Xây dựng nông thôn mới tại huyện Nghi Lộc chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc

(PLVN) - Từ huyện có điểm xuất phát tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng với sự năng động của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã đạt kết quả rõ rệt.
Một góc nông thôn mới khang trang, trù trú tại huyện Nghi Lộc.

Đến nay, 100% xã trong huyện Nghi Lộc đều đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp cao

Nghi Lộc là huyện có diện tích khá lớn, có 28 xã, thị trấn, dân số đông (xếp thứ 6 của tỉnh Nghệ An). Dù là huyện có điểm xuất phát tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng nhờ biết cách phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, sự chỉ đạo triển khai đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, tổ chức chọn đúng điểm, đúng xã, đúng tiêu chí để phấn đấu với nhiều cách làm năng động, sáng tạo nên qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Nghi Lộc đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

Là huyện mà người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên Nghi Lộc xác định rõ phát triển sản xuất là mục tiêu của chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, với quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, huyện xác định rõ phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu vật nuôi vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập…

Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc.

Nhận thức được tầm quan trọng như vậy, những năm qua, huyện Nghi Lộc đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất như đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng sản xuất lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; gắn sản xuất với triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Theo đó, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, hàng năm HĐND huyện đã ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có cơ chế hỗ trợ 350 triệu đồng/1 mô hình sản xuất hoa, dưa, rau, củ, quả trong nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Vườn cam Xã Đoài đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Nghi Diên, Nghi Lộc.

Đến nay, Nghi Lộc đã xây dựng 8 mô hình sản xuất trong nhà lưới ở xã Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Xá...với diện tích trên 40.000 m2. Những mô hình này được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, gieo trồng trong giá thể, mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 800 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với gần 200 mô hình, diện tích liên kết sản xuất hàng năm đạt gần 2.000 ha lúa.

Chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp.Trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực hàng hóa theo vùng quy hoạch, liên vùng gắn với việc triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Cảng biển xi măng Vissai tại xã Nghia Thiết, huyện Nghi Lộc.

Trong những năm qua giá trị sản xuất nông nghiệp của Nghi Lộc không ngừng tăng nhanh về sản lượng và giá trị; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 1.366 tỷ đồng (2011) lên 1.706 tỷ đồng (2020). Trên đơn vị diện tích, giá trị sản xuất tăng mạnh: năm 2020 đạt 103 triệu đồng/ha/năm, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2010 và tăng 21 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Nhờ có những bước đi đúng đắn, sáng tạo mà ngành nông nghiệp của Nghi Lộc đã có bước chuyển mình rõ rệt. Từ đó nâng cao đời sống cho người dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,8%, giảm hơn 12% so với năm 2010.

Phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025

Đến nay, 28/28 xã của huyện Nghi Lộc đều đã đạt chuẩn NTM, nhưng với quan điểm nhất quán xây NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục đề ra những mục tiêu mới cụ thểchỉ tiêu đến năm 2025 như: duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện đạt NTM. Phấn đấu từ 2 đến 4 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 18 xã đạt NTM nâng cao, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí NTM nâng cao trở lên. Phấn đấu huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Đảng bộ huyện Nghi Lộc sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM và các loại quy hoạch khác để phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, kêu gọi xã hội hóa trên một số lĩnh vực phục vụ lợi ích địa phương như chợ, trường học tư nhân...

Làng quê Nghi Lộc ngày càng thay da đổi thịt.

Riêng về kinh tế nông nghiệp, theo ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Phấn đấu xây dựng ít nhất một vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao và được cấp mã vùng. Hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại bằng các cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng ở các vùng sản xuất công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Bên cạnh đó, huyện Nghi Lộc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước; Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt từ 83 - 88 triệu đồng/người/năm.

Tin chắc với sự năng động của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Nghi Lộc sẽ đúng kế hoạch đề ra.

Đọc thêm