Chủ tịch huyện Chư Sê bị thanh tra trách nhiệm do để khiếu kiện kéo dài

(PLVN) - UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành chức năng tham mưu việc thành lập đoàn, tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đối với ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê. Nguyên nhân, do UBND huyện Chư Sê không thực hiện đúng các qui định pháp luật về đất đai trong việc bồi thường, hỗ trợ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê(Gia Lai).
Ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê(Gia Lai).

Hàng loạt sai phạm về đất đai 

Trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi Trường đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều sai phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của UBND huyện Chư Sê tại một số dự án của địa phương này. Tại Kết luận thanh tra số 80/KLSTNMT ngày 1/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã chỉ rõ UBND huyện Chư Sê có nhiều sai phạm trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất tại nhiều dự án trọng điểm.

Cụ thể, UBND huyện Chư Sê đã chưa đảm bảo đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và thu hồi đất; UBND huyện Chư Sê còn không xem xét phê duyệt hỗ trợ đối với người đang sử dụng đất nông nghiệp; không chấp hành nghiêm kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai 2013...

Do những sai phạm trên nên đến nay tại một số dự án trọng điểm tại Chư Sê vẫn còn tồn tại nhiều kiến nghị, khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi. Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/5 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản nhắc nhở UBND huyện Chư Sê về việc không tiếp công dân có khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, dẫn đến nhiều người dân phải khiếu kiện kéo dài lên các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương.

Trụ sở UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).
Trụ sở UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). 

Đặc biệt, tại Dự án Khu trung tâm hành chính, Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê và việc thu hồi 23,4 hecta đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai của 32 hộ dân xã Dun và xã Ia Pal (huyện Chư Sê) xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp.

Theo báo cáo số 260/BC-STNMT ngày 9/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai (được giao giám sát quá trình thực hiện) nêu rõ, thay vì thực hiện hỗ trợ 2,5 lần theo theo Quyết định số 21/2014/QĐUBND ngày 12/9/2014 của UBND tỉnh Gia Lai, thì một lần nữa UBND huyện Chư Sê lại chỉ xây dựng phương án bồi thường 1,5 lần cho 32 hộ dân khiếu kiện tại dự án Khu hành chính trung tâm và Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê.

Lý do là UBND huyện Chư Sê xây dựng phương án theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 9/01/2020. Điều này không những không đúng quy định, mà khiến người dân địa phương bức xúc, tiếp tục kéo tới trụ sở tiếp dân của huyện Chư Sê. Còn đối với việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 23,4 hecta đất theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt cho công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai, tới nay, UBND huyện cũng chưa giải quyết xong theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. 

Thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch huyện

Mặc dù, đã có nhiều nội dung trái các quy định trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến người dân bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại,

khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nhưng đến nay UBND huyện Chư Sê vẫn không có bất cứ biện pháp, động thái tích cực nào để giải quyết vấn đề tồn đọng này tại địa phương, không thể trấn an người dân khiến tình hình trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp.

Đặc biệt, sau nhiều lần Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ra văn bản chỉ đạo, đôn đốc, thậm chí làm việc trực tiếp, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn không thực hiện đúng trong việc bồi thường, hỗ trợ tại một số dự án trọng điểm tại địa phương.

Vì vậy, vừa qua UBND tỉnh Gia Lai  vừa ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành chức năng tham mưu việc thành lập đoàn, tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đối với ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê.

Nguyên nhân, do UBND huyện Chư Sê không thực hiện đúng các qui định pháp luật về đất đai trong việc bồi thường, hỗ trợ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Cụ thể, văn bản hỏa tốc số 1470/UBND-BTCD ngày 15/7/2020 về ‘Giao đề xuất thanh tra công vụ’, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Chánh thanh tra tỉnh căn cứ hồ sơ vụ việc và Kết luận 71/TB-VP ngày 2/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai để xây dựng dự thảo, tham mưu UBND tỉnh Quyết định thanh tra trách nhiệm đối với ông Nguyễn Hồng Linh.

Công văn này nêu rõ, thành phần Đoàn thanh tra gồm: Trưởng đoàn là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, Phó đoàn là 1 lãnh đạo Thanh tra tỉnh, từ 2-3 thành viên là công chức thanh tra Sở Nội vụ. Dự kiến thời hạn thanh tra hết ngày 23/7/2020. Ngày 30/6, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Chư Sê, trong đó có ông Nguyễn Hồng Linh.

Ngày 2/7, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ban hành Công văn hỏa tốc số 71/TBVP truyền đạt ý kiến của ông Võ Ngọc Thành. Theo đó, trách nhiệm chính của việc để người dân Chư Sê liên tục khiếu nại đông người, kéo dài thuộc về Chủ tịch UBND huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Chư Sê tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm 2 vụ việc trên trước ngày 10/7/2020. Nếu tới thời hạn này, UBND huyện Chư Sê không thực hiện, ông Linh sẽ bị xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Trong thời gian gần đây, UBND huyện Chư Sê cũng đang bị thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra liên quan đến vụ việc hơn 7.000 m2 “đất vàng” bỗng dưng có sổ đỏ dù đã nằm trong quy hoạch. Cụ thể, một lô đất 3 mặt tiền, với diện tích hơn 7.000 m2 nằm trong kế hoạch thu hồi đất để làm dự án Khu trung tâm hành chính và Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê (Gia Lai), nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn đưa ra ngoài quy hoạch và làm thủ tục chuyển thành đất ở cho cá nhân. Lý do để lại là: “Qua nhiều lần đối thoại bồi thường giải phóng mặt bằng, hộ gia đình không thống nhất”. Đáng nói, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành hướng dẫn, cho phép chuyển đổi 7.000m2 đất trồng cây lâu năm trên sang đất ở cho cá nhân và ghi nợ tiền chuyển đổi đất là hơn 1,5 tỷ đồng. 

Đọc thêm