Duyên lành của dân làng Tống Xá
Nhắc đến những làng nghề nổi tiếng của huyện Ý Yên, Nam Định không thể không nhắc đến làng đúc kim loại Tống Xá ở xã Yên Xá. Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20 km, làng Tống Xá được coi là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển gần 900 năm. Làng nghề này thuộc địa phận xã Vạn Xá - Yên Xá trước đây. Phía Đông giáp thôn Khả Lang của xã Yên Dương, phía Tây giáp đường 57, Thị Trấn Lâm huyện Ý Yên; phía Bắc giáp Quốc lộ 37B thôn Tu Cổ của xã Yên Khánh và thôn Vàng của xã Yên Bình.
Theo Tiến sỹ Dương Minh Đức – nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoáng sản địa chất, vùng đất cổ Tống Xá với hơn 1.200 năm lịch sử mở đất, lập thôn được hình thành vào thế kỷ VIII do 2 ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đem theo gia thất về đây khai hoang, vỡ đất, trồng cấy lập trang ấp có tên là Kiến Hòa. Đó là năm 791.
Tượng thờ Đức Thánh Không Lộ - Minh Không - ông tổ của làng nghề đúc đồng Ý Yên |
Sau một thời gian, trang Kiến Hòa lại tách ra làm 2, trong đó nửa phía Bắc do cụ Tống Phúc Thành quản lý. Sau khi cụ mất dân làng đã đặt tên làng lấy theo tên họ của cụ Tống, đó là làng Tống Xá. Chữ Tống có nghĩa là nhà của họ Tống. Nửa phía nam của trang Kiến Hòa do cụ Dương Vạn Hợp quản lý lại tách ra làm 2 làng đó là Làng Vạn Điểm và Làng Cổ Liêu.
Sau khi trang Kiến Hòa ra đời được 327 năm, năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh là Minh Không) đã về làng Tống Xá vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ. Trong thời gian ở chùa Đường Leo, nhà sư Nguyễn Chí Thành đã đi thăm các cánh đồng của làng và tìm thấy ở phía Đông Bắc của làng có một khu ruộng có chứa một loại đất sét có thể làm được khuôn đúc.
Nhà sư đã gọi dân làng đến xem và đào một hố sâu để lấy đất sét mang về. Người đã hướng dẫn dân làng dùng đất sét để làm khuôn đúc và dạy cho dân làng nghề đúc kim loại bằng gang, đồng. Cánh đồng lấy đất sét làm khuôn đúc được đào bằng một hố sâu, trên bác một cái cầu nên gọi là cầu Hố và cả cánh đồng được gọi là cánh đồng Cầu Hố.
Tiến sỹ Dương Minh Đức – nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoáng sản địa chất |
Trong vòng 7 tháng từ 12/2/1118 đến 12/9/1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành đã hướng dẫn cho dân làng Tống Xá thành thạo nghề đúc gang và đồng. Cùng với với việc dạy nghề đúc, ông cũng đã cho tu sửa lại chùa Đường Leo và đặt tên chùa là “Cổ Liêu tự”.
Ngày 12/9 cùng năm, ông lẳng lặng chuyển đi nơi khác sinh sống. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ ông cạnh đền thờ ông Tống và ông Dương. Do không biết tên tuổi ông, cũng không biết ông đi đâu nên ngôi đền được gọi là đền thờ Đức Thánh Tổ. Năm 1994, Đền Thánh Tổ được công nhận là Di tích lịch sử cấp nhà nước. Cùng thời gian này, người ta mới biết được rằng Đức Thánh Tổ thờ ở trong Đền là thiền sư Nguyễn Chí Thành, khi tuổi cao là Nguyễn Minh Không.
Theo các ghi chép, khi còn trẻ, Nhà sư Nguyễn Chí Thành đã đi đến nhiều nơi ở Trung Quốc, Ấn Độ để tìm hiểu pháp thuật chân chính, học tập nhiều điều mới lạ, trong đó có nghề đúc kim loại. Khi về nước, sư Nguyễn Chí Thành đã cho thấy bản thân là người có nhiều tài năng, trong đó, với nghề đúc kim loại, ông đã cùng với học trò đúc được 4 báu vật bằng đồng gọi là “An Nam tứ đại khí” có khối tượng hàng chục tấn với kỹ nghệ tinh xảo là tượng chùa Quỳnh Lâm, tháp chùa Bảo Thiên, chuông chùa Phả Lại, đỉnh chùa Phổ Minh.
