Lối đi đã được sử dụng gần nửa thế kỷ
Theo nội dung phản ánh tại bản án sơ thẩm của TAND TP Bến Tre và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre: Gia đình ông Viên có nhà tại thửa đất 237 tại xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre đã sinh sống ổn định nhiều năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để đi xe 02 bánh từ nhà ra ngoài đường 19/5 bằng nhựa (cách đó khoảng 300m), gia đình ông Viên phải đi qua đường đất qua phần đất của ông Nguyễn Bá Xuân và ông Lê Trung Bình (đất của ông Xuân, ông Bình đã được cấp sổ đỏ). Lối đi này hình thành từ trước năm 1975, trước đây có 4 hộ cùng đi gồm hộ bà Châu, ông Tế, ông Xuân và ông Viên. Đến nay ông Châu, ông Tế có lối đi khác, chỉ còn hộ ông Viên và ông Xuân đi.
Hiện tại gia đình ông Xuân vẫn cho ông Viên đi nhưng ông Bình làm rào lưới B40 ngăn lại. Lối đi qua đất của ông Bình có chiều ngang 1m, dài 13m. Ông Viên cho rằng việc gần nửa thế kỷ qua gia đình ông đi nhờ qua đất của ông Bình không ảnh hưởng đến lợi ích của ông Bình, đây cũng là lối đi duy nhất để gia đình ông có thể ra đường lộ một cách thuận tiện.
Bởi vậy khi ông Bình rào đường, ông Viên đã trao đổi với vợ chồng ông Bình để xin tiếp tục được đi trên lối đi cũ nhưng không được chấp thuận. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động hòa giải hai bên nhưng không có kết quả. Do vậy, ông Viên khởi kiện ra TAND thành phố Bến Tre yêu cầu được mở lối đi qua theo đúng quy định của pháp luật dân sự, ông sẽ chấp nhận bồi thường phần đất mở lối đi.
Bản án thể hiện nội dung ông Lê Trung Bình (bị đơn) trình bày: Trước đây ông có cho các hộ dân phía trong đi qua đất của ông để ra lộ trong đó có gia đình ông Viên. Quá trình đi trên phần đất của ông, ông Viên làm gãy nứt cầu và có thái độ, xử sự không đúng mực nên ông không đồng ý cho gia đình ông Viên đi trên phần đất của mình nữa. đồng thời ông Bình cho rằng ông Viên có đường đi khác thuận tiện hơn để đi ra lộ công cộng. Ông Bình còn cho rằng đường đi là đường công cộng nhưng nếu ông Viên muốn thì bắc cầu qua hàng rào lưới B40 mà đi. Ông không đồng ý cho ông Viên đi trên đất của mình nên không yêu cầu gì về việc bồi thường.
|
Lối đi này đã được gia đình ông Viên sử dụng đi ra đường lộ từ những năm 1975 |
Tại Bản án sơ thẩm số 69/2018/DSST ngày 22/8/2018 của TAND thành phố Bến Tre chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Viên, xác định đây là lối đi duy nhất của gia đình ông Viên ra đường lớn và lối đi này đã được sử dụng từ trước năm 1975, gia đình ông Viên không thể mở lối đi khác ngoài lối đi này. Bản án cũng ghi nhận sự tự nguyện của ông Viên bồi thường trên 7,8 triệu đồng cho diện tích đất dùng để mở lối đi cho gia đình…
Ông Bình kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 294/2018/DS-PT ngày 07/11/2018 của TAND tỉnh Bến Tre, đại diện phía bị đơn trình bày kháng cáo cho rằng gia đình ông Viên còn 2 lối đi khác ra đường 19/5. Tuy nhiên cấp phúc thẩm nhận định rằng gia đình ông Viên không thể mở lối đi khác thuận tiện ngoài lối đi đã có từ trước năm 1975, bản án phúc thẩm bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Ngay sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Viên đã làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Bến Tre và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 22,2m2 đất đường đi theo đúng bản án của cơ quan tòa án.
