Những hành vi phi thể thao
Vào ngày thi đấu thứ 2 tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 đã diễn ra một sự việc đáng quên của bóng rổ Việt Nam khi các VĐV Lê Văn Đầy (SN 1995) và Lê Phước Thắng (SN 1992) của đội bóng rổ TP Cần Thơ lao vào tấn công trọng tài Lê Huệ Thông.
Theo đó, khi trận đấu còn 41 giây là kết thúc, đội bóng Cần Thơ bị đội Bình Thuận dẫn trước 26 điểm và không còn cửa để lật ngược tình thế, trong một tình huống dẫn bóng phản công, Đầy bị trọng tài thổi còi và báo hiệu phạm lỗi, cho đội Bình Thuận được kiểm soát bóng. Do bức xúc, Đầy đã có hành vi đập mạnh bóng xuống sàn, vì hành vi phản ứng đó, Đầy tiếp tục bị trọng tài Thông thổi phạt lỗi kỹ thuật.
Lúc này, Đầy không kiềm chế được nên đã lao vào đấm trọng tài Thông, còn Lê Phước Thắng cầm bóng ném thẳng vào người trọng tài. Việc tấn công trọng tài và chỉ dừng lại khi được đồng đội can ngăn.
Hai VĐV đã có hành vi hành hung, tấn công trọng tài |
Sau màn hành hung, hai cầu thủ của đội bóng rổ Cần Thơ bị trục xuất khỏi sân, ngay ngày 19/11/2019, Ban tổ chức Đại hội đã họp khẩn và có hình thức kỷ luật kịp thời đối với 2 VĐV này. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã có văn bản thông báo số 4664/TB-SVHTTDL về việc loại 2 VĐV này ra khỏi Đoàn thể thao TP Cần Thơ do vi phạm kỷ luật, các hình thức kỷ luật đã tương đối đầy đủ và có tính răn đe.
Đến ngày 28/11/2018, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 125 và 126/QĐ-VBF về việc kỷ luật 2 vận động viên này bằng các hình thức: Hủy thẻ vận động viên; Hủy kết quả phong cấp vận động viên và Cấm tham gia các hoạt động bóng rổ do Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tổ chức hoặc ban hành điều lệ trong thời hạn 10 năm.
Quyết định kỷ luật “có vấn đề”
Phải nói rõ rằng bất cứ hành vi phi thể thao nào đều phải bị xử lý và xử phạt thích đáng. Trong trường hợp này, ngay sau khi hành vi hành hung trọng tài của 2 vận động viên xảy ra, các vận động viên này đã bị trục xuất khỏi sân và tước quyền thi đấu tại Đại hội.
Sau khi có hành vi phi thể thao, Lê Văn Đầy đã chính thức gửi lời xin lỗi tới trọng tài Lê Huệ Thông và có những lời trần tình về hành động của mình: “Trong cuộc đời mình chưa bao giờ em nóng nảy và mất kiểm soát đến vậy. Em rất buồn khi mình lại hành động như thế. Có những thời điểm đội em gỡ chỉ còn 6 điểm, mọi người đã rất cố gắng nhưng những tình huống trên sân và quyết định của trọng tài gây nên ức chế. Tình huống đó em không nghĩ mình phạm lỗi vì thế em đã nóng giận và đập bóng xuống đất. Em nghĩ rằng mình chỉ bị nhắc nhở như những cầu thủ khác của Bình Thuận.
Nhưng khi đó trọng tài thổi lỗi kỹ thuật khiến em vô cùng bất ngờ rồi nóng giận và xảy ra sự việc như vậy. Em mong rằng mọi người sẽ thông cảm cho em phần nào với góc nhìn khác của sự việc. Việc em đánh trọng tài là em đã sai không thể bào chữa. Em đã sai rồi nhưng mong mọi người hãy nhìn sâu hơn để hiểu cho em một chút”.
