Từ xa xưa, Khu bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray trải dài trên hai địa phận huyện Ngọc Hồi và huyện Sa Thầy (đều thuộc tỉnh Kon Tum) đã tồn tại biết bao điều kỳ bí. Tất cả những câu chuyện đó đều được người dân truyền tai cho nhau nghe. Chưa có một cuốn sách nào hay một nghiên cứu khoa học cụ thể nào khẳng định những chuyện kỳ bí trên là có thật, nhưng vì sao những câu chuyện ấy vẫn trường tồn qua thời gian?
Cuộc sống bình yên của đồng bào Rơ Mâm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bỗng nhiên bị xáo trộn sau ngày bắt gặp một “nhóm người lạ” trên núi Chư Nâm Rai (thuộc Khu bảo tồn Chư Mom Ray). Chúng thấp hơn người thường, có tiếng nói líu lo như con chim rừng, tiếng hú vang xa nhiều núi đồi...
“Người lạ” này đến suối lùng sục ếch nhái, côn trùng và dùng tay chẻ ngọn song rừng mà ăn. Điều đặc biệt là chúng đi thẳng bằng hai chân, thân người phủ một lớp lông mỏng màu xám và không có đuôi. Đồng bào nơi đây cho rằng, bọn chúng là “người rừng không đuôi” đến để bắt con người về ăn thịt.
Huyền thoại về “người rừng không đuôi”
Đứng từ làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) nhìn về phía cánh rừng Chư Mom Ray thấy bạt ngàn một màu xanh thẳm với núi đồi trùng điệp nối đuôi nhau. Bao nhiêu năm nay, người Rơ Mâm ở nơi đây vẫn tin rằng, trong khu rừng ấy có nhiều chuyện bí ẩn, từ chuyện cây thần đưa người xấu đi lạc đường, cho đến “người rừng không đuôi” ẩn hiện trong các hang đá giữa đại ngàn xa xăm.
Đêm đến, thung lũng Mô Rai chìm trong sự bình yên, tĩnh mịch đến lạ thường. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn nghe già làng, thôn trưởng kể về những chuyện trong khu rừng thiêng mà thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng tắc kè kêu sau nhà. Và ở bên ngoài kia, những tiếng muông thú đang gầm rú khiến cho câu chuyện càng trở nên huyền bí.
Bên bếp lửa bập bùng, già Guông (SN 1942, ngụ làng Le, xã Mô Rai) trầm giọng kể lại: “Hàng thế kỷ nay, người dân Rơ Mâm chúng tôi quanh năm chỉ biết vun sới cho cây đậu, cây bắp trên rẫy. Đến khi công việc nhà nông đã tạm ổn thì đàn ông vào rừng lấy cây song, cây lồ ô về làm gùi, đàn bà con gái thì lên rừng hái măng để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cuộc sống của đồng bào quanh năm chỉ biết bám lấy rẫy, bám lấy rừng, vì thế thời gian cứ trôi đi trong lặng lẽ và sự yên bình. Cho đến một ngày, sự bình yên bỗng nhiên bị đảo trộn mà thay vào đó là nỗi lo lắng, ngờ vực thường trực suốt một thời gian dài”.
|
Già Guông kể lại sự việc |
Sau khi châm thuốc vào tẩu, rít một hơi thật dài, già Guông tiếp nối câu chuyện: Cách đây vài chục năm, già của tôi (cha của già Guông - PV) là một trong những người đã trực tiếp nhìn thấy “người rừng không đuôi”. Đó là một buổi sáng tinh mơ, những vạt mây sớm vẫn còn đậu trên những ngọn cây, nhưng cả làng Le đã bị đánh thức bởi đám gà rừng gáy vang trên núi. Già cùng mấy thanh niên làng chuẩn bị vén đường đi đến khu rừng có những bụi song để lượm cây tốt nhất về làm đồ dùng sinh hoạt thì bỗng dưng nghe thấy vài tiếng hú lạ.
Tiếng hú vang vọng cả cánh rừng khiến cho mọi người phải chú ý. Không ai biết nó là tiếng của con gì, nhiều năm sống ở làng Le, làm bạn với khu rừng nhưng chưa bao giờ nghe tiếng hú nào lạ như thế. Nó không giống tiếng con người, cũng không phải tiếng hú của thú rừng. Mọi người đều tò mò muốn biết xem đó là thứ gì vì thế một cuộc họp ngắn đã diễn ra ngay tại bìa rừng.
Sau khi họp bàn, tất cả nhóm cùng đồng ý đi đến nơi phát ra tiếng lạ. Trước khi xuất phát, mọi người đều kiếm cho mình một cây rừng làm vũ khí. Họ dặn dò nhau phải đi sát nhau, di chuyển thật nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động mà con vật lạ bỏ chạy. Cũng không được tự ý tách khỏi nhóm, vì có thể gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác.
