Tai nạn đuối nước: Nguyên nhân cũ, nỗi đau mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng thời gian gần đây vẫn liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn đuối nước ở cả miền xuôi lẫn miền núi khiến ai cũng đau lòng, xót xa. Các vụ đuối nước là do trẻ không biết bơi nhưng cũng có trường hợp trẻ bơi giỏi vẫn gặp nạn do không có kỹ năng cứu đuối.
Tai nạn đuối nước: Nguyên nhân cũ, nỗi đau mới

Những vụ đuối nước thương tâm

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn quốc (16,490 km2), địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài. Đây cũng là địa phương có tuyến đường thủy nội địa lớn với 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000km, bờ biển dài 82km với 6 cửa lạch nối ra biển. Hệ thống kênh, ao, hồ nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đặc biệt đối với trẻ em. 

Hàng năm, vào dịp hè dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo về tai nạn đuối nước nhưng vẫn nhiều vụ chết đuối đau lòng xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước là do trẻ không biết bơi. Cá biệt, nhiều em bơi giỏi cũng bị đuối nước do không có kỹ năng cứu đuối. Hàng loạt vụ đuối nước xảy ra đã gây biết bao đau thương, mất mát cho các bậc phụ huynh và xã hội.

Hơn 3 tháng trôi qua nhưng người dân xã Liên Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vẫn chưa thôi xót xa, ám ảnh hình ảnh những vết cào bên bờ sông của cậu bé Nguyễn Bá H. (SN 2012) trước khi qua đời. Chiều 17/1, em H. được chị gái đèo sau xe đạp đi chơi trên bờ sông cách nhà chừng 700m.

Đang đạp xe, chị gái đánh rơi dép nên H. xuống sông lấy dép cho chị., nhưng do dòng nước sâu, bờ sông cao, trơn trượt khiến cậu bé không thể bíu lên được. Người chị sau khi tìm cách cứu em bất thành đã chạy về làng cầu cứu, nhưng sự việc đã quá muộn. Khi mọi người tới nơi chỉ thấy trên bờ sông là dấu bàn tay của cậu bé. Hai ngày sau, thi thể em được tìm thấy cách nơi xảy ra sự việc không xa. 

Khúc sông nơi em Lương Mạnh Tuấn bị đuối nước sau khi cứu sống 2 em nhỏ.
 Khúc sông nơi em Lương Mạnh Tuấn bị đuối nước sau khi cứu sống 2 em nhỏ. 

Thực tế đau lòng là vào dịp hè, tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra ở miền biển, vùng nông thôn mà các huyện miền núi như Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu... tỷ lệ tử vong do đuối nước khá cao. Nguyên nhân chính do thiếu sự quan tâm của cha mẹ tới việc các em đi tắm ở sông suối vì mùa hè là vào vụ thu hoạch nông sản nên người lớn thường lên nương rẫy đến tối với về. Mặt khác, khu vui chơi ở các thôn bản lại không có. 

Mới đây, tại huyện miền núi Quỳ Châu xảy ra vụ đuối nước thương tâm để lại nhiều đau xót. Theo đó, khoảng 15h ngày 18/4, em Lương Mạnh Tuấn (14 tuổi, học lớp 7A3, Trường THCS Hạnh Thiết) cùng hai em học lớp 3 và 5 ra sông Hiếu - đoạn chảy qua bản Kẻ Nính và Tịnh Tiến (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) để tắm mát. Thấy hai em đi cùng bị đuối nước, chới với cầu cứu, Tuấn lao tới ứng cứu, sau đó dìu được hai em vào bờ an toàn. Tuy nhiên, em Tuấn đuối sức, bị nước cuốn mất tích. Thi thể của em sau đó được người dân vớt trên sông Hiếu.

Mới đây nhất, vụ nam sinh viên Nguyễn Văn Nhã (SN 1998, trú xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), sinh viên năm 4, trường ĐH Khoa học Huế bị đuối nước sau khi cứu thành công 3 bạn nữ khiến dư luận xót xa.

Chiều 30/4, Nhã cùng nhóm bạn đi tắm biển phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cuối giờ chiều, phát hiện 3 bạn nữ trong nhóm bị đuối nước, sóng cuốn xa bờ nên Nhã bơi đến ứng cứu. Tuy nhiên, sau khi cứu được bạn thì Nhã bị nước biển cuốn đi vì đuối sức. Thi thể em được lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy nửa tiếng sau đó.

