Chết điếng người sau ngày tin lời “bà trùm xuất ngoại”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vay mượn, cầm cố tài sản mới gom góp được gần tỷ bạc đưa cho Hương lo thủ tục đi nước ngoài với hy vọng đổi đời nhưng điều mà nhiều người nhận lại là những giọt nước mắt cay đắng. Có người bị trục xuất, có công dân đang bị giam tại trại tị nạn. Đây là bài học cảnh tỉnh đắt giá cho những ai ôm giấc mộng vượt biên phi pháp.
Bị cáo Phạm Thị Hương tại phiên tòa.
Bị cáo Phạm Thị Hương tại phiên tòa.

“Quý bà” đưa người đi nước ngoài

Gương mặt ưa nhìn, giọng nói nhỏ nhẹ với lý lịch “sạch”, nhiều người không ngờ Phạm Thị Hương (41 tuổi) trú xã Mã Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) lại là bị cáo trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” vừa được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử mới đây. Đồng phạm trong vụ án này còn có bị cáo Trịnh Ngọc Thái (33 tuổi), trú xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị truy tố về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Theo cáo trạng, Phạm Thị Hương không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động tư vấn, môi giới, tuyển dụng, đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài lao động làm việc. Thế nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018-10/2019, Hương đã cấu kết với một số đối tượng tổ chức cho 10 công dân Nghệ An sang nước ngoài, chủ yếu đi Úc hoặc Mỹ theo hình thức du học hoặc du lịch rồi bỏ trốn để ở lại.

Chi phí mỗi lao động phải đóng cho bị cáo này từ 22.000-45.000 USD (khoảng 500 – 1 tỷ VNĐ), tùy thuộc vào nước đến. Cá biệt, có trường hợp phải đóng cho Hương 50.000 USD. Theo thỏa thuận, Hương được hưởng lợi từ 500USD đến 1000 USD/người xuất cảnh thành công.

Những người bị hại đều có chung yêu cầu Hương phải trả lại tiền và đưa người thân của họ về nước.Những người bị hại đều có chung yêu cầu Hương phải trả lại tiền và đưa người thân của họ về nước.

Trong 10 công dân được Hương và đồng bọn tổ chức đi nước ngoài có 5 công dân được đưa đi Thái Lan sau đó đi Dubai, tiếp đó đi Brazil rồi đến Panama. Tuy nhiên đến ngày 25/7/2019, những người này bị trục xuất trở về Thái Lan. Có 3 lao động được tổ chức đưa đi Mỹ nhưng bị bắt vào trại tị nạn ở Panama và Colombia.

Bên cạnh đó, còn có một lao động đóng 28.000 USD được đưa sang Newzealand rồi trốn ở lại lao động từ đó tới nay. Ngoài ra, có một lao động thỏa thuận đóng 50.000 USD cho Hương để đi Mỹ nhưng không thành, sau đó quay về Nghệ An.

Cơ quan điều tra xác định Phạm Thị Hương đã nhận của 10 công dân tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng và 141.000 USD (khoảng 3,2 tỷ) để tổ chức cho những người này trốn đi nước ngoài với mục đích lao động bất hợp pháp. Do không thực hiện được như cam kết, Hương đã trả lại cho gia đình một số công dân hơn 600 triệu đồng và 23.000 USD.

Như vậy, số tiền Hương chưa trả và hưởng lợi là 422 triệu đồng. Trong vụ án này, cơ quan chức năng còn xác định bị cáo Trịnh Ngọc Thái đã có hành vi môi giới 2 công dân cho Hương để tổ chức đưa đi Mỹ lao động, hưởng lợi số tiền là 23 triệu đồng.

Mất tiền, chồng bị giam

Phiên tòa xét xử các bị cáo ngày hôm ấy có khá đông người dân đến tham dự, trong đó có bị hại và thân nhân của bị hại. Khi được hỏi về việc bị các bị cáo lừa đảo, họ đều trả lời với một điểm chung: Vì cuộc sống khổ, với hy vọng đổi đời nên con trai và chồng của họ đã quyết định xuất ngoại. Để có khoản tiền lớn từ gần 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, họ chủ yếu vay mượn, cầm cố tài sản. Sau thời gian dài chờ đợi, họ được Hương cấu kết với một số đối tượng khác đưa đi nước ngoài, chủ yếu bằng con đường du lịch.

“Mấy ngày trước khi ra sân bay, Hương gọi điện cho gia đình tôi dặn mua quần áo và các đồ vật cần thiết để lên đường. Ngày chồng lên máy bay, tôi lo lắm, đủ mọi chuyện từ ăn uống, cuộc sống bên đó. Nhưng tôi không ngờ đó cũng là ngày bắt đầu những gian khổ, nguy hiểm của chồng tôi”, vợ một công dân đang bị giam trong trại tị nạn chia sẻ.

Theo lời người phụ nữ này: “Chồng của chị đi được một thời gian ngắn thì ở nhà nhận được tin là đã bị đưa vào trại tị nạn. Anh ấy kể cuộc sống thiếu thốn và nói gia đình gửi tiền sang để chi tiêu. Dù trước đó gia đình tôi phải vay mượn khắp nơi để lo cho chồng đi nhưng lúc này vẫn phải vay mượn thêm.

Đến nay, gia đình phải vay cả gần trăm triệu đồng. Nhưng điều tôi lo lắng là không biết đến khi nào chồng mình mới được thả về nước. Gia đình cũng đã thử ra Hà Nội nhờ đại sứ quán can thiệp, đưa người về nhưng không được. Mong muốn của chúng tôi hiện nay là người thân sớm được trả về nước và bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ đã nhận của gia đình tôi”.

Một người phụ nữ khác ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) cũng chia sẻ về nỗi lo suốt hơn 2 năm nay của gia đình khi con trai hiện đang bị giam ở trại tạm giam. Gương mặt khắc khổ, chị kể gia đình đã vay mượn để đưa cho Hương hơn 800 triệu đồng để con sang Mỹ. Thế nhưng, giấc mơ xuất ngoại của con trai chị đã hoàn toàn bị dập tắt vì đường dây tổ chức đưa người đi trái phép của Hương. Đến nay, con chị hiện vẫn ở trại tị nạn với cuộc sống vô cùng thiếu thốn, và nhiều hiểm nguy.

“Mong muốn duy nhất của chúng tôi hiện nay là con sớm được trở về nước để đoàn tụ cùng gia đình”, người phụ nữ này nói và cũng yêu cầu bị cáo Hương phải hoàn trả lại số tiền đã nhận của gia đình. Bởi hiện nay gia đình chị đang phải gánh trả tiền lãi suất hàng tháng.

Trong các công dân được Hương và đồng bọn đưa đi nước ngoài, có người đã bị trục xuất về nước nhưng cũng có người hiện đang ở lại. Thế nhưng vì sinh sống bất hợp pháp nên cuộc sống của những công dân này vô cùng khó khăn. Họ phải sống chui lủi trong lo sợ. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp càng khiến việc tìm kiếm công việc để mưu sinh nơi xứ người càng khó khăn hơn.

Tại phiên tòa, HĐXX đã nhắc nhở người dân cần cẩn trọng hơn trong việc tìm những đơn vị, tổ chức có chức năng, thẩm quyền đưa người đi nước ngoài để tránh tình trạng tiền mất, tật mang có khi là nguy hiểm đến tính mạng. Bởi không ít trường hợp đã thiệt mạng trong quá trình vượt biên sang xứ người mà sự việc 39 công dân thiệt mạng trong container ở Anh vào năm 2019 vẫn còn khiến nhiều người đau lòng.

Tại phiên tòa, bị cáo Hương thừa nhận việc nhận tiền, hồ sơ, hứa đưa người đi nước ngoài lao động bằng con đường du lịch. Bị cáo khai hiểu điều đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện vì hám lợi. Nữ bị cáo thể hiện sự hối lỗi và mong được giảm nhẹ hình phạt.

Cùng hầu tòa, bị cáo Thái khai nhận vì làm nghề bán vé máy bay nên đã nhận thêm dịch vụ tư vấn, đưa người đi nước ngoài. Bị cáo thừa nhận đã môi giới cho Hương 2 người đi nước ngoài.

Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Hương 4 năm tù, bị cáo Trịnh Ngọc Thái lĩnh án 15 tháng tù cho hưởng án treo theo tội danh đã truy tố. Về những đối tượng cấu kết với Hương để đưa người đi nước ngoài trái phép hiện đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ hành vi phạm tội.

Đọc thêm