Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Nhắc đến lương y Nguyễn Khắc Dưỡng, người dân ở thị trấn La Hà và các vùng lân cận không ai là không biết. Họ ví ông là “bụt” giữa đời thường, bởi tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người nghèo của ông. Ngôi nhà của lương y không chỉ là địa chỉ quen thuộc người dân đến mỗi lúc ốm đau mà còn là nơi họ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia để vượt qua cảnh khốn khó, ngặt nghèo.
Lúc chúng tôi tìm đến, bên trong ngôi nhà giản dị, lương y Dưỡng đang tiếp và chữa bệnh cho từng người. Ông không phân biệt người quen, kẻ giàu, cứ chữa bệnh, bốc thuốc theo thứ tự. Bệnh nhân tìm đến ông thường mắc các bệnh tai biến vận động, bệnh của người cao tuổi và một số bệnh nan y khác. Nhiều người bệnh cho biết, lương y Dưỡng vừa chữa bệnh hiệu quả, vừa có lòng thương người, chữa bệnh nhưng không lấy tiền công. Với người nghèo, ông còn cho thuốc miễn phí.
“Tôi bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương cột sống cổ, đi bệnh viện khám và uống thuốc mấy lần nhưng không khỏi. Nhà nghèo còn chạy ăn từng bữa, biết là bệnh ngày một nặng nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không đến bệnh viện nữa mà đành sống chung với bệnh tật. Cách đây một tháng, có người quen giới thiệu lương y Dương chữa bệnh rất giỏi, lại miễn phí nên tôi tìm đến nhờ giúp đỡ.
|
Ông Dưỡng (phải) cấp học bổng hàng tháng cho học sinh nghèo |
Được lương y châm cứu, tiêm thuốc và cho thuốc uống nên bệnh tình của tôi đỡ rất nhiều. Tôi biết ơn lương y vô cùng”, anh Trần Văn Tâm (SN 1980, ngụ xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) cho biết.
Lương y Dưỡng là một đông y sĩ, tốt nghiệp Trường Y dược dân tộc TP.HCM, nay là Khoa Y học cổ truyền của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Gắn bó với nghề thầy thuốc tròn 20 năm cũng là ngần ấy thời gian ông giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn, không có điều kiện chữa trị được khởi bệnh. “Bệnh nhân của tôi chủ yếu là người dân nghèo. Đã vậy, họ lại mang bệnh tật, không có tiền chữa trị. Vậy nên tôi giúp được gì thì giúp. Tùy hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân mà tôi hỗ trợ từ 30 đến 100% chi phí. Còn với trẻ em dưới 10 tuổi thì tôi chữa trị miễn phí”, lương y Dưỡng cho biết.
Trong quá trình điều trị, lương y Dưỡng luôn khuyên các bệnh nhân phải thông suốt trong suy nghĩ. Điều trị bệnh thì trong thâm tâm phải có một niềm tin lớn vào cuộc sống, luôn luôn lạc quan rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Với lương y Dưỡng, giúp đỡ một người không chỉ là giúp họ khỏi về mặt thể chất mà còn phải giúp đỡ họ có một tư tưởng tốt và có niềm tin vào cuộc sống. Đả thông được suy nghĩ, lạc quan trong cuộc sống tức là góp phần lớn giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
“Sứ mệnh của người thầy thuốc là cứu người, coi họ như người thân của mình. Vì vậy, phần thưởng lớn nhất của tôi khi làm thầy thuốc chính là chứng kiến sự bình phục của bệnh nhân. Họ khỏe, tôi cũng thấy an lòng, còn của cải vật chất không phải mục đích chính của tôi”, lương y Dưỡng chia sẻ.
Tại vườn nhà, lương y Dưỡng dành trọn 5 sào đất để trồng hàng trăm loại thuốc quý như: gai mèo, cà gai leo, đinh lăng, rểquạt, đồng nữ, dừa cạn, rể gai, tía tô... Mục đích chính là để có nguồn thuốc an toàn, chất lượng.
Đặc biệt, từ những kiến thức, kinh nghiệm đúc kết, lương y Dưỡng say mê nghiên cứu, phối hợp những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, vừa giúp tiết kiệm tối đa chi phí chữa bệnh, vừa bảo tồn các bài thuốc dân gian khai thác từ những loại thảo dược.
