Không chỉ cấp nước cho người dân đô thị đảm bảo chất lượng, hiệu quả mà những năm qua, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) vẫn đang nỗ lực đưa nước sạch về với bà con vùng sâu, vùng xa nhất là vùng ven biển, đầm phá bị chia cắt bởi địa hình và các làng bản vùng cao.
Tuy nhiên, hiện nay mật độ dân cư thưa thớt nhất là khu vực miền núi rộng lớn đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong công tác cấp nước sạch.
Gian nan cấp nước sạch nông thôn
Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế tiền thân là Nhà máy nước Huế ra đời cách đây hơn 110 năm. Đến nay, công ty đã trở thành đơn vị có hệ thống cấp nước thông minh, bền vững với công nghệ hiện đại.
Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Thừa Thiên -Huế cho biết, đến nay HueWACO đang cấp nước cho hơn 1 triệu dân (trong đó có hơn 500.000 dân khu vực nông thôn), đạt 93% dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế với gần 5000km đường ống và 27 nhà máy xử lý nước ở khắp địa bàn tỉnh, trong đó, có 07 nhà máy lớn, công suất từ 5000-82.500m3/ngày đêm, tổng công suất hoạt động tạm thời là 200.000m3/ngày.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, một vấn đề đang được chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành và lãnh đạo HueWACO trăn trở đó là việc đưa nước sạch đến với bà con vùng sâu, vùng xa và miền núi.
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước, nhưng khi thực hiện dự án nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh, ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) chỉ cho vay đầu tư 5 vùng, 3 vùng còn lại là Nam Đông, A Lưới, Chân Mây hiệu quả kinh tế thấp nên không vay được vốn. Hiện tỷ lệ cấp nước cho 2 huyện miền núi rất thấp, trong đó, Nam Đông đạt 57%, A Lưới: 63%.
Cũng theo ông Hân, mật độ dân cư thưa thớt, nhất là ở khu vực miền núi, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong công tác cấp nước. Suất đầu tư cao gấp 3 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị; trong khi lượng nước tiêu thụ tại khu vực miền núi chỉ bằng một nửa so với đô thị và giá bán thấp bằng 78% giá thành.
|
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu và đại diện các đơn vị đến kiểm tra tiến độ dự án nhà máy nước Thượng Long. |
Đơn vị cũng có chính sách giá nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số giảm thêm từ 15-20%; tỷ trọng nước sinh hoạt cao chiếm 78,9%, phi sinh hoạt chỉ 21,1%. Do vậy phải thực hiện bù chéo cho giá nước sinh hoạt hàng chục tỷ đồng/năm (riêng năm 2019 là 69,4 tỷ đồng, năm 2020 gần 84 tỷ đồng).
Trước thực trạng đó, HueWACO đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa các dự án cấp nước của 3 vùng này (Nam Đông, A Lưới, Chân Mây) vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Cuối năm 2020, HueWACO đầu tư xây dựng nhà máy nước Thượng Long công suất 2000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 50,8 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh là 43,5 tỷ đồng và vốn đối ứng của HueWACO là 7,3 tỷ đồng.
Ông Trương Công Hân thông tin, nhà máy nước Thượng Long 2.000m3/ngày đêm là nhà máy được thiết kế mang tính đặc trưng văn hóa địa phương theo kiến trúc nhà rông của người Cơ Tu. Đây là nhà máy đầu tiên tại miền núi áp dụng công nghệ xử lý nước hiện đại. Đặc biệt, áp dụng bể lắng thông minh chất lượng cao giúp nâng cao chất lượng nước cấp của nhà máy, nước sau khi lắng lọc có độ đục luôn ≤ 0,025 NUT (thấp hơn 80 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), Fe, Mn ≤ 0,001mg/l (thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam 300 lần).
Ngoài ra, công ty đã lắp đặt hệ thống tuabin thủy điện trên đường ống nước thô để tạo điện năng cung cấp cho nhà máy, góp phần giảm chi phí vận hành, thân thiện với môi trường. Dự kiến nhà máy hoàn thành đưa vào vận hành vào quý 4/2021 và sẽ trở thành điểm đến tham quan học tập cho các em học sinh trên địa bàn huyện.
Mới đây, vào đầu tháng 5/2021, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đã chỉ đạo ưu tiên bố trí nguồn vốn, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động. HueWACO đã khẩn trương hoàn thành lắp đặt 2 bồn lọc áp lực xử lý nước cơ động với công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm tại khu đất nhà máy Thượng Long và thi công tuyến ống nước thô dài 3.800 m từ Đập dâng A kì về để cấp cho hệ thống xử lý nước cơ động và đã thông rửa thử áp toàn bộ mạng lưới cấp nước.
|
Cần bổ sung nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành các dự án cấp nước
HueWACO là một trong những đơn vị cấp nước hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á công bố cấp nước an toàn trên toàn mạng và uống nước tại vòi. Ngoài nước sạch, các sản phẩm nước đóng chai của HueWACO cũng đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới… và dần chiếm được lòng tin của khách hàng.
Theo Nghị quyết 54-NQ/TW của của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành cấp nước cho 100% người dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại buổi làm việc với các sở liên ngành về kế hoạch cấp nước năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu HueWACO phải phấn đấu đến hết năm 2022 tất cả người dân trên địa bàn tỉnh phải được dùng nước sạch.
Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay hạ tầng cấp nước tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiếp nhận lại từ các dự án cấp nước sạch nông thôn có công suất nhỏ, không đảm bảo cấp nước bền vững an toàn, an ninh nước cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vì vậy, để đảm bảo thực hiện mục tiêu cấp nước an toàn, bền vững cho người dân toàn tỉnh theo Nghị quyết 54 NQ/TW của Bộ Chính trị cần thiết phải đầu tư phát triển hệ thống cấp nước tại khu vực các xã chưa có hạ tầng cơ sở cấp nước cũng như mở rộng, nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước tại khu vực có hệ thống cấp nước chưa đồng bộ, kém chất lượng, không bền vững.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định đầu tư cho cấp nước nông thông qua các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (113 tỷ đồng) và 2021 - 2025 (133 tỷ đồng), nhưng việc phân bổ vốn đầu tư công vẫn còn chậm.
Đến nay, chỉ mới giải ngân 65 tỷ đồng (57,5%) cho giai đoạn 2016 - 2020. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cần khoảng gần 380 tỷ đồng, trong đó, ngoài việc sớm thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025, cần bổ sung nguồn vốn đầu tư công thêm 198 tỷ đồng (vốn ngân sách 144 tỷ đồng) để nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước tại khu vực nông thôn. Riêng khu vực A Lưới cần khoảng 103 tỷ đồng (vốn ngân sách 91 tỷ đồng).