Sau một hồi lâu lần mò, rẽ rừng mà đi, cả nhóm đã tiến sát về nơi phát ra tiếng hú. Thật bất ngờ vì xuất hiện trước mắt họ là một nhóm 4-5 con vật lạ, chúng đang ở giữa bãi cây song rừng. Họ quan sát kỹ, thấy chúng có mặt hao hao giống người, vóc dáng nhỏ bằng một thiếu niên Rơ Mâm, cao khoảng hơn 1 mét, người có lông màu xám. Điều đặc biệt là chúng đi bằng hai chân như con người, dùng tay để bẻ cây song rừng lấy lõi ăn và không có đuôi.
Khi đang mon men tiến lại gần để trông rõ hơn thì đám con vật lạ phát hiện ra. Chúng tiến đến nhe răng, tấn công trai làng khiến cho tất cả hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Không ai còn nhớ những giao ước trong cuộc họp ngắn, người nào cũng chạy bán sống, bán chết, không dám ngừng nghỉ. Cũng may, vì cả đám người đi rừng đó đều là những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thông thuộc rừng Chư Mom Ray nên tất cả đã nhanh chóng thoát khỏi cánh rừng.
Về đến tận làng họ mới biết mình còn sống. Chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả đều tụ tập ở nhà già làng để báo cho người đứng đầu làng biết chuyện. Già làng nghe chuyện xong tiến hành họp cả làng để báo cho bà con làng Le biết. Già làng còn dặn dò, từ nay khi mọi người đi rừng phải tránh xa khu có những cây song. Đàn bà con gái vô rừng phải đi từng nhóm, có trai làng đi theo và mang theo vũ khí. Trong nhóm người đi cùng phải có người mang theo tù và (vật dụng báo động của người dân tộc Tây Nguyên - PV), phòng khi phát hiện ra đám con vật lạ kia để báo động cho cả làng được biết mà có biện pháp ứng phó.
Không lâu sau đó, dân làng Rơ Mâm lại được một phen bàn ra tán vào về chuyện một người đàn bà dân tộc Jrai, sống độc thân ở làng bên cạnh đi rừng Chư Mom Ray bắt được một con thú lạ. Con thú ấy chỉ nhỏ bằng cái bắp chuối, có hình thù giống người, không có đuôi. Người đàn bà này đem nó về nhà nuôi nhưng nó chỉ khóc, dỗ thế nào cũng không chịu nín, nó cũng không chịu ăn cháo bắp, cây măng.
Một lần bà này đem con vật lạ ra suối tắm thì thấy nó chộp lấy con nhái ăn nhấu nghiến, nó còn gặm cả ốc suối nữa. Sau một thời gian, con vật lạ này lớn rất nhanh, nhưng nó chén sạch đàn gà của chủ nhà. Nó còn hú về đêm, tiếng hú nghe ghê rợn khiến cả làng hoảng sợ. Trước áp lực của người dân, sáng hôm sau bà này đã phải gùi lên rừng, thả cho nó đi.
Bắt con người về ăn thịt?
Cũng theo già Guông, thì cho đến nay trong rừng Chư Mom Ray vẫn còn nhiều hang sâu trên núi cao, con suối dưới vực thẳm vẫn chưa có người đặt chân đến. Chỉ cần đi sâu vào rừng sẽ bắt gặp rất nhiều con thú như sóc, thỏ, nai lởn vởn chạy qua ngay trước mặt. Trong rừng cũng có các loại cây quí hiếm có tuổi hàng trăm năm như giáng hương, cẩm lai, gụ, căm xe, sao xanh xuất hiện rải rác ở khắp nơi, nhiều gốc to đến mức cả mấy vòng tay người ôm.
Hồi đất nước còn chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Chư Nâm Rai có một bãi đáp dã chiến của máy bay trực thăng quân sự. Bọn lính biệt kích thường bất ngờ đổ bộ xuống để truy quét cộng sản và nhằm vơ vét những thứ quý báu trong rừng mang đi. Có một hôm, bọn lính này đã tình cờ phát hiện một người rừng có lông lá như khỉ nhưng không có đuôi. Bọn lính phải vất vả dùng lưới để chụp bắt rồi lấy trực thăng chở đi mất. Một thời gian sau thì bọn lính này lại phát hiện thêm một bộ xương khô giống xương người, nhưng có bàn chân rất dài và mọc ngược ra phía sau.
Trong khi sự kiện “người rừng không đuôi” xuất hiện giữa rừng nguyên sinh vẫn còn đang nóng hổi với người đồng bào Rơ Mâm thì không lâu sau đó có hai người dân trong làng đi rừng không thấy trở về. Cả làng Le đã đốt đuốc đi tìm mấy ngày liền nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Hàng loạt các cuộc họp diễn ra ở nhà rông, với các ý kiến khác nhau.
