Hoàn hảo hóa mệt mỏi
Anh Dương Quốc Việt (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn được mọi người trong cơ quan ngưỡng mộ vì có một gia đình hạnh phúc, vợ đảm đang và nấu ăn rất tuyệt. Những người trong cơ quan khi đến nhà anh chị ăn cơm đều tấm tác khen các món ăn chị nấu. Cũng vì mê những món ăn này mà anh đã “kết” chị. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cầu toàn quá mức của chị khiến bố con anh phải xa lánh.
Dốc bầu tâm sự, anh Việt cho biết, có những hôm đi làm về, bụng đói meo, con muốn ăn trước một miếng mà mẹ cũng không cho. Mấy bố con xúm vào sắp mâm giúp thì vợ anh làm nhặng xị cả lên: Nào là sắp thế này, để chỗ kia mới được… Đĩa rau để sai vị trí thể nào cũng bị cằn nhằn, phải đặt đúng chỗ của nó. Đến lúc vào bữa cơm ai cũng mệt và đói nên nhiều món ngon nhưng cũng không thể cảm nhận hết được hương vị.
Vợ anh vì muốn mọi thứ phải theo ý mình nên tự mình ôm đồm tất cả việc nhà. Cộng thêm việc cơ quan, đôi khi chị cũng cảm thấy mệt mỏi, ức chế nên về nhà là quát con, cằn nhằn chồng. Tệ nhất là mọi bức xúc đều dồn vào bữa cơm sum họp của gia đình. Không khí chẳng lúc nào được vui vẻ, bữa cơm dù ngon cũng không được mọi người hưởng ứng.
Được sự góp ý của chồng, vợ anh có thay đổi, để anh thỉnh thoảng vào bếp đỡ đần vợ, nhưng anh làm gì chị cũng đứng bên cạnh chỉ đạo, làm gì chị cũng không hài lòng vì không hoàn toàn theo ý chị. Cuối cùng, chị lại ôm đồm tất cả và tình trạng gia đình không được cải thiện bao nhiêu.
|
Đôi khi người ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc ở những điều chưa trọn vẹn |
Chị Trang ở Ba Đình (Hà Nội) cũng khiến chồng con mệt vì sự sạch sẽ quá mức của mình. Trong nhà chị, mọi thứ phải thật sạch sẽ, không để có chút bụi bặm nào. Điều này khiến cả chồng và con chị đôi khi rất mệt mỏi. Mọi chuyện bùng nổ khi trong một ngày, chồng chị thất thểu trở về sau một chuyến công tác không hiệu quả. Anh bước chân vào nhà mà quên cởi tất, chiếc tất đi công trường mấy ngày chưa thay in rõ từng bàn chân trên nền nhà.
Thay vì hỏi anh có mệt không thì chị lăm lăm chiếc giẻ trên tay để lau sàn nhà. Sẵn bực mình trong người, lại thấy hành động đó của vợ, chồng chị phải quát lên. Lần đầu tiên bị chồng mắng, lại thấy anh rất tức giận, chị thực sự lo lắng và sợ hãi. Chị đâu biết rằng, sự cẩn thận sạch sẽ quá của mình đã khiến người khác ức chế, khó chịu.
Chị Bích Ngọc, làm nghề truyền thông khá năng động, giỏi giang và xinh đẹp. Trong công việc, chị rất xuất sắc, được thăng tiến và cấp trên đánh giá cao. Chồng chị hơn 5 tuổi, là nhân viên của một cơ quan nhà nước. Dù thu nhập của anh không cao nhưng cuộc sống của gia đình chị không thiếu thốn, tính cách của anh cũng vui vẻ, hòa đồng.
Ai cũng nghĩ chị sẽ rất hạnh phúc nhưng cuộc sống gia đình chị luôn rất ngột ngạt. Chị luôn muốn chồng chị phải là người hoàn hảo, không được ham vui, rượu chè và phải có chí thăng tiến. Anh lại có tính ham vui, thỉnh thoảng đi nhậu nhẹt với bạn bè say xỉn, chính vì điều này mà vợ chồng chị thường xuyên cãi nhau.
Chị cũng thường lấy mẫu hình của sếp mình để so sánh, đòi hỏi anh phải kiếm được nhiều tiền hơn, chăm lo cho gia đình hơn... Thấy vợ so sánh như vậy, anh không hài lòng, thậm chí càng bỏ bê gia đình và hay ra ngoài nhậu nhẹt với bạn hơn, vòng xoáy mâu thuẫn ngày càng lớn. Anh chị đã ly hôn, chị giờ là mẹ đơn thân, nuôi con một mình, nhưng chị cũng không yêu ai vì không thấy ai đáp ứng được mong mỏi của chị.
Những câu chuyện như trên không phải là hiếm gặp, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn song hành cùng tâm lý hay so sánh, là nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ tự đánh giá tiêu cực. Từ đó, chúng ta vô tình đánh mất đi những điều tốt đẹp trước mắt để chạy theo những tiêu chuẩn, những mục tiêu đặt ra.