Lê Văn Đầy được coi là tài năng trẻ của bóng rổ Cần Thơ, từng khoác áo Cantho Catfish tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA 2016 và cùng với Saigon Heat tham dự Giải bóng rổ Đông Nam Á 2016-2017.
Nhìn lại quyết định kỷ luật đối với 2 vận động viên này thì quả là có những điều lạ. Phóng viên đã liên hệ với một số thành viên của Tiểu ban Pháp chế, khen thưởng, kỷ luật của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam thì đa phần các thành viên Tiểu ban này không được biết, không bàn và không có bất cứ văn bản nào tham mưu đề nghị về hình thức kỷ luật cho 2 VĐV của Cần Thơ
Thẩm quyền và căn cứ để ra quyết định kỷ luật đối với các VĐV có xác đáng? |
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên liên hệ với ông Trần Yến (HLV trưởng đội bóng rổ nam Cần Thơ tại Đại hội Thao toàn quốc lần thứ 8) thì ông Yến cho hay: “Tôi không nhận được bất kỳ lời mời nào của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam để giải trình về vấn đề này mà chỉ biết qua thông báo của Liên đoàn”.
Tiếp tục liên hệ với một số Phó chủ tịch, thành viên Ban Thường vụ của VBF, phóng viên vẫn nhận được câu trả lời là không biết hoặc có trao đổi qua điện thoại nhưng không hề có họp hay văn bản nào gửi các thành viên Ban Thường vụ về vấn đề này.
Tiếp tục đi sâu tìm hiểu về các căn cứu pháp lý của Quyết định số 125 và 126/QĐ-VBF thì thấy nhiều bất cập. Thứ nhất, các căn cứ của quyết định đều thiếu cơ sở như căn cứ vào Điều lệ Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt tại quyết định 762/QĐ-BNV ngày 15/4/2016. Điều lệ này chỉ có các quy định về tổ chức bộ máy hoạt động của Liên đoàn, chức năng nhiệm vụ của từng vị trí và khen thưởng kỷ luật đối với các ủy viên BCH. Cũng căn cứ theo Điều lệ của VBF, Ban Thường vụ không có thẩm quyền để ra quyết định hành chính hay xử phạt như trên.
Căn cứ thứ hai là Thông tư số 01/2013/TT-BVHTTDL cũng chỉ quy định về một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Hội thể thao quốc gia.
Căn cứ thứ ba là Quy chế làm việc của Ban chấp hành cũng không có quy định nào liên quan đến kỷ luật.
Căn cứ thứ tư, cũng là điều khó hiểu nhất là việc VBF xử lý kỷ luật đối với vận động viên Việt Nam thi đấu tại giải quốc nội lại căn cứ vào kết quả làm việc với Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế (FIBA) ngày 25/11/2018 tại Singapore, mà nội dung cuộc làm việc là gì, làm việc với ai, kết luận như thế nào thì không được công bố.
Cuối cùng, căn cứ mạnh mẽ nhất để xử lý kỷ luật là Quy chế kỷ luật của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam thì đến thời điểm này vẫn không có, còn bộ phận chuyên trách là Tiểu ban Pháp chế, khen thưởng, kỷ luật thì lại không được tham gia bàn bạc hay lấy ý kiến mà thay vào đó, VBF lại xét đề nghị của Tổng Thư ký VBF là ông Lê Hoàng Anh và thành lập “khẩn” Ban kỷ luật theo quyết định số 124/QĐ-VBF vào ngày 16/11/2018 để ban hành Quyết định kỷ luật đối với các vận động viên Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng.
Có thể nói, đối với bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp của bất kỳ bộ môn thể thao nào, việc bị cấm thi đấu 10 năm không khác gì “án tử” đối với sự nghiệp của họ. Sau 10 năm, các cầu thủ nếu có tiếp tục được thi đấu thì chắc chỉ còn tham gia được giải dành cho lứa tuổi... lão tướng mà thôi. Cho nên cần phải làm rõ thẩm quyền của Ban thường vụ VBF trong việc ra quyết định và các căn cứ để đưa ra hình thức xử phạt đối với các VĐV này.