Lộ tẩy hành vi tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ hai người ngoại quốc lang thang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Trương Thị Quyên (SN 1986, ở Nghệ An), Nguyễn Hữu Trung (SN 1989, ở Gia Lâm, Hà Nội) và Nguyễn Văn Dũng (SN 1980, ở Gia Lâm, Hà Nội) ra xét xử về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Đây là những người đã tổ chức đưa 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Trong phiên tòa xử 3 bị cáo tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, vị chủ tọa không chỉ giúp các bị cáo nhận thức được hành vi sai trái của mình để sau này hướng về nẻo thiện mà còn “thức tỉnh”, cảnh báo các bị cáo đừng vì lợi ích trước mắt mà gây ra hậu quả khủng khiếp…

“Sa lưới” vì… 2 người đàn ông Trung Quốc lang thang

Theo hồ sơ vụ án, ngày 5/1/2021, Công an huyện Gia Lâm phát hiện 2 người đàn ông Trung Quốc đang lang thang trong khu vực Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nên đưa về trụ sở Công an xã Ninh Hiệp để làm rõ. Tại đây, 2 người đàn ông Trung Quốc khai họ tên Huang Dong Feng (SN 2001, ở TP Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và Wang Wen Di (SN 2000, ở TP Vũ Châu, tỉnh Hà Nam), quốc tịch Trung Quốc.

Cả hai thừa nhận nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam đêm 4/1/2021 qua khu vực biên giới phía Bắc. Mục đích của họ là sau khi nhập cảnh ở Việt Nam sẽ đi tiếp sang Campuchia để làm việc. Theo lời khai của họ, quá trình nhập cảnh, họ được người dẫn đường đưa qua đường núi, sau đó lên xe Toyota màu đen, biển số Việt Nam điều khiển, đưa về địa phận xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) vào sáng 5/1/2021.

Theo lời khai của Feng và Di, sau khi xuống xe ở khu vực Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp, họ sẽ được người khác đón, đưa sang Campuchia. Tuy nhiên, họ đã chờ ở đó nửa ngày nhưng không thấy ai đón mình. Feng và Di còn cung cấp cho công an số điện thoại của người đón mình. Từ lời khai trên, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã triệu tập Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Hữu Trung đến làm việc.

Bị triệu tập làm việc, Trung và Dũng khai việc đưa đón hai người Trung Quốc nêu trên do Trương Thị Quyên (SN 1986, ở Quỳ Hợp, Nghệ An) thuê. Cơ quan công an sau đó đã mời Trương Thị Quyên lên làm việc.

Quyên khai, khoảng đầu tháng 1/2021, Quyên thấy có người đàn ông tên Hùng (không rõ nhân thân lai lịch) gọi điện nhờ thuê giúp ô tô để đón hai khách người Trung Quốc từ TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đưa về Hà Nội với giá 6 triệu đồng. Khi về đến Hà Nội, sẽ có người khác đón 2 người trên để đi tiếp.

“Bị cáo không biết Hùng là ai, tại sao Hùng có số điện thoại của bị cáo. Lúc ấy Hùng hỏi “em có biết xe nào nhận chở khách từ Cao Bằng về thì thuê cho anh”. Do bị cáo từng buôn bán từ Nghệ An lên Cao Bằng, biết xe nên họ mới nhờ”, Quyên phân trần và nói đã từng từ chối, bảo Hùng tự liên hệ nhưng Hùng vẫn “nằng nặc” nhờ bị cáo.

Đón người bằng mật khẩu “đón hai con lợn”

Sau khi được Quyên nhận lời thuê xe giúp, Hùng đã cung cấp mật khẩu đón người cho Quyên. “Mật khẩu đón người là “đón hai con lợn”, Quyên khai tại tòa. Mật khẩu trên được Quyên nói lại với Nguyễn Hữu Trung khi nhờ Trung thuê xe đón khách giúp.

Trung sau đó gọi cho Nguyễn Văn Dũng, nhờ lên Cao Bằng đón khách. Khi Dũng báo giá 3,7 triệu đồng tiền xe, Trung báo lại với Quyên là 3,8 triệu đồng. Quyên nói sẽ bồi dưỡng thêm tiền nếu Trung đi đón khách cùng.

Chiều 4/1/2021, Dũng điều khiển ô tô chở Trung từ Hà Nội lên TP Cao Bằng đón 2 khách của Quyên. Đến nơi vào khuya cùng ngày, Trung gọi điện cho người dẫn khách từ Trung Quốc sang theo số điện thoại Quyên cho. Khi đối phương bắt máy, Trung nói “cho đón 2 con lợn”. Nghe thấy mật khẩu, người dẫn đường hướng dẫn cho Trung đến địa điểm họ đang đứng.