Lập quỹ học bổng cho trò nghèo
Không chỉ là một thầy thuốc tận tâm với nghề, chữa trị miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn mà gần 12 năm qua, lương y Dưỡng còn đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với tấm lòng của mình, ông đã giúp các em có thể yên tâm bước tiếp con đường phía trước, vẽ tiếp những ước mơ còn đang dang dở.
Lương y Dưỡng thành lập quỹ học bổng giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2008. Nguyên do ông thành lập quỹ này gắn xuất phát từ nỗi bất hạnh của cô bé Trịnh Thị Xuân Hương ở địa phương.
Thời điểm đó, Hương đang học lớp 8, người nhà bị tai nạn giao thông, kinh tế gia đình cạn kiệt, em đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Thấy hoàn cảnh của Hương quá đáng thương, sau nhiều đêm suy nghĩ, lương y Dưỡng quyết định giúp đỡ và hỗ trợ em học hết lớp 12. Cũng từ đó, ông có một nỗi trăn trở là làm sao để giúp cho các em học sinh nghèo có thể tới trường và không phải dang dở giấc mơ.
“Muốn chia sẻ và nâng bước các cháu học sinh nghèo, tôi quyết định thành lập quỹ học bổng này và duy trì cho đến nay. Số tiền học bổng được tôi chia ra thành từng tháng, mỗi tháng 200 nghìn đồng cho đến lúc các cháu học hết lớp 12. Hiện tại, tôi đang hỗ trợ cho 7 cháu. Cao điểm nhất, có tháng 20 cháu được hỗ trợ. Từ ngày thành lập cho đến nay cũng đã hơn 80 cháu được giúp đỡ”, lương y Dưỡng cho biết.
Cháu Lê Thị Thanh Vân (SN 2009, ngụ thị trấn La Hà) có mẹ mắc bệnh thần kinh, cha cơ thể suy yếu không có khả năng lao động nặng nhọc, anh trai bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Biết được hoàn cảnh cháu, lương y Dưỡng đã tìm đến nhà và nhận giúp đỡ cháu đã hơn một năm nay. Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện để cha cháu làm việc bán thời gian ở vườn thuốc của mình.
“Gia đình tôi rất biết ơn lương y Dưỡng. Lương y không chỉ hỗ trợ hàng tháng cho con gái tôi, tạo điều kiện cho tôi làm việc mà còn chữa bệnh miễn phí cho vợ chồng tôi. Được giúp đỡ, tôi luôn dặn con gái cố gắng học thật giỏi để đền đáp lại lòng tốt của lương y”, anh Lê Văn Liễu (SN 1971, cha cháu Vân) xúc động cho biết.
Hay như hoàn cảnh của cháu Võ Minh Tiến (SN 2008, ngụ xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) cũng thật đáng thương. Cháu Tiến có mẹ mắc bệnh hiểm nghèo và mất ngay khi cháu vừa lọt lòng. Cha đi bước nữa, từ đó đến nay, cháu và anh trai ở với ông bà nội. Ông bà già yếu không có khả năng lo cho cháu nên lương y Dưỡng đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho cháu đến hết lớp 12.
Lương y Dưỡng bảo, dù số tiền trích ra mỗi tháng không nhiều nhưng đó là động lực, chỗ dựa tinh thần cho các em cố gắng vượt qua khó khăn. Điều ông chú trọng nhất chính là định hướng giáo dục. Vì thế, ông luôn cố hết sức để theo sát và chia sẻ cùng các em, góp ý để các em có nhận thức đúng về con đường tương lai, trở thành người có ích cho xã hội.
Trong căn phòng làm việc của mình, lương y Dưỡng vẫn lưu giữ những bảng thành tích học tập của từng em, cuốn sổ ghi chép thông tin về hoàn cảnh bất hạnh của các em nhận được hỗ trợ từ ông. Và chắc chắn, tương lai cuốn sổ sẽ dày lên từng ngày.
Lúc chúng tôi ra về, lương y Dưỡng bảo, làm thầy thuốc thì không có tuổi nghỉ hưu, còn sức khỏe thì ông vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người. Ông cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến khi nào còn có thể...