Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam được Bộ Y tế, Tổng Cục thống kế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2005: 70% số người trong độ tuổi 14-21 được hỏi đều trả lời rằng có tham gia các lớp học thêm.
Tỷ lệ này ở khu vực thành thị và dân tộc Kinh có xu hướng cao hơn nông thôn, dân tộc miền núi (78% thành thị, 66% ở nông thôn và 74,3% dân tộc Kinh, 31,7% dân tộc thiểu số). Việc những đứa trẻ phải học thêm quá nhiều xuất phát từ mong muốn: “Không để con thua ngay vạch xuất phát” của nhiều bậc cha mẹ ngày nay.
Những đứa trẻ bị ép "vượt vũ môn"
17h chiều, kết thúc buổi học tại trường, về đến nhà, cậu bé 13 tuổi Minh Tuấn (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vội vàng ăn bát cơm đã được bà nội chuẩn bị trước. 17h30, nghe tiếng xe của cô giáo dạy đàn Piano, Tuấn vội vàng ra mở cổng. Một buổi học thêm âm nhạc kéo dài 2 tiếng lại bắt đầu. Đó chỉ là một trong những giờ học thêm mà Minh Tuấn từng phải đối mặt ngay từ khi lên 7 tuổi.
Chị Nguyễn Thu Hương – mẹ của Minh Tuấn kể rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, Minh Tuấn đã được cho nghe nhạc cổ điển. Lên 3 tuổi, chị Thu Hương bắt đầu dạy con học tiếng Anh. Ở nhà, Minh Tuấn giao tiếp với mẹ hoàn toàn bằng tiếng Anh còn những người khác em vẫn nói tiếng Việt. Vốn có tư chất thông minh, 4 tuổi, nhờ sự dạy dỗ của mẹ mà Minh Tuấn đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá trôi chảy.
Thấy con như vậy, vợ chồng chị Thu Hương càng tin vào việc con mình có thể trở thành “thiên tài”. Chẳng vậy mà, khi Tuấn mới vào học lớp 1, chị Thu Hương đã ép con vào “khuôn khổ”. Các môn học ở lớp Tuấn luôn phải nằm trong tốp học sinh giỏi, các buổi học thêm ở trường em chẳng được thiếu buổi nào. Lịch học ở trường đã kín, nhưng tối đến chị Thu Hương thuê tham gia sư dạy Toán, Piano… cho con. Chị lùng mua nhiều cuốn sách nâng cao để con học.
|
Cậu bé Laurent Simons (SN 2010, quốc tịch Hà Lan) 9 tuổi đã tốt nghiệp đại học, là cử nhân nhỏ tuổi nhất thế giới |
Những ngày thứ 7, Chủ nhật, Minh Tuấn không phải học các môn văn hóa nhưng sẽ tham gia học võ và hội họa. Số tiền để chi trả việc học thêm của Minh Tuấn mỗi tuần cũng ngốn đến hơn 2 triệu đồng. Ban đầu Minh Tuấn cũng ham học, nhưng suốt ngày học hết môn này đến môn khác, em phát sợ. Áp lực từ việc phải hoàn thành bài tập trên lớp cho tới bài thầy, cô gia sư giao khiến Tuấn sợ hãi.
“Bắt đầu từ năm lớp 2, con thường xuyên kêu ốm, mệt xin nghỉ học. Ban đầu, tôi tưởng thật cũng cho con đi khám bác sĩ, nhưng ai cũng bảo cháu không hề có bệnh gì. Sau nửa kỳ học, khi lực học của con sa sút, tôi mới phát hiện ra con quá sợ hãi việc học thêm văn hóa. Từ đó, tôi đã bỏ hết các môn học thêm. Giờ tôi chỉ còn để con học thêm Piano vì con yêu thích, thi thoảng cuối tuần cho con đi ngoại khóa, giao lưu với bạn bè”, chị Thu Hương chia sẻ.
Bi kịch của những “thiên tài” trong mộng
Ngày 10/2/2018, sự việc nam sinh T.T.C, học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) tự tử do áp lực từ việc học tập đã khiến dư luận bàng hoàng. Được biết, em C. vừa vào học tại trường được một học kỳ và kết quả trung bình môn đạt 8, 9 điểm.
Tuy nhiên, trong thư tuyệt mệnh gửi gia đình và nhà trường, nam sinh T.T.C, bày tỏ, em phải chịu áp lực lớn từ việc học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Em cũng có những dấu hiệu tâm lý bất ổn trước khi diễn ra sự việc đau lòng.
Thực tế hiện nay, chỉ cần gõ những dòng chữ “trẻ tự tử do áp lực học tập; trẻ tự kỷ do phải học quá nhiều…”, trên các thanh công cụ tìm kiếm sẽ cho ra hàng nghìn kết quả tương tự như em T.T.C. Dù rằng, những hồi chuông cảnh báo về thực trạng này đã được gióng lên từ lâu, nhưng dường như điều này không có ý nghĩa đối với nhiều bậc phụ huynh Việt Nam.
Minh chứng là theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.
|
(ảnh minh họa) |
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Quách Thúy Minh - Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, nếu bố mẹ thúc ép, bắt con luyện tập, không cho con phát triển đúng với lứa tuổi của mình, có thể khiến con mệt mỏi, sợ sệt ngay cả khi đối diện với năng khiếu vốn có. Khi đó, con trẻ xuất hiện tâm lý căng thẳng, học đối phó, về lâu dài có thể gây ra áp lực tâm lý nặng nề cho con.
Tai hại hơn, khi con trẻ đã lớn, những biểu hiện trên vẫn có thể ảnh hưởng tới tâm lý, biến con thành người cô lập, trầm uất, rụt rè, nhút nhát. Bố mẹ cũng không nên đặt ra mục tiêu bắt con phải “chín ép” khi con vẫn còn quá nhỏ. Những sự cấm đoán hay thúc ép đó đều không có lợi cho sự phát triển của bé. Cha mẹ nên tự cho con khám phá, học hỏi theo tự nhiên.
Theo bác sĩ Minh, đối với bậc cha mẹ, ai cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con cái, mong con giỏi giang, vượt trội, xuất chúng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tố chất
của thiên tài. Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là “thần đồng” nhưng lớn lên cũng không khá hơn những bạn cùng trang lứa, thậm chí có em còn kém hơn bạn bình thường. Chính danh hiệu “thần đồng, thiên tài” đã khiến nhiều trẻ em phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch, nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ 4 - 5 tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn nhào nặn con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng.
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức bồi dưỡng kiến thức cho con. Hiện nay có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 – 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán… Đó là một sự “cưỡng bức’’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một trong những lỗi cha mẹ thường gặp trong giáo dục con cái hiện nay là muốn con trở thành thiên tài, không phải tự nhiên mà các nhà khoa học đặt ra mốc trẻ 6 tuổi mới nên học lớp 1, vậy mà nhiều cha mẹ muốn con 3 - 4 tuổi đã phải biết mặt chữ, 5 tuổi đã đọc viết thành thạo. Vô tình, bố mẹ đã bắt con phải stress từ quá nhỏ.
Từ chỗ nhanh nhẹn, linh hoạt sau một thời gian bị “nhồi” quá nhiều thông tin mà bộ não trẻ chưa thể tiếp nhận được nhiều như vậy. Những đứa trẻ “thần đồng” trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số là tỏ ra rất sợ sệt. Đây là điều vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này.
(Kỳ tới: Khi mạng xã hội trở thành chuyên gia)