữ trong gia đình tự tay may lấy.

Đầu năm mới, diện những bộ đồ mới để đón chào một năm nhiều gặp nhiều may mắn. Đặc biệt, mặc những bộ trang phục mới đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ càng hãnh diện, tự hào về người phụ nữ khéo léo, đảm đang trong nhà.

Nếu như các cô gái Thái duyên dáng trong bộ áo cóm bó sát thân, cô gái Mông xúng xính trong chiếc váy xòe hoa, thì trang phục truyền thống của người dân tộc Xạ Phang nhìn tương đối đơn giản. Với bàn tay khéo léo, các chị em phụ nữ dân tộc Xạ Phang đã tự làm cho mình những chiếc áo với những đường nét đơn giản mà rất hài hòa.

So với trang phục nữ, thì bộ trang phục nam giới người dân tộc Xạ Phang gồm quần và áo màu sắc tùy chọn, và chiếc áo thường may bằng mảnh vải đơn sắc, quần có màu đen. Tuy nhiên, điểm nhấn của chiếc áo nam chính là hàng cúc áo với nhiều cúc xếp dày, khuy áo được làm hoàn toàn bằng tay.

Nét độc đáo trên trang phục của dân tộc Xạ Phang là hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng tưởng chừng đơn giản, nhưng màu sắc lại rất rực rỡ; người Xạ Phang yêu thích những gam màu nổi bật. Qua đó, ta có thể cảm nhận được những chiếc áo của người phụ nữ nhìn rất bắt mắt; áo rực rỡ đủ màu như: Vàng, xanh lơ, đỏ, xanh lá cây, hồng, trắng...

Tuy nhiên, ngày nay, phần thân áo được may bằng vải đơn sắc, được chị em mua ở chợ về; vải may áo có thể có hoa văn in chìm, chứ không in hoa văn to, hay họa tiết màu đậm. Bởi vậy, phần cầu kỳ và làm nên nét riêng biệt của chiếc áo chính là cổ áo và tay áo; phần này được thêu hoàn toàn bằng tay, chiếc áo có nổi bật, có tinh tế hay không là nhờ vào tài nghệ phối màu chỉ, thêu các hoa văn, cùng những đường nét thêu tay tinh tế của người làm ra nó, cũng có thể pha thêm một chút vải màu khác để làm hàng cúc.

Những "bật mí" về người Xạ Phang

Chia sẻ với báo giới, ông Đinh Hồng Vận, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương nói rằng, cho đến nay chưa có một nhà khoa học hay một công trình nào nghiên cứu riêng rẽ về tộc người Xạ Phang ở nước ta.

Người Xạ Phang là một tộc người di cư sang Việt Nam. Họ có cùng nguồn gốc với dân tộc Hoa và là một nhóm nhỏ trong cộng đồng dân tộc Hoa.Về ngôn ngữ, trong cuốn sách “Người Xạ Phang ở Điện Biên” do Bảo tàng tỉnh Điện Biên biên soạn, thì họ nói ngôn ngữ thuộc nhóm Hoa - Hán.

Tại sao họ có tên gọi Xạ Phang? Ông Đinh Hồng Vận lý giải dựa trên những dữ liệu ngôn ngữ và địa lý: “Về cái tên Xạ Phang, bây giờ cũng chưa có tài liệu nào nghiên cứu, nhưng mà chúng tôi tìm hiểu người ta nói đây là dân tộc thiểu số ở bên Trung Quốc.

Họ cũng không phải là một dân tộc của Trung Quốc mà chỉ là một nhóm tộc người ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam. Cái chữ Xạ Phang là đọc chệch chữ Hạ Phương, tức là người ở vùng phía Nam, họ tự nhận là người Hạ phương từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Một phụ nữ Xạ Phang làm đế giày.

Một phụ nữ Xạ Phang làm đế giày.

Việc ghép người Xạ Phang vào nhóm dân tộc Hoa, theo ông Vận, dựa trên những tiêu chí: “Chỉ thị 62 của Ban bí thư Trung ương Đảng, sau đó là chỉ thị 501 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Người Hoa là những người gốc Hán ở Trung Quốc và những người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã Hán hóa và con cháu của họ sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, nhập quốc tịch Việt Nam, cho đến nay vẫn giữ được những đặc trưng dân tộc, chủ yếu là phong tục tập quán, ngôn ngữ và họ tự nhận là người Hoa.

