1. Một lần ngồi nghe nhà sử học Lê Văn Lan nói chuyện, ông ấy bảo Hà Nội là cái phố làng. Ba mươi sáu phố phường là phố nghề và buôn bán. Có nhiều phố còn dây mơ rễ má với những làng đồng bằng như nghề Hàng Bạc gốc Đồng Sâm (Thái Bình), Hà Trung có nghề da gốc Bắc Ninh… Ông bảo Hà Nội có nhiều đình chùa miếu mạo, những phường nghề tụ bạ làm ăn có của thì bảo nhau lập đình thờ vọng về quê. Người Hà Nội nào thì cũng có một gốc gác…Điều đó chắc chắn không sai.
Người xưa trọng quê hơn phố. Họ coi phố xá là nơi kiếm tiền rồi đem tiền về quê tậu đất mở cõi. Quê là cái gốc tinh thần dòng tộc bền vững đời đời. Trong một bài hát của một nhạc sĩ nào đó có ca từ “Thiếu quê hương , ta về đâu?…”. Khi tôi nói kỉ niệm ấu thơ về những ngày ở quê thì có bạn ở Hà Nội chân thành rằng mình chẳng có quê để mà về. Tuổi thơ của mình là trèo me trèo sấu, nhẩy tàu điện…”.
Ngày xưa, trâu ta ăn cỏ đồng ta, lấy vợ làng khác là bị chê bai như loại dân tứ chiếng, chẳng ra gì.
Ngày xưa, bỏ làng đi làm ăn nơi xa, bị miệt thị là “thằng bỏ làng”. Cái làng được coi trọng đến mức bảo thủ. Cái làng đã hình thành “lệ”, thành “hương ước” và đã từng có tiền lệ “phép vua thua lệ làng”.
Có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng do cái bảo thủ đó mà phong kiến phương Bắc nhòm ngó cả nghìn năm, cả nghìn năm dồn quân xuống xâm lược đều bị bật ra. Câu nói của Quang Trung Nguyễn Huệ trên đường ra trận đại phá 20 vạn quân Thanh chỉ ra điều đó:
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Thì đủ thấy chỉ phong tục tập quán từ làng quê cũng là thứ tinh thần bất diệt cho một dân tộc như thế nào.…
|
Chợ hoa Hàng Lược - Hà Nội xưa (ảnh internet). |
2. Lại nhớ Hoa Kì là dân tứ chiếng hình thành nên Hợp chúng quốc. Từ những kẻ tìm vàng bỏ xứ đến vùng đất mới hoang vu với lời thề sống giàu chết bỏ. Với những lứa gen mạnh mẽ đã hình thành nên một quốc gia trẻ vài trăm năm mà hùng mạnh vô song.
Xét cho cùng nếu thế giới là một cái làng thì Hoa Kì giống như phố chợ. Pháp luật lên ngôi tối thượng vì thế mà nó hùng mạnh. Cho đến bây giờ, người Tàu giàu có vẫn tìm cách đi Mĩ định cư...
Không biết những người Mĩ gốc bắc Âu, gốc Âu châu họ nghĩ sao về cái gốc gác. Chưa thấy một nhà nghiên cứu nào nói đến phần văn hóa nội tâm này. Không biết họ có giống dân Hà Nội rằng “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ chẳng lịch cũng thể là người Tràng An (câu ca dao cổ là lịch, nội hàm rộng chứ không phải thanh lịch, bó lại một phần phẩm cấp người Tràng An).
Qua tìm hiểu, vậy người Hà nội gốc là thế nào? Nhiều nguời hay tự hào mình là Hà nội gốc. Gốc nào thì chắc chắn cũng từ một xó quê ra, chỉ có thời gian dài ngắn khác nhau mà thôi. Dân tứ chiếng và văn hóa nhiều vùng miền hợp lại rồi văn hóa ngoại lai xâm thực vào qua giao thương, tạo thành một phong cách phù hợp với lối sống phố phường do có nhận thức về giá trị văn hóa sống mà “Người Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch không có “máu” tham nhũng, không thích hà hiếp kẻ dưới”, ” Sống bình lặng, lịch lãm, tôn trọng lẽ phải đạo đức và chính nghĩa, không dám dấn thân, không dám làm việc lớn, hay hoài vọng và mơ mộng, thích gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi của kiếp người. Đó là đặc trưng phổ quát của người Hà Nội”.
Nhận định trên của Lê Phú Khải chưa hẳn đã đầy đủ nhưng những cái ông đề cập đến khá chính xác về đặc điểm dân Hà Nội.
Cho nên ráp ranh Hà nội có văn hóa Đông – Đoài ( Bắc Ninh/ Hà Tây) rõ nét, nhưng văn hóa Hà Nội có gì? thử nghĩ xem.
Dẫu không lịch, cũng người Tràng An chính là sự tổng hợp lối sống khi ý thức được mình là ai hình thành nên thứ ứng xử phố phường, không thân mật quá như thôn quê nhiều lúc đến phiền hà, mà chỉ vùa đủ để trong thị nhau.
Vài dòng lan man trong lúc rỗi, không dám lạm bàn, xin bạn lượng thứ nếu có gì sơ sẩy.