Một nphát biểu được cho là hợp lý và nhiều người tán thành nhất là do “người rừng không đuôi” bắt mất. Cũng có người thắc mắc, nó bắt để làm gì? “Nó có thể ăn con nhái, ăn con gà thì cũng có thể ăn con người được”, một người suy luận. Chắc là vậy, mọi người gật gù tán thành.
Thế là luồng thông tin “người rừng không đuôi bắt con người về ăn thịt” đã được công bố rộng rãi, ai cũng cho rằng như thế là hợp lô-gic. Sự mất tích bí ẩn của 2 người trong làng thực sự làm cho dân làng Le hoang mang, lo lắng. Sau bữa đó, không một người dân làng Le nào dám bén mảng lên núi Chư Nâm Rai nữa. Cứ khi mặt trời xuống núi là nhà nào, nhà nấy then cài, cửa đóng. Đám người lớn không dám ngủ, đốt lửa trông trẻ con cho đến tận sáng.
Sự việc còn tệ hại hơn khi những con vật trong nhà như gà, dê, lợn bỗng dưng bị mất sạch với những vệt máu dài. Thế là, dân làng đinh ninh thủ phạm của những vụ bắt gà, lợn chính là “người rừng không đuôi”. Chẳng còn ai dám nuôi con vật gì nữa.
Buôn làng khi ấy vắng hẳn những con thú. Già làng họp dân và đề ra phương án ban ngày cắt cử một đám thanh niên tự vệ trông trẻ con ở nhà rông, đêm đến một đám khác đốt lửa bảo vệ làng. Vì thế mà dân làng Le đã được sống trong sự bình yên.
Nhưng cũng thật lạ, từ đó người dân làng Le không còn gặp “người rừng” nữa. Buôn làng trở về những tháng ngày bình yên, mọi người lại nuôi con thú để tăng gia sản xuất.
Thời gian trôi qua, chuyện về “người rừng không đuôi” cũng lắng xuống dần. Dân làng Le lại rủ nhau vào rừng hái măng, nhưng không ai dám đi một mình cả. Từ đó, không còn cuộc gặp nào với người rừng nữa. Nhưng tất cả mọi người vẫn tin ở nơi nào đó trong cánh rừng bạt ngàn kia vẫn còn sự tồn tại của “người rừng không đuôi” với lời đồn bắt con người về ăn thịt.
Những cuộc truy tìm “người rừng”
Theo tìm hiểu được biết, trước đây “người rừng” cũng đã được nhắc đến trong những ghi chép của một phóng viên người Pháp. Cụ thể, vào năm 1947, một bản báo cáo từ phóng viên này ghi: “Giữa khu rừng của người thiểu số Jrai, Ba Na, và Sê Đăng tại Kon Tum xuất hiện một nhóm người lạ được cho là “người rừng”.
Vào năm 1971, có người thông báo người dân tộc đã bắt được hai “người rừng” gần tỉnh Đắk Lắk. Ở khu vực tỉnh Kon Tum còn lưu truyền câu chuyện lính Mỹ bắn chết một người rừng. Lúc ở sân bay trực thăng dã chiến, lính Mỹ đã đặt xác “người rừng” trong chiếc võng. Họ thấy đây thực sự là một người rừng khổng lồ, cao gần 2 mét”.
Trong khi đó, tại lâm trường Bắc Sa Thầy có một khu rừng được gọi là “rừng đười ươi”. Nhân viên của lâm trường từng nhìn thấy dấu chân của cả một gia đình đười ươi. Khoảng năm 1980, hai nhân viên kiểm lâm đã tận mắt ngắm “người rừng” từ vị trí rất gần. Thoạt đầu, họ tưởng đó là gấu, nhưng tiến sát lại gần, lại thấy nó đứng thẳng bằng hai chân, tóc xõa ngang lưng, đang rung một thân cây để nhặt trứng chim rơi xuống.
Còn những cư dân ở vùng núi phía Bắc cũng kể về những cuộc gặp gỡ với “người rừng”. Đó là một con khỉ giống y như người, tiếng Thái gọi là Pì coong cói (hay Ma coong cói), cao khoảng 1,5m. Nó không phải là khỉ vì không có thói quen ăn đêm, người đầy lông lá, bước đi rất nhanh trên hai chân đứng thẳng.
Những luồng thông tin về “người rừng” đã thu hút các nhà khoa học vào cuộc tìm kiếm. Năm 1980 thì nhóm khảo cứu người Pháp cùng người Việt đến khu vực Chư Mom Ray này, họ mướn voi và dân chúng đi theo dấu vết “người rừng”. Nhưng sau một thời gian thì đoàn khoa học trên đã phải trở về tay trắng. Cũng có một nhóm khoa học người Nhật đã đến nhiều ngôi làng, vào tận nơi “thâm sơn cùng cốc” để truy tìm “người rừng” nhưng cũng không có kết quả gì.
