Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nếu tôi chết - gia tài để lại/ Thơ mấy bài nào có gì đâu/ Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ/ Cắm trên mồ cho được bền lâu… Đó là những vần thơ được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tiên tri về sự ra đi của ông từ 30 năm trước, để rồi ngày 20/4 vừa qua, ông đãđột ngột từ giã cõi trần trongniềm tiếc thương vô hạn của người thân, bạn bè.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Nhiều bài thơ được nữ sinh chép tay

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, quê Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông được đánh giá là nhà thơ nổi tiếng viết về tuổi trẻ. Ông cũng được coi là một trong những nhà thơ đại diện viết về chiến tranh thời chống Mỹ. 

Hoàng Nhuận Cầm được đánh giá là nhà thơ có hồn thơ trong trẻo. Ở giọng thơ lưu bút, tuổi trẻ, ông được nhiều người nhắc nhớ. Người ta không đánh giá Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ cách tân, phá cách, nhưng lại là nhà thơ có nhiều người hâm mộ, thuộc thơ.

Sau khi Hoàng Nhuận Cầm rời bỏ trần thế, rất nhiều văn nghệ sĩ, những người bạn của ông đã có những chia sẻ cảm động. Ông là thi sĩ đúng nghĩa, làm gì, nghĩ gì cũng phảng phất thơ. Cuộc đời Hoàng Nhuận Cầm không được ấm êm trong gia đình, khi ông ít nhất có ba lần kết hôn. Nhưng với thơ, Hoàng Nhuận Cầm là người hạnh phúc. Ông được “nàng thơ” đối đãi tử tế, chung thủy. 

Lối thơ Hoàng Nhuận Cầm sáng tác rất phù hợp với trình diễn, tức là đọc to lên trước đám đông. Nhiều nhà thơ có thể có thơ hay, nhưng khi đọc to lên lại không hay như thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Và ông, cũng được đánh giá là người có giọng đọc thơ lôi cuốn, vừa mạnh mẽ vừa trữ tình. Có những lần Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, đã khiến cho đám đông phải chú ý vào điệu bộ và giọng đọc của ông.

Nhiều bài thơ của ông như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... đã hằn sâu vào tâm trí người đọc. Thế hệ ông, ít nhất là như vậy, đã thuộc nằm lòng những câu thơ: “Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say". Đó là những câu thơ của tuổi trẻ, của sự hồn nhiên, đầy ẩn dụ, biểu tượng.

Việc đánh giá về tài năng, sức lâu bền của nhà thơ đến đâu, điều này còn chờ thời gian. Hoàng Nhuận Cầm, ngay lúc này, khi ông ra đi, đã có những lời nhận xét ca ngợi, khẳng định sự tài hoa của ông. Nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ với báo chí về tài thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Hoàng Nhuận Cầm là một trong số không nhiều thi sĩ có người hâm mộ là nữ sinh.

Những cuốn sổ tay một thời nữ sinh thút thít chép thơ giờ dẫu có úa vàng, các nàng đã có chồng thì những bài thơ vẫn còn xanh. Nhiều người làm thơ chỉ hợp một mùa,mùa khác không có cảm xúc, làm không nổi, Cầm thuộc nhóm nhà thơ xúc cảm cả bốn mùa. Bất luận là mùa nào thì nó vẫn cứ rực lên một màu cảm xúc chói gắt, tôi gọi là “màu Cầm” ".

Tập thơ “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm đạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 (ảnh T.L)
Tập thơ “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm đạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 (ảnh T.L) 

Ra đi trong tư thế kiết già

Hoàng Nhuận Cầm sinh ra trong gia đình có cha là nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác, mẹ ông được biết đến là người thuộc nằm lòng nhiều văn thơ cổ điển, ca dao, tục ngữ. Hoàng Nhuận Cầm được biết đến là người làm thơ từ khi dưới đôi mươi, thành danh sớm. Với hơn 50 năm cầm bút, Hoàng Nhuận Cầm đã cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà những tác phẩm đáng nể. Ông đã được tặng những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012 cho lĩnh vực văn học; Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ “Xúc xắc mùa thu”; Giải Cánh Diều Vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam cho kịch bản phim “Mùi cỏ cháy”…

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hoàng Nhuận Cầm thi vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Học chưa xong, ông xung phong nhập ngũ vào Binh chủng Phòng không – Không quân. Hoàng Nhuận Cầm có mặt ở các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Ở thể loại thơ viết trong giai đoạn ác liệt của dân tộc, Hoàng Nhuận Cầm đã kịp để lại dấu ấn trong các bài thơ: Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Thư mùa thu, Anh bộ đội và tiếng nhạc la...

