Thuốc giả và những hậu quả khôn lường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dược, trên thế giới tình trạng xuất hiện của những loại thuốc giả cũng đang ngày càng gia tăng, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thuốc ung thư làm từ… paracetamol!

Hồi tháng 2/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc điều trị ung thư giả lưu hành ở châu Âu và châu Mỹ. Theo WHO, loại thuốc giả này có quy cách đóng gói giống hệt thuốc trị ung thư Iclusig – một loại thuốc có chứa hoạt chất ponatinib được dùng để điều trị bệnh bạch cầu tủy bào mạn tính và bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp tính ở người lớn. Loại thuốc này tương đối đắt.

Năm 2017, thuốc được bán với giá khoảng 5.000 bảng Anh/gói. Còn ở Mỹ, ở thời điểm đầu năm 2019, mỗi viên thuốc có giá lên tới 13.500 USD/gói, tức khoảng 450 USD/viên. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích, trong những viên thuốc này không chứa bất kỳ thành phần hoạt chất nào ngoài paracetamol. 

Ông Michael Deats (người đứng đầu nhóm nghiên cứu về các loại thuốc giả tại WHO) cho biết, đây là phát hiện đáng chú ý bởi các vụ phát hiện thuốc giả trước nay ở khu vực thường là thuốc kháng sinh giả, thuốc chống sốt rét, thuốc không có nhiều tác dụng... chứ ít khi là thuốc điều trị ung thư.

Ông Deats cũng cho rằng đây là vụ việc nguy hiểm bởi khách hàng của loại thuốc này chính là những người mắc bệnh ung thư và gia đình ở các nước không được cung cấp miễn phí hoặc những người không được bảo hiểm chi trả tiền mua loại thuốc này.

Theo Viện An ninh dược phẩm của Mỹ, số vụ phạm tội liên quan đến thuốc giả bị phát hiện trên toàn thế giới đã tăng từ 196 vụ ở năm 2002 lên thành 2.108 vụ trong năm 2012 và 3.509 vụ ở năm 2017. Năm 2018, số vụ phạm tội trong lĩnh vực này là 4.405 vụ, tăng tới 25% so với năm 2017 và là con số vụ việc được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.

WHO cho rằng châu Á là nơi có số lượng thuốc giả lớn nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các nước cung cấp tới hơn 50% thuốc giả cho khắp thế giới. Còn Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và đưa gần 88% thuốc giả và thuốc kém chất lượng vào châu Phi. Tháng 11/2017 tại Niger, cảnh sát đã tịch thu 13 tấn thuốc giả được đưa từ Ấn Độ sang.

Tại Bờ Biển Ngà, vào tháng 3/2017, Bộ Y tế nước này cũng đã đóng cửa một nhà máy làm thuốc giả của người Trung Quốc và tiêu hủy gần 40 tấn thuốc. Năm 2014, giới chức Campuchia cũng đã thu giữ và tiêu hủy khoảng 5,1 tấn thuốc giả.

Thuốc giả - hậu quả thật

WHO định nghĩa thuốc giả là các loại thuốc được ghi tên hoặc nguồn gốc theo hướng cố ý gian lận khiến chúng trông giống hệt thuốc thật. Đó là những loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, không có bất kỳ hoạt chất, chứa không đúng hoạt chất hoặc không đúng liều lượng hoạt chất so với thuốc thật. Nhiều loại thuốc giả được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột bắp, bột khoai tây hay bột phấn khiến chúng không có tác dụng chữa bệnh.

Những sản phẩm này thường được sản xuất trong điều kiện tồi tàn, không vệ sinh nên thường rất bẩn và có thể bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, có những loại thuốc giả còn rất độc hại do liều lượng hoạt chất không đúng với công thức của thuốc thật, hoặc được trộn các hóa chất cao đến mức nguy hiểm chết người. Nhiều loại thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí được phát hiện được “sản xuất” từ mực máy in, sơn hay thạch tín!

Thuốc giả không những không chữa được bệnh cho người dùng mà còn tiềm ẩn những tác hại khôn lường. Những loại thuốc đó có thể gây không có thành phần hoạt chất chữa bệnh, có các thành phần có hại, liều lượng không đúng với quy cách, hết hạn... làm giảm hiệu qủa chữa bệnh hay dẫn đến các tác dụng phụ, hoặc thậm chí là có thể dẫn tới tử vong. 

WHO cho biết, thuốc giả là nguyên nhân dẫn tới khoảng 100.000 ca tử vong ở châu Phi mỗi năm. Tại một số nước ở châu Phi, tỉ lệ thuốc giả được cho là có thể lên đến 7/10 loại thuốc. Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 2015 ước tính khoảng 122.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực tiểu Sahara ở châu Phi tử vong vì uống phải thuốc chống sốt rét chất lượng kém.

Đó là còn chưa kể đến những trường hợp được cho là chết vì vaccine kém chất lượng hoặc bị làm giả; thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cấp tính và các bệnh như viêm gan, viêm màng não...

Tiến sĩ Joel Breman ở Viện Y tế quốc gia Mỹ trong một báo cáo được công bố hồi đầu năm cho rằng mỗi năm có ít nhất 300.000 trẻ em tử vong do bị những đối tượng phạm tội buôn bán thuốc giả sát hại. Ông Breman cũng cho rằng, thuốc giả khiến các nước thu nhập thấp và trung bình thiệt hại tới 200 tỉ USD mỗi năm.

Buôn thuốc giả lãi hơn buôn ma túy

Theo một báo cáo của WHO, nếu như trước kia thuốc giả được xem là vấn nạn của các nước đang phát triển hoặc các nước nghèo thì hiện nay đây đã là vấn nạn toàn cầu. Thuốc giả hiện đã xuất hiện ở từ Bắc Mỹ, châu Âu đến khu vực cận Sahara, châu Phi, châu Á... Trong thời đại internet ngày nay, ở những nước giàu như Anh và Mỹ - nơi các loại thuốc thường xuyên được kiểm tra gắt gao - nhiều người cũng dùng phải thuốc giả dù không thiếu tiền vì mua hàng qua internet. 

Hoạt động sản xuất và mua bán thuốc giả đang ngày càng trở nên dễ dàng vì những loại máy móc như máy dập thuốc, đóng gói, các thiết bị chuyên dụng hay các thành phần hoạt chất ngày càng trở nên phổ biến hơn. Internet cũng giúp giới làm thuốc giả có nhiều “đất” sống hơn. Ngoài ra, việc toàn cầu hóa của ngành dược cũng vô tình tiếp tay cho tội phạm làm thuốc giả. Bởi, một viên thuốc có thể trải qua nhiều khâu sản xuất, mỗi khâu thực hiện ở một nước khác nhau, tạo điều kiện cho bọn tội phạm tuồn hàng giả vào chuỗi sản xuất. 

Lợi nhuận từ sản xuất và buôn bán thuốc giả được cho là lớn hơn cả buôn bán ma túy nên cũng dễ hiểu khi thuốc giả đang ngày càng phổ biến hơn. Theo WHO, khoảng 10 đến 30% dược phẩm được phân phối tại hầu hết các nước thế giới thứ 3 là giả và ngành công nghiệp này đang phát triển với tốc độ đáng báo động, thậm chí còn nhanh hơn cả các công ty dược phẩm hợp pháp vốn thu về khoảng 217 tỷ USD mỗi năm.

Năm 2017, WHO đã phân tích các mẫu thuốc và phát hiện ra rằng 10,5% thuốc lưu hành ở các nước thu nhập thấp và trung bình là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn. Một số ước tính khác thậm chí đưa ra con số rằng từ 30 đến 70% các loại dược phẩm ở các nước đang phát triển là thuốc giả. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này là khoảng 7%. 

Ông Geoffroy Bessaud (người đứng đầu bộ phận chống thuốc giả ở công ty dược Sanofi của Pháp) cũng cho rằng việc kinh doanh thuốc giả lan rộng vì lợi nhuận lớn mà nó mang lại. “Chỉ cần đầu tư 1.000 USD là đã có thể mang lại 500.000 USD, trong khi đầu tư vào ma túy hay tiền giả mang lại khoản lợi nhuận khoảng 20.000 USD”, ông Bessaud nói. 

Đọc thêm