Trong lễ tưởng niệm sinh viên Nguyễn Văn Nhã do trường ĐH Khoa học Huế tổ chức mới đây, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó giám đốc ĐH Huế đã có lời phát biểu xúc động: Lòng tốt, sự tử tế, tinh thần nhân văn, nhân ái của em sẽ không bao giờ bị lãng quên. Soi mình vào những điều tử tế của Nhã để mỗi người cần sống tốt đẹp hơn, có trách nhiệm hơn - dù không làm “hiệp sĩ”, không thể là “anh hùng”, nhưng ít nhất hãy là một công dân có ích, có ý thức, làm tròn bổn phận của mình với cộng đồng nơi mình đang sinh sống.

Trẻ em nông thôn rủ nhau đi tắm sông, hồ một cách tự phát, không có sự giám sát của phụ huynh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước (ảnh HT).
Trẻ em nông thôn rủ nhau đi tắm sông, hồ một cách tự phát, không có sự giám sát của phụ huynh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước (ảnh HT).  

Trẻ em thiếu kỹ năng, cha mẹ thiếu giám sát

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số vụ đuối nước, nhưng từ đầu năm 2021 tại Nghệ An liên tục xảy ra các vụ đuối nước để lại nỗi đau lớn cho người thân và xã hội. Nhiều năm qua, Nghệ An đã coi trọng công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em và xem đây là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.

Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước đã được nhiều cấp ngành, tổ chức xã chính trị - xã hội, đơn vị phối hợp cùng gia đình triển khai. Tuy nhiên, việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em vẫn chưa được nhiều, chưa phổ quát. Công tác dạy bơi và kỹ năng cho trẻ em mới chỉ tổ chức theo đợt, tự phát, phạm vi nhỏ lẻ, chưa liên tục...Vậy nên số trẻ biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước chưa nhiều.

Một số địa phương, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá vô ý thức đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm, như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu. Trong khi đó, những nơi này và cùng nhiều hồ đập sông, hồ, suối, ao nước khác lại không có hàng rào và  biển báo nguy hiểm. Điều đó tiềm ẩn tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em.

Đoàn viên thanh niên cắm biển biển cảnh báo nguy cơ đuối nước tại khu vực sông ngòi, ao hồ...
Đoàn viên thanh niên cắm biển biển cảnh báo nguy cơ đuối nước tại khu vực sông ngòi, ao hồ... 

Về phía gia đình, nhiều phụ huynh vì bận công việc nên chưa có nhiều thời gian quan tâm con cái; chưa lường hết những yếu tố môi trường sống xung quanh chứa đựng yếu tố rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em; chưa lường hết những đặc thù tính cách thích khám phá của trẻ thơ. Khi hè đến, một số trẻ ở nông thôn, miền núi thường trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, tắm suối.

Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Nếu ở khu vực thành thị, khi mùa hè đến có khá nhiều lớp năng khiếu – sở thích được tổ chức, cũng như có nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí. Còn ở khu vực nông thôn, miền núi, trẻ em rất thiệt thòi khi thiếu sân chơi, trong khi các chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi chưa phong phú. Vậy nên, câu chuyện trẻ em coi ao, hồ, kênh mương thành bể bơi, sân chơi ngày hè là điều dễ hiểu.

Thực tế, đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân có ý thức. Phân tích từ những nơi thường để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em cho thấy, vấn đề gốc rễ là do các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, để môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Không ít trường hợp trẻ em tử vong do không may sa chân xuống hố, cống của một số công trình xây dựng, mà nguyên nhân là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người lớn. 

Thực trạng đuối nước và tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sự an toàn cho con trẻ. Theo bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở LĐ-TB&XH Nghệ An vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt thời tiết ở Nghệ An đang rất khắc nghiệt. Vì vậy, cần tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ, thực hiện các hướng dẫn về kỹ năng bơi lội, cứu đuối cho các em. 

Các địa phương cũng cần rà soát, cắm biển báo tại những “điểm đen” có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Tuyên truyền cho trẻ em sử dụng áo phao khi tắm biển, ao hồ, sông, suối...

Đọc thêm