Hoàng Nhuận Cầm vừa ra đi, nhưng có nhiều bạn bè văn nghệ sĩ kể về ông, như thể người ta kể về một người thời cổ tích. Hoàng Nhuận Cầm tham công tiếc việc, biết chăm lo cho người khác, nhưng với bản thân, ông không để ý. Ông làm việc kể cả khi bệnh nặng, không kêu than. Những dự định về nghệ thuật của ông còn dang dở. 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, Hoàng Nhuận Cầm đã tiên tri trước về cái chết của mình. Nguyễn Viết Chiến viết: “Những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình, Hoàng Nhuận Cầm viết cách đây gần 30 năm và tôi cũng không hiểu vì sao anh lại viết những bài có tứ thơ lạ lùng và độc đáo đến vậy. Những bài thơ ấy được in trong tập thơ Xúc xắc mùa thu của anh năm 1992 và được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993. Giờ thì anh đã “Một mai nằm xuống bao la/Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng”.

Đó là những câu thơ: “Nếu tôi chết - gia tài để lại/ Thơ mấy bài nào có gì đâu/ Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ/ Cắm trên mồ cho được bền lâu/ Kẻo bạn về, tôi buồn phát khóc/ Chỉ có hoa thủ thỉ đôi lời/ Đừng đốt nhé nến hồng, nến trắng/ Tôi chết rồi nào thích dạo chơi/ Nếu tôi chết – rượu buồn hãy cạn Thôi lạy người! Uống hộ một ly/ Sống tôi đã như loài cây cỏ/ Chết đừng làm say bắt tôi đi…

Trong điếu văn mà Hội Nhà văn Việt Nam đọc, đánh giá về Hoàng Nhuận Cầm, có chi tiết cho rằng, Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi trong tư thế kiết già, tức ngồi thiền: “Ta luôn thấy ông trẻ trung, lạc quan, ngập tràn tinh thần thi ca với những câu thơ “thức đợi mặt trời” bất cứ lúc nào cũng có thể bùng cháy, cuốn ta vào cơn lốc thi ca bất tận... Thơ ông viết về tình yêu trong trẻo, say đắm và mãnh liệt, đã làm rung động biết bao con tim nhiều thế hệ trẻ. Nhiều bài thơ của ông đã trở thành bản tình ca cho rất nhiều thế hệ thanh niên cho đến tận hôm nay. 

Càng về sau thơ ông càng đẹp sang trọng, có độ vang vọng, với những suy ngẫm sâu sa về thân phận con người. Với bản tính lạc quan của mình, thơ ông khi viết về cái chết thật thanh thản. Phải chăng ông đã giác ngộ được sự hữu hạn, mong manh của kiếp người, để luôn cháy hết mình cho thi ca, nghệ thuật... 

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, người đàn ông tuyệt vời Hoàng Nhuận Cầm đã vĩnh viễn rời xa chúng ta. Xin được nói về giây phút cuối cùng của ông. Hôm đó ông nhận lời đi giao lưu với một đơn vị công binh ở thành phố Ninh Bình. Nhưng thấy trong người mệt khác thường, ông xin hoãn không tham gia được nữa. 15 giờ 17 phút, ông nhắn tin cho con trai là mình không được khỏe, nhưng lại dặn con đừng lo lắng gì. Cuối giờ chiều, nhiều người gọi điện thoại vào máy của ông, chuông đổ nhưng ông không nghe máy. Khi con trai ông mở được cửa nhà thì thấy ông ngồi xếp bằng tròn trong tư thế kiết già, ra đi như một thiền sư. Phải chăng đó là lời chào thanh thản của ông gửi lại thế gian này”.

Đọc thêm