Hạnh phúc đôi khi nằm ở những điều chưa trọn vẹn
Cầu toàn là một tính cách của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Bên cạnh mặt tốt là mọi thành phẩm tạo ra luôn ở trên mức gần như tuyệt đối thì trong công việc cũng như cuộc sống, những người cầu toàn luôn hà khắc với bản thân, đôi khi điều đó lại phản tác dụng khiến họ khó đạt thành công lớn.
Có nhiều người thường nghĩ, người cầu toàn có thiên hướng làm quản lý. Quá cầu toàn đôi khi lại chính là điểm trừ, không chỉ khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn mà còn tạo ra môi trường không mấy vui vẻ, thậm chí việc quản lý và hoạt động nơi họ làm quản lý còn đi xuống hơn.
Cùng với đó, người cầu toàn luôn tin rằng họ sẽ cho ra được những sản phẩm tốt nhất nên họ không chấp nhận những phản hồi tiêu cực. Tôi sẽ cho các bạn một ví dụ điển hình đó là Steve Jobs. Do tính cách cầu toàn của mình ông bắt những nhân viên phải trình để được ông phê duyệt mọi khía cạnh của việc phát triển sản phẩm hay bất kì thay đổi nhỏ nào.
Ông vô tình tạo ra áp lực lớn cho cả mình và nhân viên, không lâu sau ông bị đình chỉ công tác một thời gian tại Apple. Thật may mắn, khi quay trở lại ông đã thay đổi tính cách của mình một hướng tích cực hơn và tạo ra không khí làm việc trở nên suôn sẻ hơn, đặt biệt khi ông phát hiện của mình bị bệnh.
“Tôi nghĩ vòng lặp phản hồi là một điều vô cùng quan trọng, nó giúp bạn nghĩ lại về những việc bạn đã làm và cách nào để thay đổi nó tốt hơn”, tỷ phú Elon Musk chia sẻ.
Vì suy nghĩ mọi công việc sẽ hoàn hảo nếu mình là người đảm nhận, họ có xu hướng ôm đồm, tham công tiếc việc trong cả công việc cũng như trong gia đình, nên vì thế chẳng còn thời gian dành cho cuộc sống riêng tư của mình. Thậm chí, họ còn thường bỏ những thú vui, hạn chế tụ tập hơn trước, hay mất ngủ và mệt mỏi do luôn nghĩ đến công việc của mình.
Vậy làm sao để thay đổi? Theo các nhà thần kinh học hiện đại, thói quen của chúng ta được quyết định bởi ý thức. Do đó, việc đầu tiên cần làm chính là hình thành một thói quen mới trong não bộ, chẳng hạn như trở thành bạn của chính mình.
Bạn nên lắng nghe và thấu hiểu được giá trị bên trong của mình, từ đó biết trân trọng bản thân, kể cả những điểm chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, bạn cần nhận thức rằng thói quen so sánh với người khác là một điều không tốt. Hậu quả tiêu cực mà nó mang lại chính là khiến bạn mất đi sự tự tin và giảm động lực cố gắng. Chỉ cần bạn cố gắng kiểm soát suy nghĩ, theo thời gian, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đừng để tâm lý so sánh kiểm soát cảm xúc của bạn. Khi bạn vừa có suy nghĩ so sánh với người khác, hãy ngăn chặn nó lại và đưa bản thân trở về thời điểm hiện tại. Bạn có thể tạm dừng việc đang làm, dành thời gian hít thở sâu và hướng sự chú ý của bạn vào một việc khác.
Ngoài ra, hãy học cách rộng lượng với bản thân mình. Đối với những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ luôn nhận thấy công việc của mình còn nhiều sai sót và không dễ hài lòng về những gì đạt được. Theo một cách tích cực, điều này giúp họ không ngừng hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu sự cầu toàn ấy vượt quá giới hạn, nó sẽ trở thành áp lực vô hình khiến họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
Thay vì tự trách vì những điều còn thiếu sót, hãy tự động viên bản thân, tự khen ngợi mình về những gì bạn đạt được dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc này chỉ nhằm giúp bạn có thêm niềm tin và hiểu rằng bạn vẫn có ưu thế riêng. Bạn không nên quá tự tin dẫn đến không nhận ra lỗi sai khi cần thiết.
Thiền sư Shunryu Suzuki từng nói: “Chúng ta nên tìm thấy thứ gọi là “hoàn hảo” thông qua sự tồn tại không hoàn hảo”. Thật vậy, hạnh phúc không có nghĩa là cố gắng làm cho mọi thứ trở nên thật hoàn thiện. Hạnh phúc là khi bạn nhìn được ánh sáng của hy vọng, của niềm vui ẩn sâu ở những điều chưa trọn vẹn.