Thực tiễn xung khắc luật

(PLVN) - Dịch bệnh Covid-19 đang làm thay đổi thế giới, ưu tiên chính sách của quốc gia và cuộc sống hàng ngày của con người trên Trái đất. Nó thách thức nhà nước pháp quyền và chính phủ ở mọi nơi trên thế giới. Nó đồng thời cũng thách thức cả hệ thống luật pháp hiện hành, không phải trực tiếp mà gián tiếp nhưng với mức độ nghiêm trọng như nhau...
Thực tiễn xung khắc luật

 Dịch bệnh hoành hành trong Liên minh châu Âu (EU) đến mức phải xác nhận là hiện đang bị khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hình thành và phát triển từ trước cho đến nay. Để đối phó dịch bệnh này, cụ thể là để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và rồi đẩy lùi dịch bệnh, các nơi áp dụng những biện pháp khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ phải xác định nguồn bệnh lây lan (F0) để biết mà cách ly nguồn gây nhiễm bệnh, hoặc để bảo về những người không bị lây nhiễm bệnh trước nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

Mới đây, Ủy ban EU khuyến nghị cho phép sử dụng số điện thoại di động của người dân để định vị người bị nhiễm dịch bệnh và từ đó cảnh báo những người khác giữ khoảng cách với nguồn lây nhiễm bệnh. Chỉ trong thời gian rất ngắn, châu Âu đã nhanh chóng trở thành một trong những tâm điểm mới của diễn biến của dịch bệnh, vượt xa Trung Quốc về mức độ lây nhiễm bệnh như về số lượng người bị lây nhiễm bệnh và bị chết vì dịch bệnh cũng như về tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đóng cửa biên giới, cách ly khu vực và giãn cách xã hội được tất cả các thành viên EU thực hiện.

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong ứng phó dịch bệnh, bất cập và yếu kém trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ, sai lầm trong một số biện pháp chính sách đã được áp dụng thời gian qua giờ đưa lại tình trạng chung trong EU như thể là đã để sổng đàn gà nên sau đó rất khó có thể nhanh chóng bắt lại được. Vì thế, Ủy ban EU mới tính đến biện pháp dùng số điện thoại di động để định vị tất cả mọi người.

Từ giác độ thực tiễn mà nói thì biện pháp chính sách này đưa lại tác dụng là ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng bởi giúp các cơ quan chức năng xác định ra được nguồn lây nhiễm bệnh, hành trình di chuyển của nguồn lây nhiễm bệnh và giúp người dân tránh tiến lại gần hay ở gần nguồn lây nhiễm bệnh trong xã hội. Trước mức độ dịch bệnh như hiện tại ở các nước trong EU và trước thực tế là chưa có thành viên EU nào cho tới nay thành công với việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và đẩy lùi dịch bệnh thì ý tưởng biện pháp đối phó của Ủy ban EU hứa hẹn đưa lại kết quả thiết thực.

Vấn đề chỉ ở chỗ biện pháp chính sách này đồng nghĩa với việc mọi dữ liệu cá nhân và di biến động cũng như hoạt động riêng tư của người dân đều không còn là cá ngân hay riêng tư nữa bởi đều bị theo dõi bởi chính quyền nhà nước. Luật pháp hiện hành của EU nói chung và ở các nước thành viên EU nói riêng không cho phép cơ quan chính quyền xâm phạm vào đời tư của người dân như thế. Xưa nay, EU luôn đề cao việc bảo hộ quyền riêng tư của người dân và coi đấy là một dạng giá trị của tự do cũng như luôn mạnh miệng phê phán các nước khác trên thế giới “kiểm soát và giám sát dân chúng”.

Vì thế ở đây có sự xung khắc giữa luật pháp hiện hành và đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn cuộc sống trong tình cảnh đặc biệt nhất định là thời dịch bệnh. Thực tiễn đòi hòi phải có những quyết sách mà không được hợp pháp hoá trong luật pháp hiện hành, vì lợi ích chung của cộng đồng chứ không phải vì ý chí của tầng lớp chính trị lãnh đạo. Ở đây không phải có chuyện luật pháp không theo kịp thực tiễn cuộc sống mà chỉ có chuyện luật pháp hiện hành bất cập với thực tiễn cuộc sống và không tương thích với nhu cầu hành động mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

Đọc thêm