Hỏi: Chú tôi đang thụ án tù trong trại giam, gần đây chú phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo nên muốn lập di chúc phân chia tài sản cho các con khi còn đang khỏe mạnh, minh mẫn. Xin hỏi chú tôi có được xin phép trại giam cho về nhà làm các thủ tục công chứng, chứng thực di chúc hay bắt buộc phải mời công chứng viên vào trại giam để công chứng việc lập di chúc?
Nếu ở trong trại giam, chú tôi chỉ lập di chúc bằng văn bản mà không có người làm chứng thì liệu có hợp pháp không? (Anh Vũ Đạt, 27 tuổi ở An Giang) .
Trả lời: Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, mọi công dân (không phân biệt có bị pháp luật hạn chế một số quyền công dân, quyền tự do đi lại… hay không) nếu có tài sản đều có quyền lập di chúc với điều kiện nội dung di chúc phải hợp pháp theo Điều 630 và tuân thủ các quy định về trình tự, nội dung trình bày bản di chúc theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015.
Tại Điều 635 Bộ luật này quy định: người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng/chứng thực bản di chúc chứ pháp luật không quy định bắt buộc di chúc phải có công chứng/chứng thực.
Theo các quy định trên, chú của bạn sẽ không nhất thiết phải mời công chứng viên đến trại giam để công chứng việc lập di chúc của mình; cũng như không được phép xin về nhà để thực hiện các thủ tục lập di chúc. Việc chú của bạn muốn lập di chúc bằng văn bản mà không có người làm chứng cũng không được xem là hợp pháp trong thời gian đang phải chấp hành hình phạt tù.
Bộ luật Dân sự 2015 tại Khoản 6 Điều 638 có quy định riêng về việc lập di chúc của người đang phải chấp hành hình phạt tù. Theo đó di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
Như vậy sau khi hoàn thiện bản di chúc với nội dung hợp pháp, hình thức tuân thủ đúng quy định, chú của bạn cần phải xin chữ ký của giám thị trại giam, có đóng dấu xác nhận của trại giam.