Cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đỗ Phó Bảng năm Tân Sửu (1901). Đến năm 1906 nhậm chức “Thừa biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Trong thời gian làm quan, ông luôn đứng về phía dân nghèo, chừng trị bọn cường hào, ác bá hà hiếp người dân.
Chán cảnh quan trường nên ông từ quan, vào Nam sinh sống. Tại đây ông đã làm nhiều nghề: bốc thuốc, dạy học…Gần cuối đời, ông về định cư tại làng Hòa An (tỉnh Đồng Tháp) và sống cuộc đời thanh bạch.
|
Những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi ngày Khu di tích đón hàng ngàn lượt khách đến viếng thăm |
Để tưởng nhớ công ơn của cụ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để mọi người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và tưởng nhớ. Công trình hoàn thành năm 1977 và được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1992.
|
Nơi an nghỉ của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc |
Khu di tích xây dựng trong khuôn viên rộng 9ha. Tại đây có hơn 1.000 cây các loại do cá nhân, tổ chức khắp cả nước đến trồng và gửi tặng. Đặc biệt, có nhiều loại cổ thụ hàng trăm tuổi và cây kiểng quý hiếm, độc lạ.
Trong Khu di tích hiện có cây Khế và cây Sộp được công nhận là cây di sản. Đây có thể xem là những cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Được biết, 2 cây này do ông Ngô Văn Hay (tức thầy giáo Kỳ) ở làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc TP Sa Đéc) vì mến mộ và biết ơn cụ Phó Bảng nên đã hiến tặng vào năm 1977. Hai cây được trồng ngay bên vòm mộ của cụ.
|
Cây Sộp được trồng từ năm 1688, đến nay đã 332 năm. Chu vi thân cây lên đến hơn 2,2m, cao trên 6m. |
Theo Ban Quản lý Khu di tích, cây sộp được trồng từ năm 1688, đến nay đã 332 năm. Chu vi thân cây lên đến hơn 2,2m, cao trên 6m. Còn cây khế được trồng từ năm 1727, đến nay đã 293 năm. Chu vi thân cây hơn 2m, cao khoảng 2,7m. Cả hai cây đều được chăm sóc cẩn thận và được tạo tán, thế đứng rất đẹp.
|
Gốc khế được trồng từ năm 1727, đến nay đã 293 năm. Chu vi thân cây hơn 2m, cao khoảng 2,7m. |
Hai cây này được công nhận là cây di sản không phải chỉ vì lâu năm mà nó còn mang đậm giá trị lịch sử. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi được trồng trong vườn của thầy giáo Kỳ, gia đình thầy đã đào hầm bí mật phía dưới 2 gốc cây để che giấu cán bộ cách mạng, trong đó có nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhờ sự ngụy trang này mặc dù quân địch truy lùng rất kỹ nhưng vẫn không phát hiện.
|
Nhiều cây cổ thụ to, cao trong khuôn viên Khu Di tích. |
Bên cạnh đó, bao quanh mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc còn có nhiều loại hoa kiểng, cây xanh và cổ thụ được chiết từ gen của các cây có ý nghĩa lịch sử mà các nơi gửi tặng: Cây đa Tân Trào - một biểu tượng cách mạng của Thủ đô kháng chiến; hai khóm trúc Pác Bó; cây bàng trái vuông gắn liền với mảnh đất Trường Sa được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam trao tặng…
|
Nhiều cây cổ thụ to lớn, rỗng ruột có thể chứa được vài người chui vào đó |
Không những thế, nơi đây còn rất nhiều loại cây kiểng trăm tuổi khác. Cây tràm từ xứ sở Đồng Tháp Mười có tuổi đời trên 300 năm do Đảng bộ và nhân dân huyện Cao Lãnh tặng. Cây khế gân độc, lạ được trồng trên 100 năm. Thân cây không mịn nhẵn như khế thông thường mà nổi u nần, gân guốc. Ngoài ra, còn có những cây cổ thụ to lớn, rỗng ruột có thể cho vài người chui vào trong đó.
Những cây cổ thụ, kiểng lạ, quý hiếm trong Khu di tích đã tô điểm thêm vẻ đẹp và sự xanh mát, yên tĩnh cho khu an nghỉ của cụ Phó Bảng. Điều đó còn nói lên tình cảm, sự kính trọng của người dân Đồng Tháp và đồng bào cả nước dành cho vị thân sinh của một con người vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh.