Tiếng đàn T’rưng và những tục lệ độc đáo của người Xê Đăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đồng bào dân tộc Xê Đăng (hay Xơ Đăng) ở tỉnh Kon Tum có nhiều nét văn hóa dân gian rất độc đáo. Trong số đó, phải kể đến kho lúa, chòi canh rẫy, máng nước, các hình nộm đuổi chim trên rẫy…
Tiếng đàn T’rưng và những tục lệ độc đáo của người Xê Đăng

Tiếng đàn “ăn rẫy, ngủ rẫy”

Theo tập quán canh tác lâu đời, trước đây, mỗi năm đồng bào dân tộc Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum chỉ làm một mùa rẫy, bắt đầu từ đầu mùa khô đến cuối mùa mưa hàng năm. Mùa giữ rẫy của họ thường vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, đúng thời kỳ phát triển quan trọng nhất của cây lúa khô khi làm đòng, trổ bông, kết hạt.

Các già làng ở xã Đắk Long (huyện Đắk Hà) kể, ngày xưa, rừng núi còn hoang vu nên làm rẫy thì dù ở gần hay ở xa đều là nơi chim, thú rình rập. Mùa lúa trổ cũng là lúc nhiều con chim, con chuột đến phá. Lên rẫy đuổi chim, đuổi chuột để giữ lúa, các chàng trai thường tranh thủ lấy tre nứa, dây mây làm đàn T’rưng. Đánh đàn T’rưng không chỉ cho vui những ngày “ăn rẫy, ngủ rẫy”, mà âm thanh réo rắt của nó cũng khiến lũ chuột, lũ chim phải tránh xa.

Và, nhờ đánh đàn T’rưng giữ rẫy mà không ít trai gái làng đã thành đôi. Bởi như các già làng ở xã Đăk Long bảo: “Con gái đi lấy măng, kiếm nấm bờ rẫy nghe tiếng đàn, nó thích, nó thương luôn…”. Khi đã về chung một nhà, vợ chồng cùng giữ rẫy, tiếng đàn T’rưng càng trở nên thân thương gắn kết.

Đàn T'rưng đóng vai trò trong đời sống của người Xê Đăng
 Đàn T'rưng đóng vai trò trong đời sống của người Xê Đăng

Theo thời gian, tiếng đàn T’rưng không còn trên rẫy gần, rẫy xa. Tuy vậy, giọng đàn quyến rũ, đáng yêu ấy vẫn được trao truyền cho lớp con cháu đi sau giữ lấy. Không chỉ tập tành riêng lẻ, bây giờ có những lớp dạy chế tác và sử dụng đàn T’rưng được mở ra, thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có cả già, trẻ, trai, gái.

Dân tộc Xê Đăng có nhiều cách giữ rẫy như: làm hình nộm tre, hình rơm, làm dàn ống nứa, ống lồ ô phát ra tiếng động mạnh để đuổi chuột, đuổi chim. Chính vì thế, giữ rẫy không chỉ đơn thuần để đuổi các con vật, bảo vệ mùa màng no ấm, mà còn là nét đẹp văn hóa bình dị trong lao động sản xuất và đời sống tinh thần của người dân sống nhờ vào rừng vào núi. 

Độc đáo kho lúa

Do sống chủ yếu dựa vào nguồn lương thực chính là lúa nên đối với người Xê Đăng, kho lúa là không thể thiếu được trong mỗi gia đình và cộng đồng làng. Bởi đó là nơi cất giữ và cung cấp nguồn thức ăn chính nuôi sống cả gia đình họ trong suốt một năm, thậm chí cả mấy năm nếu gặp những năm mất mùa.

Người Xê Đăng ở xã Ngọc Linh (huyện Đắk Glei) cư trú trên những vị trí rất cao. Trong khi đó, lúa được canh tác ở khu vực triền đồi nên kho lúa thường được làm ở gần với rẫy lúa hơn để tiện cho việc vận chuyển khi thu hoạch.

Kho lúa của người Xê Đăng ở xã Ngọc Linh thường được làm vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7. Để làm hoàn chỉnh một kho lúa mất khoảng một tuần. Việc đầu tiên là phải chọn đất. Già làng là người đại diện cho dân làng đi chọn một đám đất, khi đã tìm được đám đất ưng ý, già về báo cho cả làng biết. Sau đó, các gia đình trong làng tự chọn một vị trí thích hợp để làm kho lúa cho gia đình mình trên mảnh đất già làng đã chọn. 

Họ lấy một loại cây rừng mà người Xê Đăng nơi đây gọi là cây C’lanh cắm vào vị trí đất đã chọn, rồi bẻ gập về một hướng. Buổi tối hôm đó, trong giấc ngủ, nếu mơ thấy điều tốt thì các gia đình sẽ chọn ngày làm kho lúa, ngược lại thì phải chọn vị trí khác để làm.

Người Xê Đăng nơi đây thường lấy gỗ dổi để làm khung kho lúa. Kho lúa ở đây thường có kích thước khoảng 2,5m x 1,2m. Xung quanh được thưng bằng nứa. Nứa sau khi chặt về được chẻ nhỏ thành từng nan hoặc chẻ đôi và đập dập, sau đó đan khít lại với nhau thành từng tấm. Mái kho lúa thường được lợp bằng tranh. Tranh thường được cắt vào tháng 12, vì thời gian này tranh đã già và khô nên cắt về lợp luôn, chứ không phơi.

Một kho lúa của người Xê Đăng ở xã Ngọc Linh
 Một kho lúa của người Xê Đăng ở xã Ngọc Linh

Khung kho lúa thường được để trơn hoặc được khắc các họa tiết hoa văn. Các họa tiết hoa văn ở đây chủ yếu là chữ W, hình sao cách điệu. Màu sắc thể hiện trên hoa văn chủ yếu là màu đen. 

Màu đen được người Xê Đăng lấy từ một loại đá đen sẵn có trong tự nhiên và lá cây lách, rồi giã nát, mịn và trộn lẫn với nhau, sau đó cho một ít nước vào và bôi lên hoa văn. Các họa tiết hoa văn ở đây không chỉ để trang trí cho kho lúa, mà nó còn có tác dụng làm cho các loại thú thấy sợ không dám đến gần.

Kho lúa được làm cách mặt đất từ 60 - 80cm. Có một số kho lúa người ta làm hình một số con vật hung dữ, rồi treo ở dưới gầm để cho chuột và các loài động vật không dám đến gần kho lúa. Điều này là vì người Xê Đăng kiêng cữ việc các con vật vào phóng uế dưới gầm kho lúa, đặc biệt là mèo rừng. 

Kho lúa không chỉ là nơi cất giữ, bảo quản hoa màu, lương thực, mà nó còn là một công trình kiến trúc độc đáo của người Xê Đăng nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung.  

Lạ lùng lễ bắc máng nước

Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Xê Đăng ở xã Đắk Sao (huyện Tu Mơ Rông) tổ chức nghi lễ bắc máng nước để cầu xin nước về dồi dào, phục vụ cho cuộc sống. Lễ bắc máng nước thường được tổ chức mỗi năm 2 lần. Một lần vào tháng 10 hoặc 11, sau khi thu hoạch vụ mùa, chuẩn bị ăn lúa mới và một lần vào tháng 3 hoặc 4, trước khi tỉa lúa.

Để chuẩn bị lễ bắc máng nước, trước tiên, già làng cùng nam giới đại diện cho các gia đình cầm dao, rựa vào rừng tìm nguồn nước. Khi tìm được nguồn nước, già làng cho người chặt một cây nứa làm thanh ngang bắc qua nguồn nước. 

Già làng bắt một con ốc đặt vào đầu bên trái của thanh ngang và khấn. Nếu con ốc bò sang bên phải là thần nước đồng ý cho dân làng sử dụng nguồn nước. Nếu con ốc không chịu bò qua, hoặc quay đầu lại, tức là thần nước không cho phép dùng. Do vậy, họ phải tìm vị trí mới hoặc nguồn nước khác.

Khi chọn được nguồn nước và xác định rõ vị trí đầu nguồn, già làng cho người chặt lồ ô làm cây để đánh dấu. Phụ nữ được giao nhiệm vụ phát quang bụi rậm, làm cỏ sạch sẽ 2 bên đường và làm trụ đỡ máng nước. Trụ đỡ máng nước thường được làm bằng thân cây nứa, cây le thật già, đảm bảo độ bền chắc để có thể sử dụng được lâu. 

Cô gái Xê Đăng hứng nước mang về làng
 Cô gái Xê Đăng hứng nước mang về làng

Đàn ông được phân công chặt lồ ô làm máng dẫn nước. Những cây lồ ô được chọn phải to và già. Các mắt ống lồ ô được khoét lỗ cho thông dòng. Đầu nguồn nước được đào một cái hố trũng, làm thành chiếc bể chứa nước bằng đất để nước đọng vào đó, trước khi chảy theo ống dẫn.

Trước khi bước vào nghi lễ chính thức, ở đầu nguồn và cuối nguồn nước, già làng cho dựng cột gâng (tương tự như cây nêu của một số dân tộc thiểu số). Trên cột, treo 13 hoặc 9 vòng tròn nhỏ cũng làm bằng lồ ô và được nối vào nhau, tượng trưng cho sự no đủ, sức khỏe của dân làng, sự tốt tươi của hoa màu, sinh sôi, phát triển của vật nuôi.

Theo phong tục của người Xê Đăng, con dúi là vật hiến sinh bắt buộc, không thể thiếu trong nghi lễ bắc máng nước. Đây là con vật đem lại may mắn, mang lại no ấm cho dân làng, không bị chuột bọ phá hoại mùa màng. Già làng đốt gỗ thông, hương thơm tỏa ra thì cắt lấy tiết con dúi đựng vào ống lồ ô để cúng cho thần. Già làng cầm ống lồ ô có chứa tiết dúi, đứng trước máng nước và khấn. 

Dứt lời khấn, già làng khai thông cho nước chảy vào máng và cầm ống tiết dúi đổ từ từ trên đầu máng nước cho chảy xuôi về cuối máng nước của làng. Khi tiết dúi được hòa quyện với dòng nước, phía cuối nguồn nước, vợ của già làng là người lấy nước đầu tiên, đựng trong quả bầu to, sau đó bà chia nước cho các hộ gia đình khác mang về sử dụng. Dân làng phấn khởi dùng nước tạt vào nhau để cầu may mắn cho bản thân và cộng đồng. 

Đọc thêm