Câu đối khó giải
Ngày xưa, dưới đời nhà Tống (Trung Quốc), tại một làng thuộc huyện Lâm Đĩnh, phủ Hứa Châu, tỉnh Hà Nam, có một cậu Tú tài, gia đình giàu có, chưa vợ, tên là Tú Di.
Dân làng này chuộng văn học nên trường làng được xây cất rộng rãi lại có thêm cả chỗ cho học trò tối đến có thể ngủ lại. Tú Di cũng thường hay tới lui đó cùng chúng bạn đọc sách, làm bài. Anh em bạn của Di đều đứng đắn, hiền lành ngoại trừ một người tên là Trịnh Chánh.
Làng bên có một nàng tuổi vừa mười sáu, nhan sắc mặn mà, tuy không đến trường nhưng nhờ thông minh và lại được cha chú rèn luyện nên tài học xem ra còn hơn bọn Tú Di gấp bội. Đó là Y Trình Nương. Nàng thường ao ước được một tấm chồng nếu không tài giỏi hơn, thì cũng phải đồng tài đồng sức.
Năm ấy, cha mẹ Tú Di đánh tiếng hỏi Trình Nương cho con. Gia đình Trình Nương nhận lời, thế là ít lâu sau, lễ cưới được cử hành.
Đêm tân hôn, Tú Di vào phòng toan thay áo đi ngủ bỗng nàng Trình Nương cản lại: “Chàng là người ăn học, thiếp đây cũng chẳng phải là kẻ quê mùa dốt nát. Đôi ta xứng đáng nên duyên vợ chồng. Nhưng thiếp nghĩ chúng ta nên có hành động khác kẻ phàm phu tục tử. Đêm nay, thiếp nghĩ ra một câu đối, chàng mà đối được thiếp xin vui vẻ trao thân. Nếu chẳng đối được thiếp xin chàng vui lòng gác chuyện động phòng lo học thêm cho khá đã”.
Tú Di bảo vợ cứ ra câu đối để chàng đáp lại cho vui. Trình Nương đọc liền vế xuất như sau: “Điểm đăng đăng các, các công thư” (Điểm đăng là đốt đèn; Đăng các là lên lầu; Các công thư là mọi người cùng chăm học. Câu này dịch nghĩa là: Chong đèn trên gác cùng đọc sách). Tú Di đứng lặng, suy nghĩ hồi lâu chẳng tìm ra vế đối, bèn hổ thẹn rút lui ra khỏi phòng the.
Lúc này Trình Nương hối hận vô cùng vì thực tình nàng chỉ muốn giỡn chơi cho vui nào ngờ Tú Di quá hổ thẹn mà bỏ ra đi. Cuối cùng nàng tự an ủi rằng thế nào chồng cũng hiểu là nàng muốn đùa một chút thôi và như vậy chàng sẽ trở lại. Nghĩ vậy, nàng cứ để cửa khép hờ rồi vào phòng tắt đèn lên giường nằm.
Đạo tặc “hái hoa”
Nói về Tú Di, sau khi ra khỏi nhà, chàng bèn đi thẳng đến trường làng, tới nơi thì đã gần nửa đêm nhưng trong đám bạn học có vài người còn thức đọc sách. Thấy Tú Di đến trường giữa đêm tân hôn, họ chạy ra hỏi chuyện, Trịnh Chánh cũng trong số đó.
Tú Di thật thà kể rõ nguồn cơn và đọc câu đối của vợ cho chúng bạn nghe. Cả đám học trò nghe xong cũng chịu bó tay, không đối nổi. Cả lũ bông đùa thêm một lát rồi rủ nhau đi ngủ. Khi mọi người đã ngủ say, bỗng một bóng đen từ phía giường học trò chuồi xuống đất và lén đi ra ngoài.
Bóng đen đi nhanh về phía nhà Tú Di. Gần tới nhà Tú Di bóng đen đứng lại lấy vạt áo lau mồ hôi trán đoạn đưa mắt nhìn chung quanh. Bóng đen nhẹ nhàng đẩy cửa vào nhà và đi thẳng vào phòng Trình Nương.
Nói về nàng Trình Nương vẫn không sao ngủ được từ lúc chồng bỏ ra đi, bỗng nghe có tiếng người lén đi vào cho là chồng về nên cất tiếng êm ái hỏi: “Phải chàng đấy ư? Chàng đã tìm ra câu đối rồi sao?”.
Bóng đen không trả lời cứ lùi lũi tiến về giường, vén mùng chui vào. Trình Nương cũng không muốn hỏi nữa sợ chồng thêm thẹn. Thế là người bí mật cứ tự nhiên ân ái với Trình Nương. Khi trời mới tờ mờ sáng, Trình Nương đang ngủ say thì người bí mật đã lén dậy trở về trường nằm ngủ mà không ai hay biết.
