Chiêu thức cực kỳ tinh vi của băng lừa đảo chiếm đoạn tiền của trung tâm tiệc cưới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giả vờ đóng cô dâu, chú rể… để đặt tiệc đám cưới, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của 13 cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc trên địa bàn, 41 bị cáo vừa bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt tổng cộng hơn 120 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, bị cáo chủ mưu lãnh mức án 15 năm tù.
Bị cáo H’BLuên Kriêng - kẻ chủ mưu vụ án.
Bị cáo H’BLuên Kriêng - kẻ chủ mưu vụ án.

Đóng giả cô dâu, chú rể đặt tiệc lừa đảo

Chiều 1/4, sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 41 bị cáo cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cả 41 bị cáo này đều tham gia đường dây đóng giả người nhà, giả cô dâu, chú rể chuẩn bị tổ chức đám cưới để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc.

Theo cáo trạng, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, H’BLuên Kriêng (SN 1985, ngụ buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã bàn bạc với 40 đồng phạm lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tiền của các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc.

Nhóm này lên kế hoạch phân công người đóng giả cô dâu, chú rể, họ hàng đôi bên… để liên hệ đặt tiệc. Sau khi được ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc, các đối tượng sẽ ngỏ lời mượn và ứng trước tiền của cơ sở, hứa hẹn sau khi đãi tiệc xong sẽ gom tiền mừng để trả lại hết.

Tổng cộng 13 cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc đã sập bẫy thủ đoạn của nhóm này. Sau khi nhận tiền, các đối tượng chia nhau tiêu xài. Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã gây ra 101 vụ lừa đảo với số tiền lên đến hơn 1,6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, đại diện cơ sở tiệc cưới Ngọc Thanh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho biết, tại địa phương phần lớn người dân đều rất khó khăn và không có tiền tổ chức đám cưới. Do vậy, người dân thường ký hợp đồng đặt tiệc rồi xin cơ sở ứng trước khoảng 10 - 20 triệu đồng để lo thủ tục cưới hỏi. Khi đãi tiệc xong xuôi, chủ nhà sẽ lấy tiền mừng cưới để thanh toán tiền đặt tiệc và cả tiền tạm ứng. Tổng cộng cơ sở tiệc cưới Ngọc Thanh đã bị nhóm đối tượng lừa đến 18 vụ, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 270 triệu đồng.

Đối với cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc Hoa Nỡ (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), H’BLuên Kriêng đã dẫn chủ cơ sở đến nhà của một người dân (ngụ xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar, người này đã được H’BLuên Kriêng bàn bạc từ trước) để chỉ địa điểm tổ chức tiệc mừng. Tại đây, H’BLuên Kriêng giới thiệu cô dâu, chú rể đã được mình phân công đóng giả để tạo niềm tin và ngỏ lời mượn trước 25 triệu đồng để mua đồ cưới, sắm vật dụng cưới. 

Sau đó, chủ cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc Hoa Nỡ đã cho nhóm này mượn 25 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó nhóm này không thực hiện như hợp đồng đã ký và cũng không hoàn trả lại tiền mượn.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. 

Tại phiên tòa xét xử, hầu hết các bị cáo đều là người đồng bào Êđê và đều tỏ ra hối hận về việc làm của mình. Bị cáo H’Ngon Niê (ngụ xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) thừa nhận bản thân là người ít học và không lường được việc mình làm lại vi phạm pháp luật. 

Năm 2019, H’Ngon Niê được một người cùng buôn rủ mượn tiền của các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc. Nghe lời, H’Ngon Niê đóng giả là người cần tổ chức tiệc sinh nhật, tiệc mừng đám cưới cho người thân để mượn trên 50 triệu đồng.

Bị cáo H’Ngon Niê cho biết, hiện nay gia cảnh của gia đình đang rất khó khăn, không có tiền, trong khi con cái lại còn nhỏ. Do vậy, bị cáo mong nhận được bản án khoan hồng, không phải bị tù giam để có điều kiện đi làm trả nợ.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đặt tiệc

Theo nhận định của HĐXX, trong vụ án này, có nhiều bị cáo tham gia lừa đảo chiếm đoạt của một số chủ các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc với số tiền lớn. Tuy nhiên, vai trò trong từng vụ lại khác nhau nên cần xem xét kỹ lưỡng. 

Theo đó, 31/41 bị cáo có tình tiết tăng nặng vì thực hiện hành vi 2 lần trở lên. Bên cạnh đó, hầu hết các bị cáo đều nhận được tình tiết giảm nhẹ như khai nhận hành vi, người dân tộc thiểu số. Có nhiều bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, tự động khắc phục một phần hoặc hoàn toàn hậu quả nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, tại phiên tòa, phía bị hại cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 41 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với hơn 120 năm tù. Trong đó, bị cáo chủ mưu H’BLuên Kriêng bị tuyên 15 năm tù. H’BLuên Kriêng bị cáo buộc đã cùng những người khác thực hiện 59 vụ lừa đảo đối với 11 chủ cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Bị cáo H’Yãn Kbuôr bị tuyên 8 năm tù. Nhiều bị cáo bị tuyên từ 1 năm đến 7 năm 6 tháng tù. 10 bị cáo bị tuyên 1 năm nhưng cho hưởng án treo. Một bị cáo bị tuyên 9 tháng 17 ngày và đã chấp hành xong án.

Liên quan trong vụ án này, bị can H’Mri Byă (ngụ buôn Cuôr, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar) sau khi khởi tố đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã nhưng chưa bắt được nên đã ra quyết định tách vụ án đối bị can H’Mri Byă, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định.

Ngoài ra, còn có 10 đối tượng khác có hành vi liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án. Thế nhưng, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa làm việc được nên chưa đủ căn cứ xử lý. Do đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của 10 đối tượng này ra để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong những năm gần đây, dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc tại gia đình ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn, bởi phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn. Nếu một địa bàn có nhiều cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngầm giữa các chủ cơ sở bằng nhiều hình thức khuyến mãi, cho tạm ứng tiền. 

Trong khi đó, thông thường tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, để tổ chức tiệc cưới thì gia chủ cần một khoản tiền lớn để trang trải các khoản chi phí. Bằng việc tin tưởng nhau, các chủ cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc ở địa phương thường cho gia chủ tạm ứng số tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng để lo công việc. Khi hỷ sự hoàn tất, gia chủ sẽ trả lại số tiền đã ứng trước đó. 

Lợi dụng cơ hội này, bọn lừa đảo vào cuộc. Thủ đoạn tinh vi, dàn dựng công phu như đóng giả vai mẹ cô dâu, thậm chí là cô dâu, chú rể và đi chụp hình cưới giả nên các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc không nên dễ dãi cho tạm ứng tiền để rồi sập bẫy của tội phạm lừa đảo.

Thiết nghĩ, đây là phương thức lừa đảo mới của bọn tội phạm. Do vậy, người dân, nhất là các cơ sở dịch vụ nấu nướng phục vụ đám tiệc hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, khi có nghi vấn thì kịp thời báo cáo cho cơ quan công an biết để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ.

Đọc thêm