Quan điểm Toà – Viện “vênh” nhau, nguyên đơn kêu cứu đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Về vụ án này, các cấp Viện kiểm sát không đồng tình với Toà trong việc đánh giá chứng cứ cũng như quan điểm giải quyết vụ án nên đã có kháng nghị lên cấp phúc thẩm và sau đó kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị huỷ án nhưng đều không được Toà chấp nhận. Dư luận băn khoăn: cùng một vụ việc tại sao cách nhìn nhận, quan điểm vận dụng pháp luật của hai cơ quan pháp luật lại “vênh” nhau?
Ảnh chụp bản án sơ thẩm, phúc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm vụ án.
Ảnh chụp bản án sơ thẩm, phúc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm vụ án.

Bản kháng nghị số 11 ngày 4/2/2021 dài 4 trang của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội với những phân tích cụ thể, chỉ ra những vi phạm cả về thủ tục tố tụng lẫn thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ của hai cấp Toà án nhưng cuối cùng vẫn không được Uỷ ban Thẩm phán Toà Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận, khiến nguyên đơn không phục, tiếp tục gửi đơn “kêu cứu” lên Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đề nghị xét lại vụ án.

Trước đó, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã có Kháng nghị phân tích những điểm chưa chuẩn và đề nghị cấp phúc thẩm phải huỷ án để giải quyết lại từ đầu nhưng quan điểm kháng nghị không được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, tại đơn khởi kiện ngày 20/1/2019 nguyên đơn Hoàng Xuân Thủy trình bày: Ngày 28/9/1991 ông Thủy nhận chuyển nhượng của gia đình ông Trần Văn Tình (là bố đẻ ông Trần Văn Huynh) diện tích đất 150m2 đất thổ cư tại xã Đức Giang (Hoài Đức), nay là khu 7 thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội). Việc chuyển nhượng được lập thành văn bản và có xác nhận của UBND xã Đức Giang, có vẽ và ghi rõ mốc giới. Sau này, ông Thủy và ông Tình thỏa thuận mua bán thêm 6m2 nên diện tích đất chuyển nhượng là 156m2.

Tại sổ mục kê, bản đồ, sổ điều tra thống kê năm 1997 lưu tại UBND đều mang tên ông Hoàng Xuân Thủy là thửa số 96, tờ bản đồ 05, diện tích 174m2; tại bản đồ đất thổ cư của UBND thị trấn và sổ địa chính năm 2005 là thửa đất số 70, tờ bản đồ 04, diện tích 168m2.

Theo ông Thủy trình bày, phần diện tích tăng thêm theo bản đồ các năm là do khi nhà nước mở đường ông lấn ra phía hàng cây. Năm 2001, để việc sử dụng quản lý đất thuận tiện hơn, ông và gia đình ông Hoàng Văn Chất, gia đình bà Đỗ Thị Tám đã lập văn bản thỏa thuận với nhau về việc xác định lại mốc giới đất. Gia đình ông Thủy chuyển đến quản lý, sinh sống ổn định tại đất này từ đó đến nay.

Năm 2018, vợ chồng ông Huynh, bà Hương đục tường, xây dựng sang phần diện tích phía Tây của nhà ông Thủy. Ngày 6/6/2018 UBND thị trấn Trạm Trôi đã tiến hành hòa giải, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhưng sau đó, vợ chồng ông Huynh vẫn tiếp tục lợp mái tôn trên phần đất xây dựng để làm nhà kho chứa hàng. Ngày 20/1/2019 ông Thủy đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu ông Huynh bà Hương trả lại phần diện tích đã xây nhà kho và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Bị đơn là ông Trần Văn Huynh trình bày: Năm 1991 gia đình ông có khoảng 01 sào đất (360m2) tại phố Trạm Trôi. Ngày 28/9/1991 bố đẻ ông là ông Trần Văn Tình có làm giấy chuyển nhượng nhà ở một phần thửa đất cho ông Hoàng Xuân Thủy gồm: nhà, quán, bếp, chiều ngang 4,2m chiều dài trong nhà 5,1m, chiều dài thửa đất 30,07m (có vẽ sơ đồ tứ cận kèm theo).

Theo ông Huynh, tại thời điểm chuyển nhượng năm 1991, gia đình ông còn có diện tích đất nông nghiệp gồm 3 thước ruộng liền kề phần diện tích đất ở, liền kề phần diện tích đất chuyển nhượng cho ông Thủy. Gia đình ông vẫn canh tác, trồng hoa màu trên diện tích đất này. Đến đầu năm 1992, khi xây dựng nhà, do cần đất để tôn móng nhà nên bố ông đã đào đất tại mảnh ruộng giáp nhà ông Thủy. Do sợ nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên bố ông có xây bức tường rào 6m cao 0,5m ngăn cách giữa diện tích đất chuyển nhượng cho ông Thủy và diện tích ao mà gia đình ông vẫn thường xuyên sử dụng. Cũng theo ông Huynh, trong quá trình sử dụng, gia đình ông Thủy đã nhiều lần đề nghị bố ông bán thêm diện tích đất ao liền kề với giá 1,5 chỉ vàng nhưng gia đình ông không bán.

Đến tháng 8/2018 ông cải tạo ao, xây tường bao trên nền tường cũ, xây nền, lợp mái làm nhà kho chứa. Quá trình xây dựng, do ông tự ý không xin phép nên xã có lập biên bản.

Quá trình sử dụng đất từ năm 1991 đến nay, nhà nước đã 2 lần cải tạo nâng cấp đường, mỗi gia đình bị lấy vào 04m chiều dài (diện tích đất lấy vào phần đất nhà ông đã chuyển nhượng cho nhà ông Thuỷ là 18m2). Theo phía bị đơn, diện tích đất nhà ông Thuỷ hiện nay sau khi đối trừ phần đất nhận chuyển nhượng với 18m2 đã bị thu hồi thì bằng đúng phần diện tích 25m2 đang tranh chấp. Từ đó khẳng định phần đất này của gia đình ông Tình là hợp lý, đúng bản chất sự việc.

Nay ông Thủy kiện ra tòa, ông Huynh khẳng định đất đang tranh chấp là đất của gia đình đã quản lý sử dụng từ trước đến nay, không có trong giấy chuyển nhượng cho ông Thủy.

Về lời khai của phía bị đơn về nguồn gốc 25m2 đất cho là đất nông nghiệp của gia đình, quá trình giải quyết vụ án, Toà cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh. Theo ông Nguyễn Văn Cường chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trạm Trôi xác nhận: Căn cứ sổ nông nghiệp HTX Nông nghiệp Trạm Trôi bàn giao các thời kỳ, hộ ông Trần Văn Tình đang sử dụng đất nông nghiệp 72m2 là thực.

Tuy nhiên, phía nguyên đơn cũng đưa ra chứng cứ là Đơn xác nhận với nội dung: Ông Bùi Hữu Bính là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Trạm Trôi bàn giao trước nhiệm kỳ 1991-1993 khẳng định không có việc giao đất phần trăm cho ông Trần Văn Tình. Theo nguyên đơn, xác nhận của ông Nguyễn Văn Cường chủ nhiệm HTX hiện nay là không đúng. (Tình tiết trên sau này cũng được Kháng nghị của VKSND Cấp cao yêu cầu làm rõ).

Tại bản án sơ thẩm số 42 ngày 17/12/2019, TAND huyện Hoài Đức tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Hoàng Xuân Thuỷ. Sau đó ông Thuỷ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 30/12/2019 VKSND huyện Hoài Đức có Quyết định kháng nghị số 01 đề nghị cấp phúc thẩm huỷ án sơ thẩm với lý do Toà án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ tài liệu chưa đầy đủ…

Ngày 24/9/2020 TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 380 quyết định: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hoàng Xuân Thủy và Quyết định kháng nghị số 01 ngày 30/12/2019 của VKSND huyện Hoài Đức và xử: Bác đơn khởi kiện của ông Hoàng Xuân Thủy về việc buộc ông Trần Văn Huynh và bà Trung Thị Hương trả lại diện tích đất 25m2 ở phía Tây thửa đất số 170 tờ bản đồ só 04 địa chỉ khu 7 thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội mà ông Huynh, bà Hương đang quản lý, sử dụng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Thủy về việc buộc ông Trần Văn Huynh và bà Hương khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với thửa đất trên.

Ông Thuỷ tiếp tục khiếu nại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo nguyên đơn, bản án phúc thẩm hoàn toàn không thuyết phục khi nhận định rằng hiện trạng thửa đất không thay đổi trong khi trên thực tế đã bị thay đổi một phần do bị nhà nước thu hồi cũng như gia đình ông lấn thêm về phía hàng cây. Bên cạnh đó, lời khai của bị đơn có điểm không hợp lý nhưng lại vẫn được Tòa chấp nhận thể hiện ở chỗ phía bị đơn cho rằng phần đất nông nghiệp gia đình vẫn quản lý, sử dụng vậy tại sao hồ sơ vụ án lại thể hiện bị đơn đục tường nhà nguyên đơn để đưa vật liệu vào xây dựng nhà kho và đã bị chính quyền lập biên bản xử lý về hành vi này?.

Ngày 4/2/2021 VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị vụ án, đề nghị huỷ cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo quy định của pháp luật nhằm thu thập chứng cứ đầy đủ, thấu đáo. Tuy nhiên, Quyết định giám đốc thẩm ngày 30/9/2021 của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận Kháng nghị của Viện Cấp cao.

Vì sao Viện kiểm sát Cấp cao kháng nghị hủy án?

Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 11 ngày 4/2/2021 của VKSND Cấp cao tại Hà Nội dài 4 trang, phân tích khá cụ thể, chỉ rõ những điểm thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ cũng như vi phạm về tố tụng của vụ án, từ đó đề nghị phải huỷ án để giải quyết lại từ đầu.

Quyết định Kháng nghị số 11 ngày 4/2/2021 của VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Quyết định Kháng nghị số 11 ngày 4/2/2021 của VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Cụ thể, nội dung bản Kháng nghị dài 4 trang phân tích: "Ngoài lời khai của ông Thủy, hai cấp Tòa án không tiến hành lấy lời khai ông Chất bà Tám, cũng như không xác minh làm rõ phần diện tích đất tăng thêm này. Hơn nữa, tại thời điểm chuyển nhượng đất, ông Tình và ông Thủy có thỏa thuận mua thêm 30cm chiều ngang gian hàng, nhưng Tòa không làm rõ chiều sâu của phần diện tích này là bao nhiêu nên không xác định được diện tích chính xác của phần đất mua thêm, làm ảnh hưởng đến việc xác định tổng diện tích đất của gia đình ông Thủy.

Ông Huynh cho rằng phần diện tích đất tranh chấp nằm trong diện tích 72m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Ngải khu 7 thị trấn Trạm Trôi và liền sát với diện tích đất ở. Tuy nhiên, theo số đất nông nghiệp HTX nông nghiệp thị trấn Trạm Trôi bàn giao qua các thời kỳ thể hiện: hộ ông Trần Văn Tình quản lý, sử dụng 72m2 đất nông nghiệp được giao tại khu Ngải nằm ngay giáp diện tích đất ở. Đến nay ông Huynh con ông Tình đang quản lý, sử dụng. Sổ thuế đất nông nghiệp gia đình ông Huynh cung cấp thì diện tích đất nông nghiệp ở xứ đồng Ngải là 168m2.