Đến nơi, Trung thấy có 4 người đàn ông đang đứng chờ nên xuống xe nói với nhóm người trên “cho đón khách của Quyên” nhưng không thấy ai trả lời. Lúc này Trung nhớ lời Quyên dặn nên nói “cho đón 2 con lợn”. Sau câu nói ấy, một người đàn ông giao 2 khách nam giới cho Trung. Trung đưa khách lên ghế sau xe của Dũng để về Hà Nội cùng mình.

Khi về đến Bắc Kạn, Trung và Dũng biết 2 khách trên là người Trung Quốc vì thấy họ nói chuyện với nhau bằng tiếng nước ngoài. Lúc này, Trung và Dũng trao đổi với nhau và xác định hai khách Trung Quốc này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vì bình thường không ai đi đêm hôm như vậy. Do đó, Trung gọi điện cho Quyên hỏi: “Sao lại là người Trung Quốc? Có sợ bị COVID không?”. Quyên đáp: “Cứ yên tâm, khách không bị COVID đâu”.

Nghe Quyên nói nên Trung và Dũng yên tâm, tiếp tục theo kế hoạch về Hà Nội mà không trình báo với cơ quan có thẩm quyền. Trên đường đi, Trung và Dũng còn sử dụng phần mềm “Google dịch” để nói chuyện với 2 khách trên. 2 khách Trung Quốc cho Trung và Dũng biết họ chỉ đi qua Việt Nam để sang Campuchia làm việc.

Về phía 2 người Trung Quốc, do không được ai đón nên họ đi lang thang trong Cụm công nghiệp Ninh Hiệp. Đến chiều cùng ngày, họ bị cơ quan công an phát hiện, đưa về trụ sở làm việc. Từ lời khai của họ, Quyên, Trung và Dũng “sa lưới”.

Những lời tâm can của vị chủ tọa

Theo ghi nhận của phóng viên, quá trình thẩm vấn các bị cáo, vị chủ tọa liên tục nhắc đến hậu quả khủng khiếp mà dịch Covid gây ra. Thời điểm đó, các bị cáo phạm tội, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, khó lường, rất nhiều tỉnh thành đang phải “oằn mình” chống dịch. Vậy nhưng các bị cáo vì hám lợi đã bất chấp tất cả, đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Nếu hai người kia mà bị COVID, lây cho các bị cáo và những người xung quanh thì hậu quả sẽ đến đâu? Các bị cáo bị bệnh, bản thân các bị cáo là người khổ đầu tiên, kế đến là người trong gia đình và những người xung quanh”, vị chủ tọa nói.

Sau đó, vị chủ tọa hỏi bị cáo Quyên có biết hậu quả của COVID là như thế nào không. Thời điểm đó, dịch bệnh ở Việt Nam rất căng thẳng. Thời gian vừa qua, TP HCM và các tỉnh phía Nam, dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm, thành phố phải giãn cách trong thời gian dài, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao nhiêu gia đình mất người thân, ly tán. Đáp lại lời chủ tọa chỉ là sự “im lặng”.

“Các bị cáo nói đến Cao Bằng mới biết 2 người trên xe là người Trung Quốc, tại sao không báo cơ quan chức năng ngay. Nếu các bị cáo báo cơ quan chức năng, các bị cáo không có tội, không phải đứng tại tòa như này”. Nghe chủ tọa nói vậy, các bị cáo đổ cho việc thiếu hiểu biết về pháp luật, vô tình giúp sức cho người khác.

Khi được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghỉ nghị án, bị cáo Quyên nghẹn ngào nói bản thân đã nhận thức được việc làm sai trái của mình, mong tòa xem xét, cho sớm trở về với gia đình, xã hội. “Bị cáo có 2 con nhỏ, vợ chồng bị cáo ly thân đã 6 năm nay. Bị cáo xin Tòa cho bị cáo cơ hội sớm trở về nuôi con nhỏ”, Quyên nghẹn lời nói. Trung và Dũng cũng mong tòa xem xét, cho mình được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Quyên 30 tháng tù, Trung 15 tháng tù và Dũng 12 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”. Bởi theo nhận định của Hội đồng xét xử, trong vụ việc này, Quyên hưởng lợi 1,8 triệu đồng, Trung hưởng lợi 800.000 đồng và Dũng 2,5 triệu đồng. Có thể nói, đây là bài học đắt giá cho những người vì lợi tích nhỏ trước mắt mà không biết có thể gây ra hậu quả nặng.

Liên quan tới vụ việc, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử phạt hành chính và trục xuất 2 đối tượng người Trung Quốc. Đối với đối tượng tên Hùng, do Quyên không rõ tên tuổi, địa chỉ nên Cơ quan điều tra đã trích rút các tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Đọc thêm