Thảnh thơi gánh hoa 70 năm giữa tất bật Hà Thành

(PLVN) - Lặng lẽ giữa phố thị xô bồ, xe cộ tấp nập, tôi bắt gặp hình ảnh một cụ bà bên gánh hoa thơm rất đỗi thân thương. Một hình ảnh khiến ta phải lặng dừng đôi chút để ngắm nhìn và nhớ về những con người Hà Thành xưa. Không ồn ào, không gấp gáp, bỗng chốc ùa về một cảm giác bình yên đến lạ…
Bà Phan Thị Thu (82 tuổi) bên gánh hàng hoa mỗi sớm.
Bà Phan Thị Thu (82 tuổi) bên gánh hàng hoa mỗi sớm.

1- Giữa tiết trời đầu tháng 2 dịu nhẹ, lất phất hạt mưa xuân, mang theo chút gió lành lạnh, tôi tìm đến con phố Hàng Khoai tấp nập, nơi có gánh hoa thơm lâu năm của cụ bà Phan Thị Thu (82 tuổi) – người con gái của làng hoa Ngọc Hà.

Gánh hàng hoa của bà vỏn vẹn chỉ có 4 chiếc rổ nhưng bày rất nhiều loại hoa với đủ màu sắc khác nhau: hoa bưởi trắng muốt, hoa nhài mảnh mai, hoa cúc vàng, hoa sói, hoa móng rồng, hoa trứng gà, hoa hồng quế…

Tùy theo từng mùa,gánh hoa nhỏ của bà đem mùi hương dìu dịu, thanh khiết tỏa khắp một góc phố. Từ góc chợ Đồng Xuân, lâu nay bà dịch xuống ngồi bán cố định tại số 21 Hàng Khoai. 

Gói hoa cúng ngày xuân.
Gói hoa cúng ngày xuân.  

Trong bộ áo cánh mộc mạc, mái tóc bạc trắng được búi cao gọn gàng, giọng nói nhẹ nhàng, gọi em xưng tôi - đúng chuẩn phong cách nền nã của con gái Hà Thành xưa, bà kể tôi nghe về những gánh hoa đã đi qua cuộc đời bà. 

Ngày xưa hoa bà bán đều được hái từ chính vườn nhà bà. Sáng nào bà cũng thức dậy từ 2h sáng thắp đèn dầu hái hoa. Hoa gì cũng có, mùa nào hoa ấy, không thiếu loại nào. Sau này khi làng hoa Ngọc Hà lên phố thì bà ra chợ cóc Hàng Giấy, Kim Mã buôn hoa về bán. Mãi cho đến hơn chục năm nay bà có mối quen lấy hoa, sáng nào người ta cũng đem hoa ra tận nơi giao. Hoađược lấy từ Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, những vùng ven Hà Nội. Với kinh nghiệm lâu năm, bà Thu biết rõ Hoa ở đâu tươi, đẹp và thơm nhất.

2- Khi hỏi về kỉ niệm những ngày đầu đi bán hoa, bà kể: “Năm 13 tuổi khimới đibán hoa, tôi bán ngay ở chợ Đồng Xuân.Hồi đó hôm nào thằng Zin, thằng Bụt (bảo vệ người Pháp)cũng ra đuổi không cho bán. Tôi xách rổ hoa chạy tót vào chợ, đứng nép bên cạnh sạp hàng của tiểu thương khác. Họ thấy tôi nhỏ nhắn nên cũng không đuổi mà cho đứng cạnh bán”. 

Bà chỉ bán từ 7h đến trưa là hết hoa. Cứ 1 hào 1 gói hoa, bà nhận đặt và giao hoa tận cổng nhà cho những khách sống gần đấy như hàng Cá, hàng Thùng, hàng Hòm, hàng Vải, hàng Buồm…Bây giờ có tuổi rồi, bà chỉ bán túc tắc, vui là chính. Bà bán từsáng đến chiều thì về. Nhiều năm bán hoa, biết lựa theo chiều chợ, vậy nên gánh hoa của bà ít khi bị “ế”.

Theo bà Thu, những gia đình Hà Nội xưa ngày nào cũng mua gói hoa thơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Bây giờ thì việc mua hoa cúng chỉ còn tập trung vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, việc dùng hoa cúng cũng không còn phổ biến như xưa. Theo thời gian, nét văn hóa này đã dần bị lãng quên. Gói hoa cúng không dùng lọ hay bình để cắm mà dùng đĩa để bày, tẩy chút nước để giữ hoa được lâu hơn. 

Gói hoa cúng ngày hè.
Gói hoa cúng ngày hè.  

Cuộc sống hiện đại với bao thăng trầm và biến động đã qua, không quần là áo lượt, bà vẫn giữ cho mình sự bình dị đáng mến. Một con người sáng tối ngoài chợ, suốt mấy chục năm cuộc đời nhưng cách sống của bà khiến nhiều người phải kính nể. Bán gánh hoa lãi chẳng bao nhưng bà vẫn sẵn lòng bỏ ra chút ít để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn. Đôi khi chỉ là mua dùm gói bánh, chai nước… của những người hàng xén, quang gồng quang gánh. 