Theo đơn đề nghị xác nhận 13/12/2019 ông Thủy cung cấp thì ông Bùi Hữu Bính – chủ nhiệm HTX nông nghiệp thời kỳ 1991-1995 xác nhận khi ông Bính nhận bàn giao trước nhiệm kỳ 1991-1995 không có việc giao đất phần trăm cho ông Trần Văn Tình 72m2. Tại sổ điều tra thống kê đất, bản đồ giải thửa năm 1997 và năm 2005 của UBND thị trấn Trạm Trôi thể hiện giáp phía sau thửa đất nhà ông Thủy và nhà ông Huynh là thửa 97 diện tích 58m2 đất thổ cư của hộ anh Nguyễn Đức Thắng, không phải diện tích đất nông nghiệp.

Theo biên bản xem xét thẩm định ngày 6/6/2019 xác định có phần gian quán bán hàng sát mặt dường (như theo sơ đồ trong giấy tờ mua bán ngày 28/9/1991) từ khi mua. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ từ mép đường đến gian quán bán hàng có đất lưu không làm vỉa hè hay không và cách phần diện tích đất của gia đình ông Thủy bao nhiêu để từ đó làm căn cứ xác định chiều dài đất được tính từ mốc giới, vị trí nào là chưa đầy đủ.

Đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ diện tích 72m2 đất nông nghiệp qua các thời kỳ còn nhiều mâu thuẫn, nhưng Tòa án hai cấp cũng không làm rõ, không yêu cầu các đương sự cung cấp thêm chứng cứ, không tiến hành đối chất là vi phạm Điều 98 và Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thủy buộc ông Huynh, bà Hương trả lại 25,5m2 đất nhưng lại không xác định đất này của ai? Có thuộc diện tích 72m2 đất nông nghiệp mà ông Huynh trình bày hay không? Và phần diện tích đất nông nghiệp 72m2 được cấp khi nào, nằm ở vị trí nào?

Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét phần diện tích thực tế gia đình ông Huynh đang sử dụng và phần diện tích gia đình ông Huynh được cấp có đủ 72m2 như HTX nông nghiệp thị trấn Trạm Trôi bàn giao như yêu cầu của nguyên đơn."

Từ các phân tích trên, VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 380 của TAND TP Hà Nội theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy bản án phúc thẩm số 380 ngày 24/9/2020 nêu trên và bản án sơ thẩm số 42 ngày 17/12/2019 của TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) để giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, như đã nói, Quyết định Giám đốc thẩm số 85 ngày 30/9/2021 của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn tuyên không chấp nhận Kháng nghị số 11 kể trên của VKS Cấp cao, giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 380 ngày 24/9/2020 của TAND TP Hà Nội.

Hiện ông Hoàng Xuân Thuỷ tiếp tục phải gửi đơn khiếu nại lên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án TAND Tối cao yêu cầu cấp có thẩm quyền kháng nghị vụ án theo hướng huỷ quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao, đề nghị chấp nhận quan điểm kháng nghị số 11 của Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết lại vụ án.

Những điểm chưa chuẩn, còn thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án đã được Quyết định kháng nghị số 11 của VKS Cấp cao chỉ ra, phân tích khá rõ ràng và có căn cứ pháp lý. Việc Toà Cấp cao bác bỏ hoàn toàn kháng nghị, không chấp nhận một điểm nào trong kháng nghị của Viện Cấp cao khiến dư luận hoang mang, hoài nghi. Phải chăng Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao còn phiến diện, chưa thấu đáo? Tại sao trong cùng một vụ việc mà hai cơ quan pháp luật cấp cao lại có cách đánh giá chứng cứ và quan điểm giải quyết khác nhau?

Đây cũng chính là lý do khiến nguyên đơn tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC đề nghị phải kháng nghị giám đốc thẩm để vụ án được giải quyết lại một cách thấu đáo về cả mặt nội dung và tố tụng, để pháp luật được áp dụng thống nhất, thuyết phục.

Đọc thêm