Bình Định: Bản án tuyên 14 năm không thể thi hành lại rơi tiếp vào “bế tắc”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bản án dân sự số 240/2007/DS-ST ngày 13/9/2007 của TAND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có hiệu lực từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành.
Gia đình ông Mẫn cho rằng đã nhiều đời sử dụng đất ổn định trước khi bị tranh chấp.
Gia đình ông Mẫn cho rằng đã nhiều đời sử dụng đất ổn định trước khi bị tranh chấp.

Tháng 3/2021, sau đề nghị của cơ quan thi hành án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị tái thẩm. Nhưng tại phiên xét xử hôm 9/9, cơ quan này lại rút lại kháng nghị…

Bị kháng nghị vì không thể thi hành

Theo hồ sơ vụ án, năm 2007, bà Trần Thị Sô (khối Phụ Đức, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn - nay là khu phố Phụ Đức, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) khởi kiện vợ chồng ông Hà Văn Mẫn, bà Bùi Thị Hiểu (cùng địa phương) về việc tranh chấp quyền sử dụng đất.

Theo đơn khởi kiện, phía bà Sô cho rằng trong quá trình sử dụng đất, ông Mẫn đã lấn chiếm của bà trên 800 m2 nên kiện đòi lại. Còn ông Mẫn thì cho rằng đất của ông có nguồn gốc do ông bà cha mẹ để lại, sử dụng ổn định nhiều đời và không lấn chiếm. Trong quá trình sử dụng, diện tích đất ông được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (200m2) có sự chênh lệch so với diện tích đất thực tế ông quản lý sử dụng (1.014m2).

Bản án dân sự sơ thẩm số 240/2007/DS-ST ngày 13/9/2007 của TAND huyện Hoài Nhơn cho rằng, diện tích thực tế đất vợ chồng ông Mẫn đang quản lý, sử dụng so với Giấy chứng nhận QSDĐ thừa 814m2. Trong khi diện tích thực tế bà Sô đang quản lý so với Giấy chứng nhận thiếu 1.166m2.

Từ nhận định đó, HĐXX cho rằng việc khiếu nại của bà Sô là có căn cứ. Tòa buộc vợ chồng ông Mẫn bà Hiểu trả lại cho bà Sô diện tích đất nằm ngoài Giấy chứng nhận. Ông Mẫn không đồng tình với bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo.

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng từng đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.VKSND cấp cao tại Đà Nẵng từng đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Ngày 25/2/2008, TAND tỉnh Bình Định ban hành quyết định số 27/2008/QĐ-PT, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án vì lý do 3 lần triệu tập đương sự đến phiên tòa phúc thẩm nhưng phía ông Mẫn vắng mặt. Tuy nhiên từ đó đến nay, ông Mẫn vẫn liên tục khiếu nại.

Theo ông Mẫn, phần đất liên quan vụ tranh chấp được gia đình ông quản lý, sử dụng ổn định nhiều đời trước khi bà Sô khởi kiện tranh chấp, với diện tích trên thực tế là 1.014m2, được nhiều bậc cao niên ở địa phương xác nhận. Đất này từng được bố ông đăng ký kê khai từ năm 1982. Năm 2002, được địa phương xác định ranh giới thửa đất của ông với đất 6 hộ dân, trong đó có bà Sô nhưng bà Sô không có ý kiến gì.

Trong quá trình ông Mẫn khiếu nại, việc thi hành án dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là bởi án tuyên chưa rõ ràng, chính xác về vị trí, ranh giới phần đất 200m2 công nhận cho ông Mẫn. Chi cục THADS thị xã Hoài Nhơn đã nhiều lần có công văn yêu cầu Tòa giải thích bản án, xác định vị trí, ranh giới thửa đất 200m2 này.

Tuy nhiên kết quả xác định vị trí, ranh giới thửa của Tòa và kết quả xác minh của Chi cục THADS vào năm 2020 lại hoàn toàn khác nhau khiến cho bản án không thể thi hành.

Ngày 26/11/2020, Chi cục THADS thị xã Hoài Nhơn có văn bản kiến nghị số 1413/CCTHADS gửi VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm với bản án số 240/2007/DS-ST. Ngày 4/3/2021, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị tái thẩm số 31/QĐKNTT-VKS-DS, kháng nghị bản án sơ thẩm nói trên.

