Đốt mã có nguồn gốc từ Trung Quốc
Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề kinh doanh vàng mã cũng đang “lên hương”. Bằng chứng là có doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này lãi đến 5 tỷ mỗi tháng. Dạo qua một vòng những khu phố bán vàng mã, người ta thấy choáng ngợp bởi sự đa dạng về sản phẩm tại đây. Từ giày dép quần áo tới ti vi tủ lạnh, nhà lầu xe hơi cho đến nội y, người giúp việc… không thiếu thứ gì so với đời thực.
Ảnh minh họa |
Tất nhiên rồi, đã là kinh doanh thì làm nghề nào ăn nghề ấy, người ta có lý do để đa dạng hóa, quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm mình làm ra. Còn người mua thì cứ vung tiền mua sắm gây lãng phí. Có người đã ước tính, mỗi năm người Việt đốt cả nghìn tỷ vàng mã?! Số tiền ấy chắc chắn sẽ làm được nhiều việc có ích hơn là tro bụi.
Vậy ý nghĩa thực sự của tục đốt vàng mã là gì? Đốt rồi những linh hồn có nhận và dùng được hay không? Theo tìm hiểu của Xa lộ Pháp luật thì tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi được truyền sang Việt Nam, nó lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác.
Theo hòa thượng Tố Liên thì tục chôn người chết của Trung Hoa cổ xưa có việc tuẫn táng, nghĩa là khi các vua và các quan lớn chết đi, từ vợ con đến bộ hạ, đồ yêu quý của họ khi còn sống, sẽ phải đem chôn sống để làm đồ dùng khi đã chết. Tả truyện chép: vua Tần Mục Công tên là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo.
Về sau người ta chế ra “Sô linh” (người cỏ) rồi tiếp đó là “Mộc ngẫu” (bằng gỗ) để thay thế. Sách Trang Tử chép: “Vua Mục Vương nhà Chu (1001 TCN) có người tên là Yến Sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết”.
Đời Hán, đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Linh bắt đầu lấy vỏ cây dó và rẻ rách, lưới rách đem chế ra giấy, vì đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo v.v… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách Thông Giám cương mục có chép: “Vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào hàng thủy tổ nghề vàng mã”.
Thời gian sau đó, phần lớn dân chúng bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề nghiệp vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ. Vương Luân mới bàn cùng với các đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã của bọn họ.
Một người giả ốm, rồi tin chết được loan ra, cái xác giả chết được khâm liệm vào quan tài, có lỗ hổng và sẵn thức ăn, nước uống. Khi mọi người họ mạc, xóm làng đến thăm viếng, Vương Luân với một lũ người tức tưởi đem trăm nghìn thứ đồ, có cả hình nhân thế mạng, bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ.
Khi mọi người đang suýt xoa khấn khứa, bỗng cỗ quan tài rung lên. Người giả chết kia lò dò ngồi dậy, giả vờ trông trước, trông sau, bước từ quan tài ra với điệu bộ như người chết đi sống lại, rồi thuật lại chuyện với công chúng rằng: “Các thần thánh trong Tam, Tứ Phủ vừa nhận được hình nhân thế mạng cho tôi, cùng tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn, bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế”.
Hiển nhiên trăm nghìn công chúng mắt thấy, tai nghe lúc đó ai cũng phải nhận ằng, hình nhân có thể thế mệnh được thực và thánh thần trong Tam, Tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm thọ và miễn cho sống thêm thực. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng vì người ta cho rằng, không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã đến cả thiên, địa, quỷ, thần trong Tam, Tứ phủ cũng phải tiêu dùng đến đồ vàng mã nữa, cố nhiên là vàng mã phải đắt hàng.
Vậy là, người Trung Quốc bị cái bả mê tín vàng mã do Vương Luân đầu độc đến nay đã được gần hai ngàn năm.
Càng ngày càng biến tướng
Tục đốt vàng mã được truyền vào Việt Nam từ khi nào chúng ta không biết, nhưng theo truyền thống gia đình mà chúng tôi tìm hiểu thì tục đốt vàng mã không giống như ở Trung Hoa. Tức là gửi tiền bạc, đồ đạc cho người chết với quan niệm trần sao âm vậy.
Tục xưa, mỗi khi giỗ chạp, người Việt thường đốt tiền vàng nhưng không cần nhiều. Người lớn tuổi trong nhà sẽ gọi con cháu tới ngồi quây quanh một chiếc chậu hoặc lò, rồi chia cho mỗi người một ít giấy vàng, bảo mọi người chỉ được đốt từng tờ một. Vừa đốt vừa kể những kỷ niệm về người đã khuất.
Ảnh minh họa |
Khi đốt không cho ai dùng que gẩy những tờ tiền vàng cho cháy nhanh hơn. Việc đốt vàng mã phải đốt từng tờ vì vừa đốt vừa tưởng nhớ tới người đã khuất như họ vẫn đang còn sống. Nếu vứt cả tập vàng mã vào rồi dùng que gẩy lên để cháy nhanh cho xong việc thì cũng chẳng khác gì việc người ta đốt một tờ giấy bình thường. Tục này đã được duy trì từ những đời trước trong gia đình người viết bài này.
Ngoài ra, quan niệm của tiền nhân cho rằng, trong vũ trụ có ba thứ trân quý nhất đối với con người, đó là không khí, nước và ánh sáng được gọi là tam bảo của vũ trụ. Nếu thiếu một trong ba thứ ấy, con người sẽ không thể tồn tại, sinh trưởng và phát triển do không thể trao đổi chất. Cây cối không thể quang hợp để đâm chồi.
Ánh sáng lại đại diện cho sự minh triết, trí tuệ, dẫn dắt soi đường và đem lại sự ấm áp. Ở nơi âm giới là cõi u minh, tịch mịch, mờ ảo, tối tăm như trong màn sương và rất lạnh lẽo nên việc đốt vàng mã thực chất cũng giống như đèn nến, là sự cúng giường ánh sáng đem đến sự minh triết, ấm áp cho thần linh và khiến các vong linh chung quanh bớt đi sự lạnh lẽo, cô quạnh.
Thế nên, trong phong tục ma chay, khi một người trút hơi thở cuối cùng, người nhà thường đốt một đống củi hoặc vài tờ giấy tiền vàng hoặc đèn nến ở dưới chân giường với ý nghĩa giúp hương linh của người đó bớt sợ hãi và lạnh lẽo.
Tuy nhiên, ngày nay chắc không còn nhiều người biết được ý nghĩa của việc đốt vàng mã như đã nói trên. Thế nên, khi đi đền, đình miếu mạo có thể hoàn toàn thay vàng mã bằng đèn, nến và đều mang ý nghĩa như nhau.
Nếu đốt thì cũng không cần nhiều, bởi thần linh, gia tiên cũng giống như cha mẹ mình, cần là ở tấm lòng của đứa con nhớ đến công dưỡng dục của mình chứ đâu cần vật chất để hối lộ và đắp đổi. Khi đốt vàng mã, người ta thường khấn: Nay xin cúng dường ánh sáng cho các vị thần linh, các hương linh nội ngoại họ…và các hương linh xung quanh. Nguyện dĩ thử phúc đức hồi hướng cho các hương linh nội ngoại họ…(hoặc một hương linh cụ thể nào đó) được ấm no siêu thoát, các hương linh xung quanh được ấm no siêu thoát”.