Bà bảo: “Cuộc sống vô thường, mình phải học cách tự hài lòng với những gì mình có, sân si quá chỉ làm bản thân thêm vất vả. Mình giúp được người ta cái gì thì giúp. Dù xưa có khó khăn, nhưng tôi thấy hài lòng. Tôi sống ở vỉa hè này suốt cuộc đời, vẫn cứ thảnh thơi thế thôi”.

3- Chưa một ngày được đến trường vậy nhưng bà khiến tôi bất ngờ khi cầm tờ báo đọc thành thạo. Bà bảo: “Sở dĩ tôi đọc sõi là vì ngày xưa họ bắt những người đi bán hàng ngoài chợ cũng phải biết chữ, nếu không biết sẽ phải đi học. Vậy nên ngày ngày tôi vừa đi bán hoa vừa bặp bẹ chữ cái. Sau đó, hôm nào cũng mua báo về đọc. Cứ vậy dần dần là biết đọc. Đọc thì tôi đọc được hết, nhưng viết thì tôi không làm được rồi (bà cười)!”.

Gắn bó 70 năm với công việc bán hoa cúng, bà không đổi công việc khác, cũng chưa chịu nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già. Thời gian đằng đẵng, bà chứng kiến bao dấu mốc lịch sử, chứng kiến bao sự thay da đổi thịt của phố thị. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, duy chỉ có gánh hoa thơm của bà vẫn còn vẹn nguyên. 

 

Bà “khoe” với tôi về nhữngngười con, đứa cháu của mình. Tôi thấy mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc.Giờ gà có con cháu đề huề, sung túc, nhưng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, vì từ lâu thói quen ngày ngày đi bán hoa thơm đã ăn sâu vào bà.

“Tôi thích thì tôi buôn, con cái không cần phải lo nghĩ. Có những ngày không bán hoa nhưng tôi vẫn ra đây” – bà cười tấm tắc. Có lẽ vì bà tìm được niềm vui trên những gói hoa đưa cho khách - gìn giữ mùi hương Hà Thành xưa giữa lòng Hà Nội tấp nập. Bà nói: “Đi bán hoa quen rồi, ở nhà tôi thấy bứt dứt không yên. Tôi bán lâu rồi nên khách quen nhiều lắm. Tôi sợ tôi nghỉ ở nhà mọi người ra mua hoa về cúng tổ tiên lại chẳng có mà mua.”

Nhắc đến làng hoa Ngọc Hà, gương mặt bà lặng đi chút, bà tâm tình: “Ngày xưa chỉ có con gái làng Ngọc Hà vấn khăn mỏ quạ, mặc áo dài đi bán hoa. Khắp các con phố của Hà Nội lúc ấy đâu đâu cũng thấy có gánh hoa của con gái Ngọc Hà. Vậy mà giờ đây chỉ còn sót lại mỗi gánh hoa của tôi thôi cô ạ! Làng Ngọc Hà cũng chẳng còn mấy hoa nữa”.

Bà trăn trở: “Công việc này đã theo tôi cả một đời, cũng nhờ gánh hoa mà tôi nuôi dạy 5 người con nên người. Ngày nay việc cúng hoa thơm cũng không còn được ưa chuộng như xưa nữa. Vậy nên công việc này với thế hệ bây giờ cũng chẳng mặn mà. Chắc đến lúc tôi không bán nữa thì cũng hết.” – Bà cười nụ.

Nói về thời gian đã đi qua, dù có nhiều vất vả nhưng bà vẫn luôn chọn cho mình cách sống thảnh thơi. Ngày xưa gánh hoa là tấm cơm, manh áo của cả gia đình, bây giờ gánh hoa là niềm vui, là sự an lạc của bà. Bà “sướng” vì con cái của bà đều trưởng thành và nên người. Bà tự hào về cách mà người ngày xưa nuôi dạy con cháu. Có nghèo, có vất vả nhưng không lệch lạc, xa đọa. Cứ bình lặng một cuộc sống vui vẻ đầy an yên.

Không biết có phải do cuộc đời bà gắn bó với muôn hoa hay không, mà ở cái tuổi ngoài 80, bà vẫn giữ được tinh thần lạc quan, vui tươi tràn nhựa sống. Không vội vàng, không ồn ã, bà lặng lẽ ngồi đó giữ trọn vẹn nét đẹp của con người Hà Thành xưa với gánh hoa thơm “kiên định” trước sự xô bồ của thời đại mới. Cuộc sống có thay đổi, xã hội hiện đại và văn minh hơn, nhưngmột điều chắc chắn rằng, khi bà và gánh hoa thơm vẫn còn ở đó, thì mùi hương của Hà Thành xưa vẫn còn được giữ trọn.

Đọc thêm