Xin nghỉ không lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
Trình bày với Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Kim Yến (SN 1976, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Bà làm việc tại Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và du lịch Thắng Lợi nay là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng Lợi theo Hợp đồng lao động không số, không xác định thời hạn kể từ ngày 01/04/2007. Quá trình làm việc tại Công ty Thắng Lợi, bà Yến không bị xử lý kỷ luật lao động.
Từ tháng 4/2018, do công việc gia đình, bà Yến làm đơn xin nghỉ không hưởng lương từ tháng 5/2018 đến hết ngày 1/6/2018 và được lãnh đạo Công ty Thắng Lợi chấp thuận. Hết thời hạn trên bà Yến vẫn tiếp tục xin nghỉ việc không lương.
Đến tháng 2/2019, do có việc gia đình và do công ty ít việc nên bà tiếp tục làm đơn xin nghỉ việc không hưởng lương không thời hạn, cho đến khi Công ty yêu cầu đi làm. Trong thời gian bà xin nghỉ không lương, Công ty Thắng Lợi vẫn tạo điều kiện cho người lao động được đóng BHXH đầy đủ, tiền đóng BHXH do bà Yến nộp cho công ty.
Theo bà Yến trình bày, trong khi bà đang nghỉ và Công ty chưa yêu cầu đi làm trở thì bà bất ngờ nhận được Thông báo số 96/TB-DLTL ngày 25/04/2019 và Quyết định số 126A/QĐ-DLTL ngày 25/06/2019 về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ ngày 01/07/2019 với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Cho rằng việc Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với mình là trái pháp luật, bà Yến đã khởi kiện Công ty Thắng Lợi ra TAND quận Đống Đa yêu cầu giải quyết.
|
Đơn của bà Nguyễn Thị Kim Yến. |
Ngày 11/08/2020, TAND quận Đống Đa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” do bà Yến là nguyên đơn. Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn khẳng định việc Công ty Thắng Lợi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Yến là trái pháp luật.
Công ty Thắng Lợi không có tài liệu chứng cứ chứng minh đã ban hành văn bản về việc thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh trong công ty. Do thời gian chờ đợi lâu không thấy công ty yêu cầu đi làm trở lại nên bà Yến cũng không có nhu cầu trở lại làm việc nữa và đề nghị chấm dứt HĐLĐ đã ký giữa hai bên. Phía nguyên đơn yêu cầu Công ty Thắng Lợi bồi thường tổng cộng trên 100 triệu đồng
Đại diện Công ty Thắng Lợi trình bày nguyên nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là do đầu năm 2019 công ty có chủ trương cắt giảm nhân sự, tinh giản biên chế đồng thời động viên người lao động tìm việc mới. Quá trình chấm dứt HĐLĐ với bà Yến, Công ty đã tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật nhưng chưa đầy đủ (có thiếu sót phần thủ tục chưa thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh).
Ngoài ra Công ty khẳng định không có sai sót nào khác. Nay bà Yến không yêu cầu đi làm trở lại thì Công ty đồng ý chấm dứt HĐLĐ. Phía bị đơn không đồng ý với tất cả yêu cầu khác của nguyên đơn.
|
Bản án lao động sơ thẩm số 27/LĐ-ST ngày 11/8/2020 của TAND quận Đống Đa (Hà Nội). |
Bản án lao động sơ thẩm số 27 ngày 11/8/2020 của TAND quận Đống Đa đã tuyên: Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị Kim Yến; Xác định Quyết định số 126A/QĐ-DLTL ngày 25/06/2019 của Công ty Thắng Lợi là trái pháp luật; Buộc Công ty Thắng Lợi phải huỷ bỏ Quyết định trên; Ghi nhận bà Yến không có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Công ty; Buộc Công ty Thắng Lợi phải trả lương cho bà Yến (từ tháng 7/2019 đến 11/8/2020) và hỗ trợ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật với tổng số tiền là 89.489.660 đồng; Buộc Công ty Thắng Lợi phải đóng bảo hiểm xã hội cho bà Yến từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2020, sau đó trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
“Bản án đã đòi lại quyền lợi hợp pháp cho tôi - một người lao động yếu thế. Tôi mong bản án được thi hành để sớm ổn định công việc cũng như ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Công ty Thắng Lợi đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 14/10/2020, TAND TP Hà Nội đã thụ lý kháng cáo và để giải quyết theo trình tự phúc thẩm” – bà Yến trình bày.
Cấp phúc thẩm cho hoãn phiên tòa 4 lần không đúng căn cứ
Phiên tòa xét xử phúc thẩm dự kiến được mở vào 14h00 ngày 04/01/2021. Tuy nhiên, trước khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm, Công ty Thắng Lợi có đơn xin hoãn phiên tòa và vắng mặt không đến phiên tòa. Vì lý do này, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị hoãn lần thứ nhất và ấn định lịch mở lại vào 09h00 ngày 12/01/2021.
