Chồng tôi đã tật nguyền lại còn bị cha mẹ không chia cho di sản thừa kế

(PLVN) - Quá trình chung sống với cha mẹ, chồng tôi tính tình không được ôn hòa (do anh ấy bị khuyết tật bẩm sinh, không có khả năng lao động) nên bị cha mẹ ghét bỏ. Trước khi mất, cha mẹ chồng tôi đã lập di chúc không cho chồng tôi được hưởng thừa kế, khiến vợ chồng tôi có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà trong khi không có khả năng tạo lập chỗ ở khác.. 
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Hỏi: Do hoàn cảnh khó khăn (chồng tôi bị khuyết tật bẩm sinh) nên vợ chồng tôi phải ở chung với cha mẹ. Quá trình chung sống khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn vụn vặt dẫn đến việc thay vì thương xót, đùm bọc để bù đắp thiệt thòi cho đứa con tàn tật thì chồng tôi lại bị cha mẹ ghét bỏ.

Nhưng điều khiến tôi không ngờ, đau đớn nhất là trước khi mất, cha mẹ chồng tôi đã lập di chúc chia tài sản thừa kế mà không chia phần cho chồng tôi. Xin hỏi trong hoàn cảnh này liệu chồng tôi có bị đuổi ra khỏi nhà của cha mẹ không, khi mà anh ấy tàn tật từ nhỏ không có khả năng tạo lập chỗ ở riêng và thực sự chồng tôi cũng chưa làm điều gì quá đáng với cha mẹ đến mức bị truất quyền thừa kế? (Chị Hoàng Thị Chi, 38 tuổi ở Bình Định).

Luật sư trả lời: Xin bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của vợ chồng chị khi mà tình trạng “con yêu, con ghét” vẫn còn tồn tại trong cuộc sống, trong khi phận làm con nào dám trách cha mẹ.

Pháp luật dân sự quy định người lập di chúc phân chia tài sản có quyền chỉ định người thừa kế hoặc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kì ai. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền lợi của một số chủ thể đặc biệt và cũng là để hạn chế một phần việc chi phối bởi ý chí chủ quan, cảm tính của người lập di chúc, Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 644 có quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: 

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 kể trên, chồng của chị là con đã thành niên mà không có khả năng lao động, và không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản thừa kế theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự nên dù anh ấy không được cha mẹ di chúc cho tài sản nhưng chồng chị vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. 

Đọc thêm