Siết livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook: Ảnh hưởng như thế nào đến các nhà mạng xã hội?

(PLVN) - Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo một số quy định này được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì một số cá nhân, doanh nghiệp liên quan lại bày tỏ sự không đồng tình.
(ảnh minh họa).

Chặn hệ lụy từ livestream

Cụ thể, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Đáng chú ý, dự thảo này đưa ra đề xuất về việc các doanh nghiệp có mạng xã hội phải được cấp phép và chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mạng xã hội mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ trực tuyến livestream.

Quy định mới trên của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận về nhiều ý kiến khác nhau của các chủ thể trong xã hội. Đối với những người sử dụng thì cho rằng các quy định này rất tiến bộ, giúp các loại hình thông tin cung cấp trên mạng mở rộng, đa dạng hơn và được chắt lọc nội dung, đồng thời, loại bỏ được những livestream thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác.

Còn phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thì cho rằng các quy định mới này có phần gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp trang mạng xã hội mới được thiết lập, quy mô nhỏ.Đồng thời, quy định mới cũng có thể trở thành rào cản gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới trong nước cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Bàn về dự thảo Nghị định, TS. Luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và công nghệ thông tin, Internet phát triển thì hoạt động phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều người mua, bán hàng qua mạng, nhất là trong tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội hiện nay. Không chỉ những cá nhân, doanh nghiệp bán hàng, ngay cả những dịch vụ khác như chơi game cũng được chuyển tải qua hình thức livestream trên mạng.

TS. Luật sư Lê Ngọc Khánh trả lời phỏng vấn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc livestream trên mạng xã hội cũng đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; bán hàng lậu, hàng cấm; tổ chức, truyền bá tin giả; khiêu dâm hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác…

Vì vậy, việc Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là hoàn toàn hợp lý, bổ sung được những khoảng trống pháp lý và hạn chế bất cập trong thực tế. Quy định mới cập nhật được tình hình hiện nay và đề xuất các quy định về quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới. Điều này giúp cho việc quản lý thông tin trên mạng xã hội đến với người dùng được chính xác, giảm thiểu được lượng tội phạm trên mạng xã hội.

Cần tham khảo ý kiến của người dân

Luật sư Khánh cho biết, dự thảo Nghị định đã có những chính sách phân loại quản lý đối với các mạng xã hội. Đây là điểm đáng hoan nghênh vì sẽ tạo được những cơ chế quản lý phù hợp đối với từng nhóm mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội được phân loại thành mạng xã hội có lượng tương tác lớn (quản lý bằng hình thức cấp phép) và mạng xã hội có lượng tương tác thấp (quản lý bằng hình thức thông báo).

Có điều, theo dự thảo, các mạng xã hội nhỏ, mới thành lập vẫn phải làm thủ tục hành chính và được Bộ gắn công cụ đo để theo dõi lượt truy cập. Theo các doanh nghiệp, hiện nay có thể sử dụng phương pháp xác định lượng truy cập từ Việt Nam nhờ đánh giá từ các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ internet . Vì vậy, quy định phải áp dụng các công cụ đo lượt truy cập là không thật sự cần thiết, gây phức tạp về mặt vật chất và thủ tục hành chính đối với các mạng xã hội mới thành lập.

Ngoài ra, việc dự thảo đưa ra một số quy định hạn chế hoạt động của các mạng xã hội như không cho phép các mạng xã hội nhỏ được quyền thu phí người dùng, các mạng xã hội nhỏ không được cung cấp dịch vụ livestream, người dùng phải định danh 2 lớp mới được đăng tải bài viết, bình luận, tương tác. Các quy định vô hình trung sẽ gây cản trở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người dùng và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được ghi nhận trong pháp luật.

Dự thảo cũng quy định chỉ các mạng xã hội được cấp phép mới có quyền thu phí dịch vụ dưới mọi hình thức. Ông Khánh phân tích, quy định này can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Các mạng xã hội hiện nay có hai nguồn thu chính là từ người dùng hoặc từ quảng cáo.

Đối với các trang mạng xã hội nhỏ, doanh nghiệp sẽ rất khó có thể bán được quảng cáo do chưa đủ lượt xem để thu hút các đối tác. Người dùng trả tiền cho các mạng xã hội chủ yếu để đỡ phải xem quảng cáo hoặc được sử dụng các dịch vụ gia tăng tốt hơn so với thành viên bình thường. Đây là hình thức kinh doanh hoàn toàn bình thường, hợp pháp và không có lý do gì để cấm đoán.

Thêm vào đó, quy định này đi ngược lại với chính sách hỗ trợ mạng xã hội nhỏ mà chính cơ quan soạn thảo đặt ra. Giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp rất quan trọng để quyết định sự phát triển, tồn tại sau này. Khi đó, họ có thể cần đến nguồn thu từ người dùng để duy trì và phát triển hoạt động bởi các nguồn thu khác chưa kịp hình thành. Quy định như trên có thể sẽ chặn đứng nguồn thu và cơ hội phát triển của các mạng xã hội nhỏ. Thậm chí, có thể làm khan hiếm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới.

Tiếp nữa, việc quy định mạng xã hội phải có giải pháp bảo đảm chỉ thành viên mạng xã hội (là các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được tương tác (viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà…) cũng gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

Để đưa vào vận hành hệ thống định danh 2 lớp, các doanh nghiệp sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống và thuê nhân sự nhằm xác thực người dùng. Bởi thế, quy định này có thể là một rào cản gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới muốn kinh doanh dịch vụ mạng xã hội.

Bên cạnh những bất lợi do gánh nặng về chi phí, các doanh nghiệp nội địa nếu phải tuân thủ quy định này còn có thể đối mặt với tình trạng mất người dùng. Với các người dùng hiện tại, họ có thể không thực hiện các yêu cầu xác thực để tiếp tục sử dụng dịch vụ mà chuyển sang dùng mạng xã hội khác. Với những người dùng tiềm năng, họ có thể không muốn thử sử dụng các mạng xã hội trong nước...

Luật sư Khánh nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị định là cần thiết để phù hợp với sự phát triển của thị trường hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tham khảo ý kiến của người dân, nhất là việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp đang hoạt động trong dịch vụ cung cấp mạng xã hội để nắm bắt được tâm lý, khó khăn và thách thức của doanh nghiệp gặp phải khi dự thảo được đưa vào thực tiễn.

Từ đó, có cái nhìn khách quan, thực tế để thực hiện điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp, vừa đảm bảo dễ dàng cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước, vừa tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội tham gia thị trường.

Đọc thêm