*Thưa ông Trần Lê Huy, xin ông cho biết đôi nét về mảnh đất quê lúa nói chung, tiềm năng cũng như hạn chế, thách thức để phát triển ngành du lịch tỉnh nhà nói riêng?
- Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, là địa phương phản ảnh sâu đậm sự phát triển nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình là địa bàn chịu tác động lớn của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng.
Thái Bình có trên 50km bờ biển với 5 cửa sông lớn (Ba Lạt, Lân, Trà Lý, Diêm Điền, Thái Bình), nên thuận lợi cho giao lưu kinh tế hướng ra biển. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, Thái Bình nằm trong không gian trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, thuộc vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ với tiềm năng du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch biển độc đáo…
|
Lễ hội Đền Trần Thái Bình - một địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng thu hút du khách |
Thái Bình có vị thế kề cận trung tâm du lịch biển Hải Phòng, Hạ Long - Di sản văn hóa thế giới. Đó là một điểm mạnh để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế. Và với những điều kiện thuận lợi về địa lý, dân cư và đặc thù của vùng đất lấn biển vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, Thái Bình về cơ bản được xem là một trong những nơi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch.
*Có câu hát rất đỗi quen thuộc rằng: “Anh ơi hãy đến thăm, quê hương em Thái Bình, về tắm biển Đồng Châu khi chiều về sóng vỗ...”. Rõ ràng là bãi biển Đồng Châu từ lâu đã rất nổi tiếng, đi vào thơ ca, văn học, vậy ngoài tiềm năng du lịch biển, ông có thể giới thiệu thêm các thế mạnh khác của du lịch quê lúa để độc giả có thêm thông tin cho cuốn cẩm nang khi muốn về thăm Thái Bình?
- Bên cạnh những lợi thế về các tài nguyên sinh thái tự nhiên như khu du lịch biển Đồng Châu, biển Đông Minh, bãi Cồn Thủ, Cồn Vành tại huyện Tiền Hải, Cồn Đen tại huyện Thái Thụy, khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
|
Lễ hội chùa Keo - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của miền quê lúa |
Tới nay, Thái Bình có 2.969 thiết chế văn hóa, trong đó có 731 đình, 869 chùa, 859 đền, từ, miếu, 401 phủ, từ đường, 1 khảo cổ, cùng 101 thiết chế khác (điện, lầu, địa điểm lịch sử, lăng mộ, đàn)... 02 di tích quốc gia đặc biệt (Chùa Keo và Khu lăng mộ các vua Trần); 08 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể trình diễn dân gian (rối nước Nguyên Xá và lễ hội làng Thượng Liệt - Đông Hưng), 115 di tích được xếp hạng bằng công nhận di tích quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, còn có làng nghề với nhiều lớp nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, từ lâu được khách du lịch trong nước và ngoài nước biết đến...
*Với những tiềm năng, thế mạnh đó thì thời gian qua ngành du lịch Thái Bình chắc hẳn đã có nhiều dấu ấn phát triển?
- Những năm qua, du lịch tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2018, với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh, tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 720.500 lượt (trong đó khách quốc tế 6.300 lượt), doanh thu ước đạt gần 288 tỷ đồng, tăng 12,1% về số lượt khách và tăng 16,1% về doanh thu so với năm 2017.
|
Lễ dâng hương tưởng niệm tại Đền Bác Hồ (Thái Bình) |
Theo thống kê, Quý II/2019 doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 39,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so với quý trước và tăng 14% so với cùng quý năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 803,7 tỷ đồng; tăng 8,3% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng quý năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9,9 tỷ đồng tăng 6,8% so với quý trước và tăng 7% so với cùng quý năm trước. Từ những kết quả và điều kiện hiện có, có thể khẳng định rằng tỉnh Thái Bình có cơ hội phát triển kinh tế du lịch trở thành thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 08 khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
*Theo ông thì những kết quả này liệu đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cũng như sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân? Đâu là những nguyên nhân chính khiến ngành du lịch tỉnh nhà vẫn chưa có được bước chuyển mình rõ nét?
- Điều mà chúng ta dễ thấy nhất đó là Thái Bình là một tỉnh thuần nông, đa phần người dân có tập quán canh nông, tư tưởng làm nông nghiệp ăn sâu vào trong đời sống của nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay; chúng ta chưa có môi trường công nghiệp phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị và thương mại dịch vụ hiện đại; thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp so với các tỉnh trong vùng; điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình còn nhiều khó khăn.
Nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi khí hậu và thời tiết (mùa Hè nắng nóng, mùa Đông lạnh giá), mưa gió, bão thất thường, khó lường. Đây cũng là những lý do, trở ngại lớn khiến bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng phải suy nghĩ, tính toán khi đầu tư vào du lịch tỉnh nhà.