Có thể thấy, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đến đây để mong tìm kiếm dấu vết và nghiên cứu về “người rừng không đuôi” nhưng đến nay vẫn chưa ai giải đáp nổi bí mật này. Các đoàn khoa học của nước ta đã vào tận nơi để tìm hiểu, cũng đã công bố sự đa dạng sinh học ở Chư Mom Ray hầu như không thua kém bất cứ khu rừng nguyên sinh quí hiếm. Trong rừng có loài đười ươi, hoặc loài vượn không đuôi rất giống với những miêu tả trên. Cũng vì thế mà một nhà động vật bí ẩn học người nước ngoài đã có thuyết đầu tiên giải thích về sinh vật hình người bí ẩn này cho rằng “người rừng” là phần còn sót lại của nhóm người vượn đứng thẳng.
Vén màn bí ẩn
Để hiểu rõ hơn những luồng thông tin xoay xung quanh “người rừng không đuôi”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông A Dối (SN 1952, ngụ tại làng Le, xã Mô Rai), ông Dối cho hay: “Đúng là chuyện về “người rừng không đuôi” tồn tại trong đời sống văn hóa của của người Rơ Mâm chúng tôi từ nhiều đời nay. Người dân làng Le vẫn tin ở trong những cánh rừng bạt ngàn kia có sự tồn tại của “người rừng không đuôi”. Và họ tin tổ tiên của mình đã được gặp gỡ loài vật này. Tuy nhiên sự thật về sự tồn tại của “người rừng không đuôi” như thế nào thì vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ”.
“Còn chuyện “người rừng không đuôi” bắt con người về ăn thịt chỉ là suy đoán, không có bất cứ một bằng chứng cụ thể nào cả. Theo cá nhân tôi thì rất có thể 2 người làng bị mất tích trong rừng do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là bị mất mạng do ngã xuống vực sâu, do hổ vồ, hoặc rắn độc cắn.Vì khu rừng quá rậm rạp nên không tìm thấy xác của họ. Thứ hai là do họ không còn yêu thung lũng Mô Rai, không còn yêu đồng bào Rơ Mâm này nữa nên đã âm thầm rời làng đi. Sợ bị phát hiện nên họ đã chọn cách đi theo đường rừng.
|
Đỉnh Chư Nâm Rai nơi được cho là phát hiện “người rừng không đuôi” |
Dù gì thì những câu chuyện liên quan đến đám “người rừng” cũng xảy ra từ xa xưa, khó mà nắm bắt thực hư như thế nào. Vào mỗi dịp hội hè, ăn uống là người Rơ Mâm lại lấy chuyện đó ra kể với nhau cho vui, rồi ngồi uống rượu cho tới tận sáng cho nên cứ tưởng như câu chuyện còn mới mẻ như ngày hôm qua vậy”, ông Dối phân tích.
Ông Rơ Châm Hỷ (Cán bộ xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) cũng cho biết: “Chuyện về “người rừng không đuôi” có nguồn gốc từ tổ tiên của người Rơ Mâm. Thế nhưng thực hư như thế nào thì vẫn chưa rõ lắm. Tất cả mọi chuyện chỉ được truyền miệng, có khi nó đã được thêm bớt đi ít nhiều”.
Trên bản đồ địa lý, trong khu bảo tồn rừng Chư Mom Ray thì đỉnh Chư Nâm Rai có độ cao khoảng gần 1.800m. Khí hậu ở đây rất lạnh và từ sau chiến tranh đến giờ rất ít khi con người đặt dấu chân lên vì đỉnh núi này rất hoang sơ, có nhiều thú dữ và đặc biệt là có những đoạn dốc đứng nguy hiểm. Cũng vì khu rừng còn nhiều người chưa từng đặt chân đến cho nên có thể sự tồn tại của các loài vật quý hiếm giống với miêu tả của đồng bào nơi đây.
Trong khi các nhà khoa học vẫn còn đưa ra giả thiết với những nghi vấn từ những chứng cứ cụ thể thì câu chuyện về “người rừng không đuôi” của đồng bào Rơ Mâm vẫn đang được che phủ trong màn sương huyền thoại. Thế hệ con cháu của làng Le sau này được những người già kể lại về sự việc trên, vì thế mà chuyện về “người rừng không đuôi” đã trở thành một trong những câu chuyện bí ẩn của dân làng Le. Huyền thoại về người rừng không đuôi đã trở thành một câu chuyện đãi khách vào mỗi dịp có người ghé thăm làng.