Thu dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 2.000 tỷ đồng
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2009 và đến tháng 10/2020 Quỹ được kiện toàn phù hợp với Nghị định 156/2018 của Chính phủ.
Sau hơn 10 năm hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng. |
Cụ thể, Quỹ BV&PTR tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả đến hầu hết các đối tượng liên quan đến triển khai thực hiện chính sách bao gồm: Chính quyền các cấp, các đoàn thể, đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch, đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị sản xuất công nghiệp), đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (chủ rừng, hộ nhận khoán).
Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp qua các buổi truyền thông với cộng đồng, Quỹ còn phổ biến chính sách liên quan thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Pano áp phích và các sản phẩm truyền thông khác.
Sử dụng công nghệ Viễn thám trong giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
Lãnh đạo Quỹ BV&PTR Lâm Đồng cho biết, sắp tới sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp trong tuyên truyền với các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ…; đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu vùng xa sẽ chú trọng phát huy tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản…để lan toả Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thu chi tiền trồng rừng đến với người dân. Nhìn chung đa số các đối tượng liên quan đã hiểu rõ chính sách và đồng thuận thực hiện.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 38 nhà máy thủy điện, 18 nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch, 34 điểm du lịch và 5 cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Hàng năm các đơn vị này đã nộp từ 250 đến 300 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Tổng thu 10 năm đạt 2.287 tỷ đồng. trong đó các nhà máy thủy điện chiếm đến 84 % tổng số tiền nộp, còn lại là các đơn vị kinh doanh nước sạch, du lịch và nước công nghiệp.
Hàng năm Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cũng đã thường xuyên theo dõi tham mưu các ngành chức năng kịp thời bổ sung các đơn vị phát sinh phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra đôn đốc các đơn vị lập bảng kê và nộp tiền hàng quý, hàng năm theo quy định và đến nay cơ bản không có nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị nộp tiền.
Người dân tích cực bảo vệ rừng nhờ thu nhập ổn định
Theo ông Hoàng Tất Dương, Giám đốc Quỹ BV&PTR Lâm Đồng, thành công nhất của Quỹ là góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức bảo vệ rừng của người dân nhờ họ có thu nhập ổn định.
Theo đó, bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng chi 250 tỷ đồng/năm cho 350.000 ha đến 380.000 ha rừng cung ứng của các chủ rừng trong tỉnh (chiếm 72% diện tích rừng toàn tỉnh). Với đơn giá 550.000 - 650.000 đồng/ha/năm thì trên 16.000 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhận khoán bảo vệ rừng từ các chủ đã có thu nhập từ 12 triệu - 18 triệu đồng/hộ/năm.
Theo lãnh đạo Quỹ BV&PTR, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng thuộc “Top đầu” cả nước. Mặt khác mức chênh lệch giữa các hộ được chi trả không đáng kể nên tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, tránh tâm lý so sánh. Đặc biệt, mức chi trả nói trên ổn định qua các năm nên tạo được nên người dân nhận khoán rừng ổn định cuộc sống, từ đó có thức bảo vệ rừng hơn, toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ hơn.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến hộ nhận khoán. |
Ngoài ra, để đảm bảo công bằng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ BV&PTR Lâm Đồng cũng chú trọng công tác giám sát, kiểm tra trong chi trả. Ví dụ như đối chiếu diện tích trên giấy tờ và thực tế, kiểm tra thông tin đối tượng thụ hưởng xem có chính xác không hoặc đối chiếu thông tin với cơ quan thuế để kiểm tra xem đơn vị nộp tiền có trung thực hay không…
Theo đánh giá chung, qua hơn 10 năm hoạt động, Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Tiền thu được từ thực hiện chính sách là nguồn tài chính lớn ngoài ngân sách đã phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; cụ thể hóa được chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và nhà nước; hỗ trợ và giảm chi từ nguồn ngân sách của tỉnh cho nhiệm vụ quan trọng này và cũng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người làm nghề rừng.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác trồng mới 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện tốt ngoài nhiệm vụ thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng nhằm chi trả cho các chủ rừng để bảo vệ tốt rừng hiện có; đồng thời mở tài khoản theo dõi, tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân đóng góp nhằm thực hiện hoàn thành chung chương trình trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh.
Lâm Đồng phấn đấu trồng 50 triệu cây xanh trong 5 năm
Tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức lễ Phát động trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó: trồng cây xanh cảnh quan đô thị 9,77 triệu cây; trồng cây lâm nghiệp 6,95; cây che bóng 33,28 triệu cây.
“Tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát hiệu quả kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và các hoạt động trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường với phương châm “Trồng cây nào sống tốt cây đó”. Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, cơ quan, đơn vị trồng cây, tỉnh có thêm không gian xanh”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhấn mạnh tại sự kiện nói trên.
Tại sự kiện, các đơn vị thành viên Tập đoàn Novaland đã tặng tỉnh Lâm Đồng học bổng và ủng hộ hơn 11 tỷ đồng; tổ chức phát triển Hà Lan SNV tặng 3000 cây Mai Anh Đào. “Lâm Đồng với trái tim là thành phố Đà Lạt đã được vinh danh là một Thành phố bền vững về môi trường, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới. Vì vậy chúng tôi càng tự hào hơn khi được cùng chung tay, góp sức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững xanh của tỉnh thông qua chương trình trồng 50 triệu cây xanh ý nghĩa và để thành phố ngàn hoa lại càng khoe sắc rực rỡ hơn nữa”, ông Bùi Xuân Huy – CEO Tập đoàn Novaland chia sẻ.