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử tái thẩm, hủy bản án số 240/2007/DS-ST và quyết định liên quan, giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã Hoài Nhơn giải quyết lại theo quy định. Đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án trên cho đến khi có quyết định tái thẩm.

Rút lại kháng nghị vì…

Tuy nhiên đến ngày 9/9/2021, tại phiên xét xử tái thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng bất ngờ ra quyết định số 97/QĐ-VKS-DS rút lại quyết định kháng nghị tái thẩm số 31/QĐKNTT-VKS-DS ngày 4/3/2021.

Theo đó, quyết định này cho rằng: “Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ dẫn đến bản án sơ thẩm giao cho ông Hà Văn Mẫn thửa đất có vị trí khác so với vị trí ông Hà Văn Mẫn đang ở.

Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, lẽ ra phải kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 1 điều 283, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005, nhưng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đã hết. Báo cáo đề nghị kháng nghị tái thẩm của Chi cục THA thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không phải là tình tiết mới để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm theo quy định tại điều 352 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015”.

VKSND cấp cao cho rằng Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.VKSND cấp cao cho rằng Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vì vậy, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng rút lại kháng nghị tái thẩm trước đó. Từ việc rút kháng nghị của VKS tại phiên tòa tái thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ra Quyết định số 02/2021/DS-TT đình chỉ việc xét xử tái thẩm đối với vụ án này. Động thái này của VKS và Tòa cấp cao khiến vụ việc kéo dài gần 15 năm qua tiếp tục rơi vào bế tắc, khi mà án sơ thẩm không thể hủy nhưng cũng không thể thi hành.

Trao đổi với PLVN mới đây, ông Phạm Thanh Đồng – Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Hoài Nhơn cho hay đơn vị đã nhận được quyết định rút kháng nghị của VKSND và quyết định đình chỉ của Tòa cấp cao tại Đà Nẵng. Cũng theo ông Đồng, cơ quan thi hành án hiện chưa biết phải làm thế nào, bởi vì án sơ thẩm không thi hành được nên sau khi họp liên ngành, đơn vị đã nhiều lần làm đơn đề nghị xem xét lại với mong muốn cơ quan thẩm quyền hủy án sơ thẩm để giải quyết lại, tháo gỡ tình trạng bế tắc nhiều năm nhưng đến nay vẫn không kết quả.

Cần xem xét hủy án để giải quyết từ đầu

Đó là nhận định của luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM về hướng giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thi hành án.

Theo luật sư, việc Chi cục THADS thị xã Hoài Nhơn có văn bản kiến nghị VKSND cấp cao tại TP Đà Nẵng kháng nghị là đúng trình tự thủ tục tại Điều 23 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét việc đề nghị này theo căn cứ thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm để ra quyết định kháng nghị. Nếu VKSND cấp cao tại TP Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nhưng nay rút quyết định kháng nghị tái thẩm trước đó là đúng căn cứ quy định pháp luật vì xét thấy vụ việc phải theo căn cứ thủ tục giám đốc thẩm.

Rất tiếc rằng, sau khi rút quyết định kháng nghị về tái thẩm thì VKSND cấp cao tại TP Đà Nẵng lại không sửa sai, không ban hành quyết định giám đốc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của VKS nên để vụ việc kéo dài.

Trong vụ việc này, với việc Tòa cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định vị trí diện tích đất 200m2 của ông Mẫn thì không thể sửa chữa được tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng nên cần phải nhanh chóng hủy án để xem xét toàn bộ vụ án để giải quyết vụ tranh chấp.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có quyền làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đến Tòa và Viện cấp cao tại TP Đà Nẵng, Tòa và Viện KSND tối cao tại TP Hà Nội để được xem xét. Mặc khác, Chi cục THADS thị xã Hoài Nhơn cần xem xét lại để có văn bản phù hợp với căn cứ Bộ Luật tố tụng dân sự, không thể để tình trạng án treo không thể thi hành nhưng vẫn nằm im kéo dài.

Đọc thêm