Thế giới đã vượt qua những đại dịch càn quét trong lịch sử như thế nào?

(PLVN) - Điểm lại những đại dịch từng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại mà loài người đã kiên cường trụ vững và vượt qua để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chắc chắn rằng đại dịch Covid-19 rồi cũng sẽ bị đẩy lùi, triệt tiêu...

Đại dịch là dịch bệnh bùng phát và lan qua biên giới các quốc gia. Đại dịch khác với dịch bệnh ở chỗ số người bị ảnh hưởng nhiều hơn rất nhiều. Trong lịch sử loài người đã ghi nhận nhiều đại dịch chết chóc, thậm chí thay đổi cả lịch sử.

Những dịch bệnh từ thời xưa 

Các ghi chép cho hay, từ năm 430 đến năm 426 trước Công nguyên, dịch thương hàn đã khiến thành Athens mất đi 1/4 dân số và binh lính trong vòng 4 năm. Tháng 1/2006, một nhóm nghiên cứu ở Đại học Athens đã công bố kết quả phân tích dựa trên hàm răng lấy từ ngôi mộ tập thể trong thành phố, cho biết vi trùng là nguyên nhân khiến dịch thương hàn bùng phát mạnh mẽ.

Tiếp đó, từ năm 165 đến năm 180, đại dịch Antonine chỉ trong 1 ngày đã cướp đi tính mạng của 5.000 người La Mã. Nguyên nhân được cho là do virus đậu mùa mà binh lính mang theo khi trở về vùng Cận Đông. Khi đại dịch kết thúc, khoảng 5 triệu người đã tử vong. Dịch hạch là một trong những đại dịch chết chóc nhất trên thế giới, còn được biết đến với cái tên “Cái Chết Đen”. Bệnh lần đầu tiên bùng phát ở Ai Cập từ năm 251 đến năm 266.

Theo một nhà chép sử người Ba Tư, trong vòng chưa 1 một năm, dịch bệnh đã lan tới Constantinople và giết chết 10.000 người, tức tương đương 40% dân số thành phố. Sau đó nó lan sang Palestine và đế chế Byzantine rồi tiến vào vùng Địa Trung Hải.

Ở thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng phát, bệnh dịch hạch đã giết chết 10.000 người/ngày ở thành phố thịnh vượng nhất châu Âu thời đó là Constantinople (Đông La Mã). Bệnh dịch hạch đã buộc Hoàng đế Justinian phải dừng kế hoạch đưa đế chế Roman trở lại. Tên của vị hoàng đế này cũng được lấy để đặt cho dịch. Vào năm 588, dịch bệnh tiếp tục lan rộng, giết chết khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới. Nó làm cho dân số châu Âu giảm khoảng 50% giữa năm 541 và 700.

 Bức tranh "Bệnh dịch thành Athens" phản ánh đại dịch khiến 5000 người thiệt mạng trong một ngày 

Sau đó, dịch biến mất và không bùng phát lớn trong một thời gian dài. Đến thế kỷ 14, dịch bùng phát trở lại. Địa điểm bùng phát đại dịch dịch hạch lần thứ 2 được cho là ở Trung Á, sau đó lây lan nhanh chóng. Năm 1346, dịch xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Ước tính, đại dịch này đã giết chết từ 25 đến 50 triệu người, tương đương từ 30-60% dân số của châu Âu, và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.

Hơn 100 đợt tái phát dịch đã ảnh hưởng nặng nề tới châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. Trong đó, từ năm 1361 đến năm 1480, cứ 2 - 5 năm, bệnh dịch hạch lại xuất hiện ở Anh. Vào thập niên 1370, dân số Anh đã giảm 50%. Khi dịch hạch hoành hành ở London vào năm 1665-1666, khoảng 100.000 người, tức khoảng 10% dân số thành phố đã thiệt mạng.

Dịch tả cũng là cụm từ đáng sợ khi nhắc đến các loại dịch bệnh trên thế giới. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh này được ghi nhận lây lan ra toàn cầu từ rất sớm. Theo các nhà khoa học, bệnh tả có lẽ có nguồn gốc từ Ấn Độ, ở vùng châu thổ sông Hằng vào thời cổ đại. Bệnh tả xuất hiện ở châu Á khoảng 600 năm trước Công nguyên.