Thế nhưng, phiên tòa ngày 12/01/2021 lại phải hoãn vì Công ty Thắng Lợi vắng mặt lần thứ hai mà không có đơn xin hoãn hay đơn xin xét xử vắng mặt. Sáng 22/01/2021, phiên tòa mở lại nhưng Công ty Thắng Lợi xin hoãn lần thứ 3 để mời Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Mặc dù lý do xin hoãn phiên tòa trên không thuộc “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” để hoãn nhưng HĐXX lại tiếp tục cho hoãn lần thứ ba và ấn định lịch xét xử lại vào 09h00 ngày 03/02/2021.
Như vậy, dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng Công ty Thắng Lợi vẫn vắng mặt hai lần tại phiên tòa phúc thẩm, thế nhưng điều lạ là HĐXX phúc thẩm vẫn “ưu ái” chấp nhận lý do vắng mặt của bị đơn và tiếp tục cho hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm lần thứ tư ngày 03/02/2021, không thấy Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Thắng Lợi có mặt và lúc này Công ty Thắng Lợi mới cho biết họ không mời Luật sư mà tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sau khi kết thúc tranh tụng, HĐXX tiến hành nghị án kéo dài và thông báo tuyên án vào 14h00 ngày 05/02/2021.
Đến chiều ngày 05/02/2021, thay vì tuyên án theo dự kiến thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa lần thứ tư với lý do cần xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ các tình tiết Công ty Thắng Lợi gửi đơn đề nghị Công an quận Đống Đa điều tra, xác minh việc bà Nguyễn Thị Kim Yến có hay không có hành vi phạm pháp luật trong quá trình làm việc tại Công ty. Mặc dù tại Quyết định số 126A, Công ty Thắng Lợi không lấy lý do bà Yến vi phạm pháp luật để chấm dứt HĐLĐ với người lao động nhưng HĐXX vẫn chấp nhận yêu cầu của bị đơn, cho hoãn phiên tòa lần thứ tư.
Tòa phúc thẩm có “làm khó” người lao động yếu thế?
Theo Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Kim Yến, Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không liên quan tình tiết Công ty Thắng Lợi đề nghị Công an điều tra, xác minh. Chưa kể, quá trình xét xử sơ thẩm, cấp sơ thẩm đã thu thập đẩy đủ chứng cứ và thể hiện rõ tại trang 10 phần nhận định của bản án sơ thẩm: "Quá trình lao động tại Công ty Thắng Lợi, bà Yến không bị xử lý kỷ luật lao động."
|
Phần nhận định của Bản án lao động sơ thẩm số 27/LĐ-ST ngày 11/8/2020 tại Trang 10 ghi rõ: "Quá trình lao động tại Công ty Thắng Lợi, bà Yến không bị xử lý kỷ luật lao động". |
Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án các cấp và tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Công ty Thắng Lợi không giao nộp, cung cấp và đã thừa nhận không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Yến theo quy định pháp luật. Đối chiếu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259, Điều 296, Điều 304 BLTTDS năm 2015, việc HĐXX phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa lần thứ tư là trái pháp luật.
Trình bày với Báo PLVN, bà Yến bức xúc: “Tính đến nay, phiên tòa bị hoãn 04 lần với những lý do phía bị đơn đưa ra không xác đáng, không có căn cứ pháp lý để chấp thuận nhưng vẫn được HĐXX cấp phúc thẩm chấp thuận thay vì có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, cố tình kéo dài thời gian xét xử ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Tôi đã 2 lần gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên ông Chánh án TAND TP Hà Nội và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội nhưng không nhận được hồi đáp. Tính từ khi phiên tòa bị hoãn lần thứ tư đến nay đã gần nửa năm trôi qua nhưng tôi vẫn chưa biết khi nào sẽ mở lại phiên tòa...”
Bà Yến giãi bày: “Hơn 2 năm qua kể từ khi bị Công ty Thắng Lợi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, tôi muốn tìm công việc mới cũng khó vì hồ sơ BHXH vưỡng vào vụ kiện chưa giải quyết xong, khi đau ốm tôi không có BHYT. Bản chất vụ kiện đã được làm rõ qua phán quyết của bản án sơ thẩm, thế nhưng việc liên tục chấp thuận cho bị đơn được hoãn phiên tòa không có căn cứ của HĐXX phúc thẩm vô hình chung lại khuyến khích việc không tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp đã ra quyết định trái pháp luật gây thiệt hại đến người lao động; đồng thời đẩy người lao động yếu thế vào tình thế khó khăn hơn.
Đề nghị HĐXX sớm mở lại phiên tòa phúc thẩm với một phán quyết công tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động yếu thế; và quan trọng hơn là để pháp luật được thực thi nghiêm minh, công bằng.