Tràn lan thuốc và bài thuốc điều trị COVID-19 giả
Ngày 9/9 vừa qua, các trinh sát Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP HCM chặn ô tô tải nghi vấn ở quận 8 (TP HCM) để kiểm tra. Cơ quan công an đã phát hiện 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc được gọi là “Liên Hoa Thanh Ôn”. Toàn bộ số thuốc chưa được phép lưu hành và không có hóa đơn chứng từ.
Làm việc với cơ quan công an, tài xế Trần Văn Hoàng (SN 1983, quê tỉnh Kiên Giang) khai nhận số hàng được vận chuyển từ kho của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Toyo (địa chỉ ở quận Bình Tân, TP HCM). Mở rộng điều tra, công an đã khám xét kho hàng của công ty này và phát hiện thêm 9.200 hộp thuốc cùng loại.
Cơ quan điều tra xác định, cầm đầu trong đường dây này là Tham Vĩ Điệp (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Toyo). “Liên Hoa Thanh Ôn” được nhập lậu từ Trung Quốc. Loại thuốc này được quảng cáo là điều trị được bệnh COVID-19 và đang được bán lén lút cho người dân trong nước.
Hiện, cơ quan công an đang điều tra mở rộng, xác minh làm rõ hành vi những người liên quan để tiến hành truy bắt những người liên quan vụ án mua bán thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu.
Loại thuốc có thên “Liên Hoa Thanh Ôn” bị công an thu giữ. |
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, ngụ TP HCM) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (SN 1971, ngụ TP HCM) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
Theo cơ quan công an, vào ngày 20/8, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an TP HCM bắt quả tang đối tượng Thuận chở hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 có dấu hiệu giả mạo.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả của đối tượng Thuận và đồng bọn, công an tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu, hơn 600.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất. Trong đó, có hơn 3.000 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả nhiều nhãn hiệu dược có tiếng.
Tại cơ quan công an, đối tượng Thuận khai nhận, lợi dụng lúc tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, Thuận và đồng đã bọn tự ý mua nguyên liệu, đem về sản xuất ra những loại thuốc giả mạo rồi tổ chức bán ra thị trường để thu lời bất chính.
Ngoài việc bắt giữ đối tượng Thuận cùng 2 đồng bọn nêu trên, hiện Công an TP HCM tiếp tục mở rộng điều tra những đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa trị COVID-19 giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa chính thức khẳng định về loại thuốc nào đặc trị COVID-19 thì trên các mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin các loại thuốc đặc hiệu, “thần dược” có thể chữa trị COVID-19.
Thời gian qua, trên mạng xã hội, group hội nhóm lan truyền nhiều bài thuốc sử dụng Đông - Tây y kết hợp đảm bảo điều trị khỏi COVID-19 chẳng hạn như: “Ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin”.
Hoặc “Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cà phê giấm, xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp”.
“Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, nhớ thoa dầu gió vào lỗ mũi. Chú ý loại vi rút này nó sợ nóng, sợ dầu nên thoa dầu, hít dầu nhiều lần”, một bài thuốc điều trị COVID-19 khác lan truyền trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị COVID-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị COVID-19.
Có thể gây chết người từ các bài thuốc trên mạng
Liên quan đến việc đưa bài thuốc điều trị bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính áp dụng cho việc điều trị COVID-19, bác sĩ Huỳnh Minh Tâm - Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là hành động nguy hiểm bởi nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh và hướng dự phòng cũng như điều trị ở 2 nhóm bệnh này là hoàn toàn khác nhau.
Một bài thuốc điều trị COVID-19 được lan truyền trên mạng xã hội. |
Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuộc nhóm bệnh hô hấp mãn tính, nguyên nhân gây bệnh không phải do vi rút hay vi khuẩn mà chủ yếu là do tiếp xúc với các tác nhân kích thích từ bên ngoài (các phân tử khí độc hại, hóa chất độc hại hoặc các dị nguyên, thay đổi thời tiết…) gây ra viêm niêm mạc đường thở biểu hiện viêm phù nề niêm mạc, co thắt cơ trơn phế quản và tăng tiết dịch nhầy phế quản… hậu quả làm cho người bệnh khó thở dai dẳng. Đây là nhóm bệnh cần phải được tư vấn, quản lý và điều trị lâu dài để hạn chế tiến triển nặng của bệnh và các biến chứng do bệnh gây ra.
Còn COVID-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 gây ra. Ở mức độ nhẹ sẽ gây ra tình trạng viêm hô hấp trên; ở mức độ vừa trở lên sẽ gây ra tổn thương ở phổi mà đặc trưng là xuất tiết phế nang, phù nề xơ hóa mô kẽ và viêm đông đặc nhu mô phổi…; ở mức độ nặng của bệnh (vào ngày thứ 5 - 7, có thể kéo dài đến ngày thứ 10 từ khi nhiễm bệnh) cho thấy sự hiện diện của tổn thương thành phế nang và những tổn thương này phần lớn là do huyết khối trong mao mạch phổi dẫn đến hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ ở phổi. Hậu quả là gây ra giảm nồng độ oxy trong máu do các phế nang phổi không trao đổi được khí làm bệnh nhân khó thở.
“Việc áp dụng phác đồ điều trị của các bệnh lý hô hấp mãn tính khác trong trường hợp mắc COVID-19 hoàn toàn vô tác dụng, thậm chí có thể gây thiệt hại đến tính mạng người bệnh”, bác sĩ Tâm cho biết.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tại, việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Người dân cần cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên các mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng.
“Để công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 phát huy hiệu quả, người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng chống dịch, không chủ quan nhưng cũng không tin một cách mù quáng vào những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng”, bác sĩ Toàn khuyến cáo.
Có thể khẳng định, cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị đối với COVID-19. Và khi đại dịch COVID-19 tấn công mọi ngõ ngách trên hành tinh, ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân thì những thông tin sai lệnh, chưa được kiểm chứng liên quan đến dịch bệnh và phương pháp điều trị tràn lan trên các trang mạng xã hội chắc chắn sẽ gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống đại dịch.