Về chủ quan, có một điều rất dễ nhận thấy đó là do xuất phát điểm của du lịch Thái Bình khá thấp, nên sự đầu tư vào du lịch trong những năm gần đây dù đã được chú ý nâng cao song vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các điều kiện nền tảng hạ tầng cần thiết. Các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm.
Đặc biệt cách làm du lịch trong môi trường chung của tỉnh hiện nay rất thiếu tính chuyên nghiệp, vẫn còn nặng về tư duy cơ hội, chụp giật, đánh quả, chặt chém. Lối tư duy, cách nghĩ và cách làm này hết sức tai hại bởi nó chính là nguyên nhân hàng đầu khiến rất nhiều du khách “một đi không trở lại”.
Bên cạnh đó còn có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của du lịch Thái Bình như các loại hình du lịch còn rất đơn điệu, nặng về tham quan di tích lịch sử - cách mạng, rất thiếu các loại hình du lịch vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng mang tính cao cấp, hướng tới đối tượng du khách sang trọng hoặc du khách nước ngoài đến từ những quốc gia giàu có, mức sống cao.
Mặt khác, ở Thái Bình chưa hình thành rõ nét các tua – tuyến du lịch ổn định với những nội dung phong phú, có sức hấp dẫn cao. Các công ty, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phần lớn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, chủ yếu mang tính tự phát, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh khá thấp; các công ty du lịch lữ hành chưa phát triển, quy mô rất nhỏ, không đủ sức cung ứng những dịch vụ cao cấp và đảm bảo tính liên tục về thời gian.
Các hoạt động du lịch Thái Bình còn khá khép kín về loại hình và địa điểm; các điểm đến rời rạc, không được kết nối thành những mạng lưới thuận tiện và hấp dẫn với nhiều loại đối tượng du khách khác nhau. Thái Bình chưa xây dựng được những trung tâm du lịch lớn đủ sức cạnh tranh và liên kết các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
*Vậy ngành văn hóa du lịch nói riêng, Thái Bình nói chung cần phải thực hiện những giải pháp như thế nào để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà ông vừa đề cập?
- Theo chúng tôi, trước hết cần thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy. Cần hiểu rằng làm du lịch, phát triển du lịch là vấn đề hết sức khó khăn. Không thể làm du lịch với tâm lý ăn xổi, ăn sẵn. Du lịch là một lĩnh vực lâu dài, gắn bó chặt chẽ với tính chuyên nghiệp, đồng bộ.
Du lịch phải đặt trong hệ thống tổng thể về văn hóa – kinh tế - xã hội. Du lịch là lĩnh vực kinh doanh hết sức đặc biệt, trong đó uy tín, thương hiệu, sự đồng bộ kết nối các khâu từ lịch trình, ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính lâu dài và bền vững.
|
Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành |
Trước mắt, có thể chọn quy hoạch 3 địa điểm để tập trung đầu tư tạo tính đột phá, đó là Khu du lịch biển Cồn Vành, xây dựng khu đô thị ven sông Trà Lý, kết hợp du lịch trên sông và khu du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng và tâm linh huyện Hưng Hà.
Về mặt chiến lược, trong tương lai, để thu hút du khách ngoại quốc và du khách ở đẳng cấp cao cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta phải quy hoạch chi tiết, lập dự án và “rải thảm” để thu hút đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp, xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú đa dạng, ở đẳng cấp cao như Casino, sân gofl, các chương trình khám phá thiên nhiên hoang dã tại rừng ngập mặn (khu dự trữ sinh quyển), các loại hình vui chơi giải trí đặc sắc, mạo hiểm...
Với trách nhiệm của Ngành, Sở VHTT&DL sẽ tham mưu cho các cấp chính quyền tiến hành đánh giá lại một cách tổng thể du lịch Thái Bình từ tài nguyên, lợi thế, tiềm năng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất... cho đến năng lực, trình độ, khả năng cạnh tranh, xu thế phát triển... để từ đó hoạch định chiến lược, kế hoạch tổng thể để có thể phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.
Ngành sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Tỉnh lựa chọn xây dựng một thương hiệu, một biểu tượng du lịch đủ mạnh có tính đặc sắc của Thái Bình, đồng thời chú trọng xây dựng, tạo ra các tua, các tuyến ổn định, có chất lượng cao với chi phí thấp để có sức thu hút, cạnh tranh lớn là những việc làm cần thiết, trước mắt để tạo ra sự đột phá.
*Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! Xin được chúc ngành du lịch tỉnh nhà sẽ có bước đột phá, chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới!