Xác định công sức cho người quản lý di sản thừa kế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chia di sản thừa kế là những vụ tranh chấp có yếu tố quan hệ gia đình, giữa những người thân, mặt khác còn phức tạp về nội dung tranh chấp nên ẩn chứa nhiều vấn đề và thông thường các sự kiện pháp lý không thể hiện rõ ràng bằng các tài liệu chứng cứ.
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Tính đến tháng 9/2021, TAND Tối cao đã công bố 43 án lệ, trong đó có hai Án lệ về di sản thừa kế và một số án lệ khác cũng có một phần liên quan đến thừa kế di sản.

Có “công” phải được hưởng

Trước năm 2016, khi chưa có Án lệ 05/2016/AL, trong các vụ tranh chấp về chia di sản thừa kế, người quản lý, có công tôn tạo khối di sản thừa kế không được Tòa án xem xét giải quyết trong vụ án vì họ không có đơn yêu cầu độc lập và không được thông báo nộp tạm ứng án phí. Trong khi đó, nhiều trường hợp, người quản lý khối di sản có rất nhiều công sức, chi phí để khối di sản tồn tại và giá trị tăng lên trong nhiều năm tính đến thời điểm khi xảy ra tranh chấp.

Mặt khác, do quy định thủ tục tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án cũng chưa giải thích quyền lợi của họ trong việc phải đưa ra yêu cầu và Tòa án cũng không thể phán quyết khi không có yêu cầu của đương sự. Mặt khác, đây là một điều khó nói và dễ bị rơi vào điều tiếng kể công với dòng họ, gia đình.

Từ đó, nhiều người sống và quản lý trực tiếp các di sản thừa kế là nhà đất thường chỉ được nhận phần chia đều với các đồng sở hữu khác, trường hợp họ không phải là người thuộc hàng thừa kế (con dâu, con rể, cháu) thì hoàn toàn không nhận được phần chia nào. Thậm chí, sau khi Tòa phán quyết, họ bỗng rơi vào tình trạng không nhà cửa sau bao năm chăm lo, góp công sức, chi phí để khối di sản tồn tại đến ngày Tòa tuyên án.

Để giải quyết những vụ thực tế khi giải quyết các vụ tranh chấp về chia thừa kế nhưng Tòa án không xác định rõ ý kiến của những người quản lý di sản, Chánh án TAND Tối cao có Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 công bố Án lệ 05/2016/AL (về tranh chấp di sản thừa kế) với tóm tắt nội dung như sau:

Cụ Nguyễn Văn Hưng (chết 1978) và cụ Lê Thị Ngự (chết 1992) có 06 người con chung và có mua đất từ 1953 và xây căn nhà ở như hiện nay tại 263 Trần Bình Trọng (TP.HCM). Nhà đất chưa được cấp sổ, chỉ mới kê khai năm 1999. Chị Nguyễn Thị Thuý Phượng là cháu của cụ Hưng, cụ Ngự nhưng chị Phượng sống tại căn nhà này từ nhỏ đến nay, chị Phượng đã sửa chữa nhà nhiều lần. Đến thời điểm tranh chấp chia thừa kế, chị Phượng và 2 con của mình đang sống tại căn nhà này. Đến năm 2008, các người con của cụ Hưng, cụ Ngự nộp đơn ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế là căn nhà tại 263 Trần Bình Trọng (Tp.HCM).

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 3363/2009/DSST ngày 18-11-2009, Tòa án TP.HCM quyết định, xác định nhà đất tại 263 Trần Bình Trọng là di sản thừa kế của cụ Hưng, cụ Ngự và được chia làm 6 phần, mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng là hơn 1,7 tỷ đồng. Buộc mẹ con chị Phượng và người đang thuê phải giao lại nhà đất tranh chấp. Sau đó chị Phượng kháng cáo nhưng Tòa cấp phúc thẩm có bản án vẫn giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Sau đó, chị Phượng có đơn đề nghị giám đốc thẩm Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Tại Quyết định số 158/2014/KN-DS, TAND Tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09/10/2014 hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Qua vụ án trên, Án lệ 05/2016/AL được công bố với nội dung: Tuy chị Phượng không phải thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hưng, cụ Ngự, nhưng là cháu nội của hai cụ và có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.

Với những vụ tranh chấp tương tự như trên, người đóng góp công sức này chỉ cần yêu Tòa án áp dụng Án lệ 05/2016/AL để được xem xét. Theo Khoản 3 Điều 9 Nghị quyết 03/2015/ NQ–HĐTP quy định, Tòa án không áp dụng án lệ thì Tòa án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ đến TANDTC: “Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao”.

Khi người quản lý được cấp “bìa đất”

Trong các vụ việc về tranh chấp thừa kế di sản, không ít những vụ án có kèm theo yêu cầu hủy giấy chứng nhận về nhà đất đã cấp cho người sử dụng. Các vụ án thường phức tạp khi phải phân định ranh giới giữa “khối di sản” – thời hiệu khởi kiện 30 năm và “tài sản chung” – không có thời hiệu khởi kiện. Trong nhiều vụ án, dù không có tài liệu chứng cứ (sự công nhận của các bên, văn bản họp của những người thừa kế) vẫn áp dụng thiên lệch theo hướng là tài sản chung để thụ lý vụ án.

Trước đây, do nhiều lý do, vì tập quán để lại nhà đất cho người con sống chung với ông bà hoặc do sự hứa tặng cho của ông bà trước đó nhưng không lập thành văn bản tặng cho, việc lập giấy tờ cấp sổ cho người con không cần thiết, khi giá trị nhà đất chưa tăng cao, do ít các vụ tranh chấp về thừa kế nên thực tế các trường hợp cấp sổ nhà đất cho người con đang sử dụng thì UBND thường không làm đầy đủ về xác định nguồn gốc, người con đang sử dụng thì kê khai và được cấp giấy chứng nhận mà không yêu cầu giấy tờ thỏa thuận phân chia thừa kế. Chính vì vậy, những vụ án này, kết quả xử án qua một số bản án có thể thấy hai khuynh hướng lý luận, dù theo hướng nào cũng ít nhiều đều từ các bên trong vụ tranh chấp:

Thứ nhất, vẫn được công nhận người sử dụng đất và không hủy giấy chứng nhận vì cho rằng việc cấp của UBND là đúng theo quy định pháp luật do: các đồng thừa kế đã thống nhất phân chia di sản thừa kế và đã thực hiện trên thực tế đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai chuyển thành tài sản của cá nhân theo Án lệ số 24/2018/AL;…

Thứ hai, tuyên án hủy giấy chứng nhận vì cho rằng việc tự ý kê khai cấp giấy chứng nhà đất, không có ý kiến của những người thừa kế.

Cần xác định rõ khối di sản thừa kế

Với những trường hợp khác, vì lý nhiều nguyên nhân: do ở xa, do công việc lễ,… mà gia đình không họp thống nhất hoặc không lập thành văn bản về những thỏa thuận trong gia đình cũng dẫn đến gây hiểu nhầm, thậm chí là mất quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế của người được thừa kế vì nhà đất được cấp sổ cho người đang sử dụng.

Như trình bày trên, Án lệ 05/2016/AL chỉ áp dụng trong vụ án tranh chấp chia thừa kế, đối với vụ tranh chấp phân chia tài sản chung của những người thừa kế sẽ không thuộc phạm vi áp dụng Án lệ 05/2016/AL. Tuy nhiên, trong việc xác định trách nhiệm, quyền lợi để giao cho người quản lý khối tài sản chung cũng cần rõ ràng, ít nhất là ghi nhận sự tự nguyện của người quản lý trong việc đảm trách công việc chung của gia đình.

Để tránh những tranh chấp trong việc quản lý, phân chia di sản trong tương lai, những người thừa kế cần họp bàn để xác định rõ khối di sản thừa kế và việc quản lý và lập thành văn bản để mối quan hệ trong gia đình, dòng họ càng thêm gắn kết và chia sẻ.

Đọc thêm