Ngày 15/1/2019, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre có văn bản kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm ngày 7/11/2018 của TAND tỉnh Bến Tre. Ngày 20/9/2019, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM ra kháng nghị, đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng sửa bản án phúc thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Điền Viên. Tại Quyết định phúc thẩm số 278 ngày 11/11/2019 Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị, sửa bản án dân sự phúc thẩm số 294 ngày 7/11/2018 của TAND tỉnh Bến Tre theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Điền Viên.
Quyết định giám đốc thẩm đẩy nguyên đơn vào thế khó
Theo ông Viên, nhận định của Quyết định giám đốc thẩm không xác đáng, vừa thiếu căn cứ thực tế vừa yếu về căn cứ pháp luật. Thực tế, lối đi đang tranh chấp là lối đi thuận tiện duy nhất đã được gia đình ông sử dụng gần 50 năm qua. Trước kia ông đã xây dựng nhà nằm gần con đường hình thành từ trước năm 1975, nhằm mục đích thuận tiện cho sinh hoạt, học tập, làm việc của gia đình.
Thế mà giờ đây, với quyết định của Tòa Cấp cao, ông sẽ phải đi lối đi khác xuyên qua khu đất trồng cây ăn trái vốn không có đường đi; để ra được đường phải chặt phá cây ăn trái trên phần diện tích đất có chiều dài khoảng hơn 300m, ngang khoảng 1,2m, tổng diện tích khoảng hơn 360m, rất tốn kém chi phí. Chưa kể, phần đất vườn này hiện ông đã bán cho chủ mới là bà Ngọc. Và để ra được đến đường ông phải đi nhờ phần đất của hai người hàng xóm là bà Châu và ông Thành. Mà quá trình xác minh ở cấp tòa trước đó, những người hàng xóm đều từ chối không đồng ý cho ông mở lối mới đi qua đất của họ và cho rằng ông đang có lối đi ổn định gần 50 năm qua.
Tại các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm của cơ quan tòa án tại địa phương cũng đã xem xét hết các tình tiết này, xem xét đến mức độ thuận tiện, mức độ thiệt hại, các ý kiến của bà Châu, ông Thành. Các hộ này cho rằng ông Viên đã có đường đi thuận tiện, hình thành từ trước năm 1975 và căn cứ nội dung tại Khoản 1 Điều 254 Bộ Luật Dân sự để quyết định ban hành bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Hiện gia đình ông Viên đang ở thửa đất 237, và thửa đất này chỉ có duy nhất một đường vào là đường hình thành từ trước năm 1975.
Theo ông Viên, nhận định của Quyết định giám đốc thẩm cho rằng “phần đất mở lối đi của ông Viên qua đất của ông Bình không phải nằm ở vị trí rìa thửa đất mà nằm lưng chừng trong thửa đất, gây khó khăn trong việc sử dụng đất của ông Bình” không chuẩn xác. Vì thực tế, phần diện tích đất làm đường là 22,2m2 hình thành từ trước năm 1975, khi ông Bình đến mua lại đất này có hàng rào phân cách với đường, bên kia là con rạch; trên đất là đường đi không có tài sản.
"Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã xác minh, thẩm tra rất kỹ căn cứ thực tế và ra phán quyết có lý, có tình khi chấp nhận yêu cầu được mở lối đi của tôi. Đây là con đường thuận tiện duy nhất đã được gia đình tôi sử dụng từ năm 1975 đến nay. Thật không ngờ bản án thấu tình, đạt lý đó lại bị tòa cấp trên kháng nghị, cải sửa. Với quyết định giám đốc thẩm như vậy đã đẩy gia đình chúng tôi vào tình thế khốn cùng vì không thể lo được kinh phí cũng như thủ tục mở đường mới để tiếp tục sinh sống, làm ăn" - Đơn của ông Viên thống thiết trình bày.
Được biết, hiện ông Viên đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan pháp luật Trung ương và báo chí với mong muốn được tiếp tục sử dụng (hạn chế) lối đi đã tồn tại từ năm 1975 đến nay, với thiện chí xin được bồi thường thiệt hại về phần đất.
Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.