Bệnh trở thành dịch khi lan tới Nga năm 1817, sau đó lan sang các phần còn lại của châu Âu, rồi từ châu Âu sang Bắc Mỹ. Người ta ghi nhận có 7 trận đại dịch đã xảy ra trong 200 năm. Trong đó, có những đại dịch cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Ví dụ, năm 1832, gần 40.000 người dân Paris chết vì dịch tả. Dịch tả tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 cũng đã làm 70.000 người chết. Đại dịch năm 1854 đã cướp đi sinh mạng 1/8 dân số thành phố London...

Hiểm họa từ dịch cúm

Về sau này, với sự phát triển của y học hiện đại, những dịch bệnh từ thời xưa như tả, dịch hạch, sởi, đậu mùa... dần được khống chế với việc tìm ra vắc-xin phòng bệnh. Nhưng con người lại phải đối mặt với những dịch bệnh mới là cúm do virus gây ra. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính từ 1580 đến nay đã có ít nhất 4 đại dịch cúm xảy ra vào thế kỷ 19 và 3 đại dịch trong thế kỷ 20. Trong đó, dịch Cúm Nga được ghi nhận đầu tiên vào tháng 5/1889 ở Bukhara, Uzbekistan.

Sau khi lan qua các thành phố, dịch lây nhanh về phía tây và đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ, Australia vào năm 1890. Các nhà khoa học xác nhận nguyên nhân gây dịch bệnh này là các chủng virus H3N8 và H2N2 của virus cúm A. Nó có mức độ tấn công và tỷ lệ tử vong rất cao. Khoảng 1 triệu người đã chết do dịch bệnh này. Đại dịch nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20 là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là “cúm Tây Ban Nha. Dịch bệnh này được xác định đầu tiên ở Madrid nhưng bùng phát mạnh nhất vào tháng 3/1918 trong một trại huấn huyện lính của Mỹ tại bang Kansas.

Dịch cúm gà cũng từng trở thành nỗi ám ảnh của nhân loại 

Sau đó, cùng với việc những người lính mang theo virus khi đến châu Âu trong cuộc Chiến tranh thế giới I, bệnh đã lây lan thành một đại dịch toàn cầu. Các ghi chép cho thấy, khoảng 500 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số lúc bấy giờ đã bị nhiễm bệnh. Tính đến khi kết thúc vào năm 1919, khoảng 50 triệu người đã thiệt mạng do dịch. Một số thống kê khác cho rằng dịch bệnh đã giết chết 3-5% dân số thế giới. Trong vòng 25 tuần, căn bệnh khiến nhiều người tử vong hơn so với dịch AIDS trong 25 năm.

Điều đáng chú ý là, trong đại dịch này, tỷ lệ tử vong ở thanh niên đặc biệt cao. Dịch bệnh này cũng được xem là một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà khoa học về sau đã phân tích gene và phát hiện dịch là do virus H1N1 gây ra. Từ năm 1956 đến 1958 là những năm đánh đánh dấu dịch cúm châu Á. Tuy không gây thiệt hại lớn như dịch cúm Tây Ban Nha trước đó, nhưng dịch cúm này cũng làm chết hơn 2 triệu người, trong đó có 70.000 người Mỹ. Chủng virus gây bệnh được xác định là là virus cúm loại A/H2N2.

Tiếp đó, đến năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 lại bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là ở người lớn từ 65 tuổi trở lên. H3N2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu dưới dạng virus cúm theo mùa.

Đầu năm 2009, cúm A/H1N1 cúm lợn lại xuất hiện. CDC ước tính có  đến 575.400 người trên khắp thế giới tử vong trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong được ước tính xảy ra ở những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8/2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng virus cúm theo mùa hàng năm.

Với corona, virus này lần đầu được nói đến là ở dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra) xuất hiện. Theo WHO, trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 là người Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không. Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong.

Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh. Hiện tại, thế giới đang dối mặt với dịch bệnh toàn cầu Covid-19 cũng do chủng mới của virus corona gây ra. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do virus này. Dịch Covid-19 hiện đã lan ra khắp các châu lục, với số ca bệnh ngày càng nhiều và có nhiều diễn biến mới, khó lường.

Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, trong đó có công nghệ y dược, chắc chắn dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, ngăn chặn và triệt tiêu. 

Đọc thêm