Thương vụ ma túy bạc tỷ
Phiên tòa xét xử Trần Văn Minh (SN 1971) và Hoàng Văn Thể (SN 1984, cùng ngụ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) về tội Mua bán trái phép chất ma túy tại TAND tỉnh Nghệ An diễn ra khá nhanh vì cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hai bị cáo đã thực hiện việc mua bán 19 bánh heroin. Trong đó, Thể đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để mua ma túy, còn Minh có trách nhiệm tìm nguồn hàng để mua và nơi để tiêu thụ.
Theo hồ sơ vụ án, sau nhiều lần liên lạc với bên bán ma túy, Minh đi xe khách vào Nghệ An để thực hiện giao dịch với một người đàn ông không rõ danh tính ở huyện Quế phong (Nghệ An). Ngày 15/12/2020, khi Minh đang giấu 19 bánh heroin trên xe khách để đưa về Bắc Giang thì bị công an Nghệ An bắt quả tang. Gần 3 tháng sau, Hoàng Văn Thể đến công an đầu thú, thừa nhận việc đã bỏ tiền ra để Minh đi mua ma túy.
Khi được tòa xét hỏi về việc đến cơ quan công an đầu thú, Thể trình bày vì “muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”. Bị cáo này cũng thừa nhận việc đã cùng bàn bạc với bị cáo Minh để mua một khối lượng ma túy hòng về bán kiếm lời. Tuy nhiên, “thương vụ bạc tỷ” của hai bị cáo đã bị công an phát hiện. Quá trình xét xử, hai bị cáo thể hiện sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình.
Với số ma túy đặc biệt lớn này, cả Minh và Thể bị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án tử hình. Trong khi Thể đưa ra một số tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt như đầu thú, thành khẩn khai báo, có công trình báo công an bắt đối tượng buôn bán ma túy thì Minh chỉ im lặng.
Dù người thân ở phía dưới thuyết phục Minh sử dụng tình tiết ông nội là bệnh binh để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt nhưng Minh gạt đi. Minh nói với con cái rằng: “Bố phạm tội, bố phải trả giá, đừng kéo ông vào khiến ông phải nghĩ ngợi thêm. Đã đi buôn ma túy thì xác định “được ăn cả, ngã làm ma”, bố không oan đâu”. Rồi Minh nói thêm với người thân không muốn bố mẹ phải thêm xấu hổ về đứa con đầy lỗi lầm này.
Được hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án Minh không xin gì cho bản thân mà chỉ nói ngắn gọn “cho bị cáo gửi lời xin lỗi tới bố mẹ”. Nói đoạn, Minh đưa đôi tay lên gạt ngang mặt rồi ngồi xuống.
Lời nhắn nhủ của tử tù
Trong thời gian Hội đồng xét xử vào nghị án, Trần Văn Minh cố gắng trò chuyện với 2 cậu con trai và vài người họ hàng. Trước đó, họ đã thuê xe khách từ Bắc Giang vào Nghệ An để được gặp Minh. Vì vướng khẩu trang và tấm kính chống giọt bắn phòng chống dịch nên cả hai phía đều cố gắng nói thật to để đối phương có thể nghe rõ. Thành ra cả phòng xét xử bất đắc dĩ phải nghe câu chuyện của ba bố con Minh.
Tranh thủ thời gian được gặp nhau sau thời gian xa cách, không có điều kiện thăm gặp, cậu con trai cả thông báo với Minh chuyện ông nội ốm nặng. Lâu nay, người cha già của Minh nằm liệt giường, nói không rõ lời. Không hiểu sao, ngay đêm trước ngày Minh bị đưa ra xét xử, ông lại tỉnh táo, hỏi thăm về đứa con trai “đã lâu không về”. Rồi Minh dặn con trai cố gắng thay bố chăm sóc ông. “Sau này xuống dưới đó, bố sẽ tạ tội với ông. Các con nhìn vào bố mà cố gắng làm ăn, không ai giàu được vì ma túy đâu, nhớ lấy”, Minh dặn con.
Rồi Minh nhắc các con thay mình thanh toán một số món nợ với người khác mà hồi chưa bị bắt Minh vay để làm ăn. Xác định nhận án tử và chấp nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật nhưng Minh vẫn cố gắng động viên các con biết đâu vài năm nữa luật có thay đổi, cơ hội sống vẫn còn. Minh tỏ ra không vui khi hai cậu con trai khóc sướt mướt, bởi “đàn ông dám làm dám chịu”.
Tử tù Trần Văn Minh vẫy tay chào người thân trước khi bị áp tải về trại tạm giam. |
Khuôn mặt người đàn ông này giãn ra khi nhắc tới cô cháu gái và biết mình sắp có một đứa cháu nữa. “Ông đặt tên cho cháu ông nhé, chưa biết là con trai hay con gái nên ông nghĩ hai cái tên sẵn luôn ông ạ”, cậu con trai thứ bật khóc. Minh liền đáp lời con: “Bố nghĩ được một cái tên rồi nhưng ra đây thì quên mất. Bố nhớ mấy đứa cháu quá, ở trong đó chỉ biết nghĩ tới chúng nó thôi”. Giọng Minh nghe nghèn nghẹn nhưng lại quát hai đứa con trai vẫn đang khóc nước phía dưới.
Quá trình ngồi nói chuyện, Minh dặn người thân gửi thêm áo ấm vì trước đó đã tặng một bạn tù áo ấm của mình. Minh nói với người thân và luật sư bào chữa cho mình rằng sẽ chấp nhận cái chết nếu bị tòa tuyên mức án cao nhất. “Xử xong là vào xiềng đấy, khi đó chắc được vào thăm. Nếu vào thăm được, cố gắng mua cho bố bát thịt chó, thèm quá. Trước khi chết chỉ ước ăn miếng thịt chó thôi”, Minh nói to giữa phòng xét xử. Hai cậu con trai nghe thế lại càng bưng mặt khóc to hơn.
Thấy vậy, Minh nói to hơn: “Không phải lo cho bố. Bố đã bảo bố làm được thì chịu được. Nhớ thay bố chăm sóc ông, bảo mấy đứa nhỏ là bố nhớ chúng nó lắm. Mà nhớ lời bố dặn, cố gắng làm ăn, đừng có dính vào ma túy, chưa ai giàu được bằng ma túy đâu”, sợ con quên nên Minh nhắc thêm một lần nữa.
Nỗi đau của người thân hai bị cáo. |
Phòng xử án hôm ấy là những tiếng khóc nghẹn khi ở dãy ghế bên kia, người thân của bị cáo Thể cũng ôm ghế khóc trong bất lực. Sau những câu hỏi thăm người thân và bà con họ hàng trong nước mắt Thể cũng quay lên, cố giấu nước giọt nước mắt đắng ngắt.
Hội đồng xét xử vào tuyên án, cuộc trò chuyện của cha con bị cáo Trần Văn Minh phải dừng lại. Hội đồng xét xử nhận định trong vụ án này số lượng ma túy mà hai bị cáo mua bán là đặc biệt lớn, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, tòa đã tuyên phạt hai bị Trần Văn Minh và Hoàng Văn Thể bản án cao nhất là tử hình.
Bị dẫn giải rời khỏi phiên tòa, Trần Văn Minh cố gắng đưa cánh tay bị còng lên vẫy chào các con. Ở phía dưới những tiếng khóc nấc càng to tiếng. Khi người thân khuất sau lưng, hai tay Minh bưng lấy mặt....Những giọt nước mắt muộn màng của tử tù nhiều lần căn dặn các con “không ai giàu được từ ma túy”.
Lời nhắn nhủ của Minh dành cho con cái và người thân tại phiên tòa có lẽ cũng là lời nhắc nhở chung cho xã hội, đừng chạy theo những ham muốn, cám dỗ đời thường mà đánh mất chính mình, để rồi khi ăn năn, hối cải thì cũng đã quá muộn màng.