Khi còn sống, ông được nhà vua hết lời khen ngọi và phong là Quốc sư, Quốc Thần, một trong những vị Thánh của nước Nam… Ngoài thời gian đến chùa Đường Leo ở Tống Xá để dạy nghề đúc, nhà sư này còn có khoảng hơn 60 năm sống ở nhiều chùa trong nước, trong đó có một số nơi thờ lớn như chùa Keo ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chùa Keo ở Xuân Trường, Nam Định…
Sức sống mới của làng nghề truyền thống
Tuy làng nghề Tống Xá đã hình thành từ rất sớm nhưng đến tận thế kỷ 18, tại đền thờ Đức Thánh Tổ không có một tài liệu nào ghi lại quá trình phát triển nghề đúc ở Tống Xá. Chỉ biết là, vào các năm từ 1897 đến 1909, tại Đền có cụ Dương Doãn Phương và con cháu đã đúc được tượng Đức Thánh bằng đồng nặng khoảng 100 kg và 3 bát hương tuyệt đẹp, mỗi bát nặng khoảng 30 kg. Ở đáy mỗi bát hương có ghi năm đúc là 1897 và 1909. Thời gian này, cả làng Tống Xá mới chỉ có 14 gia đình có lò đúc gang, đúc đồng. Nhìn chung nghề đúc gang còn thô sơ, lạc hậu, mới chỉ đúc được một số sản phẩm đơn giản như lưỡi cày, diệp cày, nồi niêu, xoong chảo…
Sản phẩm đúc đồng của làng Tống Xá có mặt tại nhiều tượng đài, công trình quan trọng khắp đất nước |
Sau năm 1945, do điều kiện chiến tranh nên nghề đúc chưa phát triển, tại Tống Xá vẫn chỉ có 14 gia đình có lò đúc, tập trung đúc các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như lưỡi cày, diệp cày, chảo gang và một số đồ sinh hoạt gia đình. Song, thời gian này cũng đã có một số thợ chuyên môn đi xây dựng nghề đúc ở các nơi khác như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, TP Nam Định.
Tại các nơi này, việc sản xuất tập trung vào các sản phẩm phục vụ kháng chiến như vỏ mìn, vỏ lựu đạn… Sự phát triển của làng nghề tại Tống Xá có bước tiến triển lớn khi Hợp tác xã thủ công nghiệp Quyết Thắng được thành lập vào tháng 10/1959 tại Yên Xá, tập hợp các gia đình có nghề đúc ở Tống Xá. Công nghệ của Hợp tác xã khi đó cũng đã có nhiều thay đổi so với năm 1945. Các mặt hàng đúc cũng đã được mở rộng với nhiều sản phẩm, khối lượng và năng suất ngày một nâng lên.
Tiến sỹ Dương Minh Đức cho hay, nếu như làng Tống Xá xưa chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương… thì đến nay, Tống Xá đã ngày càng đa dạng sản phẩm của mình. Nhiều sản phẩm như các bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc; đồ thờ, chuông, tượng mạ vàng, đồ phong thủy… của làng đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và được đánh giá cao.
Một sản phẩm tinh xảo của làng nghề |
Đặc biệt, phải kể đến những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, thể hiện tinh thần, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại như Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn được ra mắt trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, thợ đúc đồng Ý Yên cũng đã được “chọn mặt gửi vàng” để đúc tượng Vua Lý Thái Tổ cao 10,1m, nặng 45 tấn. Ở công trình này, người thợ đúc đồng Ý Yên đã sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc.
Ngoài ra, các thợ đúc đồng tại Ý Yên cũng đã cho ra đời tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại Quần thể Di tích lịch sử - văn hoá Thiên Trường, tượng Bác Hồ, tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn…
Trải qua lịch sử hàng trăm năm cùng nhiều thăng trầm, đến nay, nghề đúc đồng nói riêng và nghề đúc kim loại nói chung vẫn tồn tại ở Ý Yên như chính các chất liệu đanh rắn này và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm của làng hiện được sản xuất và phân phối ở khắp nơi với mẫu mã và kích thước đa dạng, phong phú, được khách hàng ưa chuộng.
Ngày nay, làng Tống Xá từ tinh mơ đến tận sẩm tối đều tràn ngập hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. Nhờ nghề đúc kim loại mà người dân ở đây có được công ăn việc làm ổn định và thu nhập tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, giàu mạnh. Diện mạo làng nghề nhờ đó mà cũng ngày càng phát triển thịnh vượng hơn.