Người Xạ Phang từ Trung Quốc sang, cho đến nay chúng tôi tìm hiểu thì có nhiều nét văn hóa giống người Hoa ở vùng nông thôn, miền núi từ cách ăn mặc đến tổ chức cưới xin đến lễ tết”.

Về chữ viết, dân tộc Xạ Phang sử dụng chữ Hán để viết các câu đối trang trí ở gian thờ vào dịp lễ tết. Trước đây, người Xạ Phang sử dụng chữ Hán rất phổ biến trong giao dịch, giao tiếp, văn tự. Tuy nhiên hiện nay, số người biết đọc, biết viết chữ Hán không nhiều.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Xạ Phang phân bố chủ yếu dọc theo các dòng suối và trên các triền núi. Người Xạ Phang ở Điện Biên có nhiều dòng họ như: Lồ, Sỉ, Sần, Oài, Hồ, Giàng... Họ quan niệm những người cùng dòng họ là những người cùng một ông bà, tổ tiên sinh ra. Sự khác nhau giữa các dòng họ này nằm ở cách bố trí bát hương trên bàn thờ cúng tổ tiên như: Họ Lồ chỉ 1 bát hương; họ Ly, họ Vàng có 3 bát hương; họ Trần có 4 bát hương…

Ngoài ra, có một số gia đình còn lập thêm một bàn thờ nhỏ và thấp hơn bàn thờ tổ tiên để thờ cúng cho những người trong họ không lấy vợ, lấy chồng khi chết đi sẽ không được ngồi ăn cùng tổ tiên trên bàn thờ lớn.

Trong gia đình, người Xạ Phang là quan hệ phụ hệ rõ rệt, con trai là người có tiếng nói quyết định trong gia đình, được thừa hưởng gia tài bố mẹ để lại. Người con gái trong gia đình sẽ luôn được bà, mẹ dạy dỗ cặn kẽ gia giáo về cách ứng xử trong gia đình, về nữ công gia chánh. Ngoài ra, người con dâu, em dâu, cháu dâu rất tôn trọng bề trên nhà chồng mình.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống của người Xạ Phang đã có nhiều thay đổi tiến bộ. Tuy nhiên, một số quy ước, luật tục độc đáo của người Xạ Phang về những chuẩn mực trong ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cộng đồng và môi trường xung quanh vẫn được giữ gìn.

Theo ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, những quy ước, luật tục mà thể hiện tính cộng đồng cao bảo vệ quyền lợi, duy trì đời sống của đồng bào vẫn được cộng đồng người Xạ Phang chấp hành nghiêm chỉnh. Ví như những quy ước đó liên quan đến việc chọn đất, dựng nhà, người Xạ Phang không đặt nền nhà lấn chiếm đường đi chung, không làm nhà chỗ đất để làm nương rẫy của bản.

Tương tự như vậy, đối với đất làm nương rẫy, khi làm nương, các gia đình chỉ được làm trên địa phận thuộc đất của bản mình, không được phép lấn sang bản khác. Người Xạ Phang cũng rất có ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt chung của bản. Họ cấm tuyệt đối không chăn dắt gia súc ở đầu nguồn.

Người Xạ Phang cũng coi trọng việc bảo vệ chim, thú, cá trong tự nhiên. Họ quy ước không được săn bắt bừa bãi các loại chim, thú rừng, cá trên các sông suối. Trong cưới xin, ma chay, lễ hội… người dân phải thực hiện các nghi lễ theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình. Không cầu kì, tốn kém, tiếp tục truyền đặt lại cho con cháu những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, người Xạ Phang tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc không được trộm cắp, không được gây mất đoàn kết giữa các gia đình, các dòng họ, không tham gia buôn bán và tàng trữ các chất ma túy...

Những luật tục này của người Xạ Phang không được quy ước thành văn bản mà chỉ bằng ý niệm, nhưng không vì thế mà chúng không có hiệu quả trong đời sống của họ. Chính bản thân mỗi người Xạ Phang, từng thành viên trong gia đình và cộng đồng của họ tuân theo. Các luật tục có nội dung dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu ai vi phạm các luật tục của bản sẽ bị trừng phạt. Ai cố tình làm trái với quy ước, luật tục chung của bản thì phải chịu hình phạt nặng nhẹ tùy theo mức độ vi phạm.

Đọc thêm