Ái tình không dứt khoát nhưng lại muốn tiền bạc phân minh

(PLVN) - Giới trẻ có câu: "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" nhưng vợ chồng tôi không muốn ly hôn mà chỉ muốn phân chia tài sản rạch ròi. Xin hỏi pháp luật quy định vấn đề chia tài sản vợ chồng khi đang tồn tại thời kỳ hôn nhân như thế nào?  

Hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau đã hơn hai chục năm, giờ đây cả hai đều đã bước vào tuổi xế chiều. Quá trình chung sống giữa chúng tôi xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, nhưng vì còn nhiều ràng buộc về gia đình, con cái nên thời trẻ không thể ly hôn, giờ có tuổi chúng tôi càng không thể ly hôn.

Do mâu thuẫn với nhau trong quản lý tài chính gia đình cũng như quản lý khối tài sản chung nên chúng tôi muốn thỏa thuận về việc chia tài sản vợ chồng. Xin hỏi trong trường hợp này pháp luật có cho phép vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung khi hôn nhân vẫn đang tồn tại hay không? (Ông Bùi Văn Đa, 70 tuổi ở Ninh Bình).

Luật sư tư vấn: Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vợ chồng vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn dược chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trong thời kỳ hôn nhân, nếu vợ, chồng có nhu cầu thì có quyền thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng.

Cụ thể, tại Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau: Vợ, chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình  năm 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau: Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi nhận trong văn bản; nếu trong văn bản khong xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản; Trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định;

Trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực. Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 41 Luật Hôn nhân và Gia đình  năm 2014 cũng quy định sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Bên cạnh đó, Điều 42 cũng quy định việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ.

Đọc thêm