Đáng nói, thửa đất tranh chấp trong vụ án là đối tượng của Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất được bị đơn và những người liên quan khai là tài sản chung của người chồng (đã mất) và hai bà vợ (trong đó người vợ trước cũng đã mất) để lại cho những người con của mình thừa kế nhưng hai cấp TAND huyện U Minh và TAND tỉnh Cà Mau đều bỏ qua không xem xét. Việc tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, công nhận hợp đồng chuyển nhượng đúng pháp luật và giao thửa đất cho phía nguyên đơn đồng nghĩa với việc lấy tài sản chung của các đồng thừa kế chia cho một người (nguyên đơn).
Đó là một số nội dung chính trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN của bà Nguyễn Thị Tèo (SN 1957, ngụ tại ấp 8, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) - bị đơn trong vụ tranh chấp hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bà Tèo và những người con của mình cho rằng gia đình bà đã bị hai cấp tòa của tỉnh Cà Mau xét xử thiên lệch, thiếu công bằng, khiến quyền lợi, tài sản của gia đình bị phương hại nghiêm trọng.
Nội dung vụ kiện
Theo bản án phúc thẩm số 340 ngày 26/12/2019 của TAND tỉnh Cà Mau và bản án sơ thẩm số 33 ngày 14/9/2018 của TAND huyện U Minh, nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau: Theo nguyên đơn – chị Quách Thị Phượng trình bày: Năm 1999 chị và chồng là anh Châu Tấn Hưng chuyển nhượng 4 phần đất của ông Dân, ông Sơn, bà Xuyến, ông Ba tại kênh Sáu Chờ thuộc ấp 8 xã Khánh Hòa huyện U Minh với diện tích 31.700m2. Trong 4 phần đất trên mới có phần đất của ông Ba đã được chị sang tên sổ đỏ.
Tháng 1/2003 chị Phượng có cầm cố cho ông Triều phần đất của bà Xuyến, ông Ba với giá 30 chỉ vàng. Cuối năm 2003 anh Hưng mất. Khoảng năm 2005 - 2006 chị Phượng đi nơi khác làm ăn giao 3 phần đất chuyển nhượng chưa sang tên cho cha chồng và mẹ kế là ông Châu Văn Trưởng (mất năm 2016) và bà Nguyễn Thị Tèo (bị đơn trong vụ án) để sản xuất và lo việc thờ cúng anh Hưng.
|
Nhà cửa, công trình bị đơn tôn tạo, xây dựng tại đất kênh Sáu Chờ trong thời gian quản lý, sử dụng đất này. |
Năm 2014 chị Châu Kim Thanh là em ruột anh Hưng chuộc lại đất và giao cho ông Trưởng, bà Tèo sản xuất. Năm 2016, chị Phượng đã trả cho chị Thành số vàng chuộc đất và đòi lại đất nhưng ông Trưởng, bà Tèo không trả dẫn đến tranh chấp.
Trong yêu cầu khởi kiện, chị Phượng yêu cầu ông Trưởng, bà Tèo trả phần đất đã cố cho Triều diện tích 21.400m2 (phần đất này có diện tích thực tế là 19.927,4m2); phần đất chuyển nhượng cho ông Sơn, ông Dân chị đang quản lý nên không đòi.
Phía bị đơn ông Trưởng, bà Tèo trình bày: Ông Châu Văn Trưởng có hai người vợ, vợ đầu là bà Dương Đông Mai (đã mất năm 1990), vợ sau là bà Nguyễn Thị Tèo; anh Hưng chồng chị Phượng là con của ông Trưởng và bà Mai. Ông Trưởng có thửa đất nông nghiệp diện tích 18.500 m2 (thực tế đo đạc là 18.858,1m2, tại kênh Lung Vườn) thuộc tờ bản đồ số 13, thửa số 520, 521, tọa lạc 8, xã Khánh Hòa, huyện U Minh.
Đất trên có nguồn gốc do cha ông Trưởng khai phá, trước năm 1975 đất này do vợ chồng ông Trưởng – bà Mai quản lý, sản xuất; khi bà Mai mất, ông Trưởng cưới bà Tèo về thì ông và bà Tèo cùng nhau quản lý sử dụng phần đất này. Đến năm 1995, UBND huyện U Minh (Cà Mau) cấp sổ đỏ đứng tên bà Nguyễn Thị Tèo.
Năm 2000, ông Trưởng bà Tèo thỏa thuận với vợ chồng anh Hưng, chị Phượng hoán đổi diện tích 18.858,1m2 tại kênh Lung Vườn lấy diện tích 31.700 m2 ở kênh Sáu Chờ. Do mối quan hệ cha con nên hai bên không làm thủ tục giấy tờ theo quy định.
Khi vợ chồng ông Trưởng và bà Tèo đến quản lý phần đất tại kênh Sáu Chờ, hiện trạng đất lúc đó là đất rừng tạp nên ông bà phải đào bao chu vi, đào mương lập ruộng để cấy lúa, cất nhà ở (nhà 4,9m x 20m) khoan cây nước ngầm, san lấp mặt bằng phía trước mặt tiền kênh Sáu Chờ, hiện nay nhà cửa và công trình, cây cối vẫn còn.
Năm 2003 anh Hưng mất, chị Phượng bỏ đi làm ăn xa đến khoảng năm 2016 chị Phượng quay về tranh chấp thì vợ chồng ông Trưởng và bà Tèo mới biết anh Hưng đã tự ý làm thủ tục sang tên từ Nguyễn Thị Tèo sang Châu Tấn Hưng cho thửa đất tại kênh Lung Vườn, có Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Phía bị đơn cho rằng Hợp đồng này là giả mạo, họ không hề biết, cũng chưa từng chuyển nhượng đất kênh Lung Vườn cho anh Hưng.
Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phản tố đề nghị Hủy hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, gia đình bà Tèo giao trả chị Phượng diện tích đất kênh Sáu Chờ, phía chị Phượng giao lại diện tích đất ở kênh Lung Vườn.
Tòa phúc thẩm “xử ép” bị đơn
Tại bản án sơ thẩm số 33 ngày 14/9/2018 của TAND huyện U Minh (Cà Mau) chấp nhận đơn khởi kiện của chị Phượng, tuyên buộc gia đình bà Tèo phải di dời công trình, tài sản để trả lại đất kênh Sáu Chờ cho chị Phượng. Tòa cũng tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên hủy hợp đồng hoán đổi đất giữa ông Trưởng - bà Tèo với anh Hưng - chị Phượng, buộc chị Phượng và những người liên quan có nghĩa vụ trả thửa đất kênh Lung Vườn cho gia đình bà Tèo.
|
Phần nhận định của bản án sơ thẩm làm căn cứ để chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. |
Theo phân tích của bản án sơ thẩm về việc xét yêu cầu phản tố của bị đơn thấy rằng có việc hai bên chuyển đổi đất vào năm 2000, chứng minh bằng việc nguyên đơn giao cho bị đơn quản lý phần đất tại kênh Sáu Chở của nguyên đơn, ngược lại bị đơn giao cho nguyên đơn sử dụng phần đất ở kênh Lung Vườn. Song tại thời điểm chuyển đổi đất, hai bên không làm thủ tục chuyển đổi đúng quy định của Luật Đất đai. Do đó chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, hủy hợp đồng chuyển đổi giữa hai bên, bị đơn giao trả lại nguyên đơn đất ở kênh Sáu Chờ, nguyên đơn trả lại bị đơn đất kênh Lung Vườn.
Về yêu cầu của bị đơn về việc hủy “sổ đỏ” thửa đất kênh Lung Vườn cấp cho anh Châu Tấn Hưng, bản án sơ thẩm nhận định, việc UBND huyện U Minh ra quyết định cấp sổ đỏ tuy có những điểm sai sót nhưng không thuộc trường hợp Quyết định trái pháp luật cho nên không cần phải tuyên hủy mà chỉ cần làm thủ tục chuyển tên “sổ đỏ” từ tên anh Châu Tấn Hưng sang tên bị đơn cũng phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên một số nội dung khác có liên quan.
|
Bản án phúc thẩm tuyên đất kênh Lung Vườn thuộc về phía bị đơn - trong khi đất này có nguồn gốc là di sản thừa kế của những người con ông Trưởng. |
Bản án sơ thẩm trên bị phía nguyên đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm bác yêu cầu phản tố của phía bà Tèo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Phượng cho rằng hợp đồng chuyển nhượng đất giữa hai bên là có thật, gia đình chị đã quản lý, sử dụng đất và được sang tên cho anh Hưng. Và yêu cầu này của nguyên đơn đã được cấp phúc thẩm chấp nhận, không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên chị Phượng và những người thừa kế của anh Hưng được quản lý sử dụng diện tích đất kênh Lung Vườn đã được cấp "sổ đỏ" mang tên anh Châu Tấn Hưng.
Vì sao bản án bị khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm?
Trắng tay sau bản án phúc thẩm, phía bị đơn tiếp tục hành trình khiếu nại giám đốc thẩm. Đơn thư của bà Nguyễn Thị Tèo trình bày: Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2018/DSST ngày 14/9/2018 của TAND huyện U Minh (Cà Mau) xét xử đất của ai thì trả về cho người đó là hợp lý, dẫu rằng cấp sơ thẩm đã “bỏ quên” công sức khai phá, tôn tạo, xây dựng của gia đình tôi ở kênh Sáu Chờ. Thế nhưng, thật không ngờ, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau ngoài việc tôi giao trả phần đất cho chị Phượng như Tòa án sơ thẩm tuyên, họ còn xử cho chị Phượng được quyền quản lý sử dụng cả phần đất của vợ chồng tôi ở kênh Lung Vườn (18.500 m2).
Đáng nói, theo lời khai của ông Trưởng, bà Tèo và những người liên quan thì diện tích đất kênh Lung Vườn có nguồn gốc của cha ông Trưởng để lại, quá trình tôn tạo có công sức của ông Trưởng, hai người vợ và những người con. Khi ông Trưởng và bà Mai mất đi thì đất kênh Lung Vườn sẽ phải được xác định là di sản thừa kế chung của những người con ông Trưởng, trong đó có anh Châu Tấn Hưng. Do đó, việc TAND tỉnh Cà Mau tuyên di sản đất kênh Lung Vườn thuộc về anh Châu Tấn Hưng (chồng chị Phượng) và những người thừa kế của anh Hưng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Hiện bà Nguyễn Thị Tèo đã gửi đơn yêu cầu Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm xử hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2018/DSST ngày 14/9/2018 của TAND huyện U Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 340/2019/DSPT ngày 26/12/2019 của TAND tỉnh Cà Mau.
Từ những phân tích trên thấy rằng nhận định của hai cấp Tòa về vụ án này còn có yếu tố thiên lệch, khiên cưỡng, không phù hợp với những tình tiết khách quan nên cần phải xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho phía bị đơn và những người liên quan và quan trọng hơn là để việc áp dụng và thực thi pháp luật được nghiêm minh, công bằng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.