Sáng ra, Tú Di từ trường về nhà gặp Trình Nương, bảo vợ rằng: “Vì kém tài nên đêm qua ta không tìm được câu đối, nghĩ ra hổ thẹn vô cùng nên bỏ đi suốt đêm giờ này mới về, thật là lỗi phận làm chồng, mong nàng chớ lưu tâm”.
Trình Nương nghe như chết điếng cả người, hỏi kỹ lại mới biết chắc đêm qua Tú Di ngủ lại trường với chúng bạn. Đến lúc này nàng mới biết mình đã bị kẻ gian làm nhục. Trình Nương vô cùng đau khổ, đến tân lang của mình còn không phân biệt được thì nỗi hổ thẹn này biết giãi bày cùng ai, vậy nên nàng ra vẻ bình tĩnh: “Nếu quả thật đêm qua chàng không về thì đôi ta cách biệt từ đây, xin chàng hãy quên thiếp đi và chăm chỉ học hành”.
Tú Di vô tình không biết đây là câu vĩnh biệt của nàng. Trình Nương lặng lẽ vào phòng lấy dây thắt cổ tự tử.
Tú Di tự trách mình bỏ đi biền biệt suốt đêm tân hôn khiến Trình Nương tủi phận, hờn duyên mà tự vẫn nên chàng khóc lóc thảm thiết, rồi vì quá xúc cảm nên chết đi sống lại mấy lần. May được cha mẹ hết lòng an ủi vỗ về, Tú Di mới tạm dẹp mối sầu mà lo ma chay cho người vợ bạc mệnh.
Vế đối trong mộng
Qua 3 năm, một hôm nhân tiết Trung thu, Bao Công đi tuần sát đến huyện Lâm Đĩnh. Tối đó trăng rằm sáng tỏ, Bao Công ngồi gần cây ngô đồng trông trăng uống rượu. Đối cảnh sinh tình, Bao Công muốn làm một câu đối để ghi lại cảnh đẹp đêm nay. Ông tìm được câu: “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt” (Dĩ ỷ là lấy ghế; Ỷ đồng là ngồi tựa cây ngô đồng. Đồng ngoạn nguyệt là cùng thưởng trăng). Ông loay hoay nghĩ mãi không đối được, đến lúc mỏi mệt tựa lưng vào ghế thiếp đi. Bỗng ông chiêm bao thấy một người con gái xinh đẹp tiến đến gần ông và quỳ xuống nói: “Đại nhân nghĩ làm chi cho thêm mệt trí. Vế đối là “Điểm đăng đăng các, các công thư”.
Bao Công giật mình tỉnh dậy cho là điều lạ. Sáng hôm sau, Bao Công mời các cậu tú trong huyện đến để khảo chữ. Tú Di nghe lệnh truyền cũng vội vã cùng chúng bạn rủ nhau đến nơi.
Khi mọi người đã tề tụ, Bao Công bèn ra bài thi, đề tài là: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” (nghĩa là đối với quỷ thần nên kính mà xa ra, một câu rút trong sách Luận ngữ). Ông cũng lại bảo học trò hãy thử đối câu ông ra là “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt”. Tú Di thấy câu đối ấy xứng với câu vợ chàng đã ra trước đây nên hạ bút viết liền “Điểm đăng đăng các, các công thư”.
Xem đến bài của Tú Di, Bao Công liền cho gọi vào hỏi: “Ta thấy văn chương anh thường lắm, làm sao anh đối nổi câu ta ra. Ai là tác giả câu đối đó, hãy nói thật”.
Tú Di ứa nước mắt thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Bao Công hỏi thấy lạ, liền hỏi: “Anh vừa nói không biết vì lý do vì vợ anh tự tử sau đêm tân hôn, phải vậy không?”. Tú Di đáp: “Dạ, thiệt tình tôi không biết vì sao cả”.
|
Kẻ "trộm tình" cuối cùng bị Bao Công xử tội chết |
Bao Công hỏi tiếp: “Theo lời anh thì sáng hôm anh ở trường về nhà, vợ anh cật vấn anh mãi để biết chắc là đêm tân hôn anh không có về, phải không?”. Tú Di đáp phải, Bao Công suy nghĩ một lát rồi nói: “Nghe anh nói không có về nhà đêm trước, lúc đầu Trình Nương cho là anh nói chơi để chọc nàng. Nhưng sau thấy anh nói quyết rằng không có về đêm tân hôn, nàng hỏi lại cho chắc. Ta đoán ra lý do khiến nàng tự tử vì quá hổ thẹn, đêm tân hôn nàng đã lầm mà ân ái với một người không phải là chồng nàng. Anh thử nhớ lại xem ngoài chúng bạn ra, có ai biết câu chuyện câu đối vợ anh ra cho anh đêm tân hôn không?”.
Tú Di quả quyết chàng chỉ thuật chuyện cho chúng bạn ở trường nghe đêm ấy thôi. Bao Công xác định kẻ gian chính là một trong các bạn của Tú Di mà thôi nên hỏi anh ta có nghi cho ai không?
Tú Di đáp: “Dạ, có tên Trịnh Chánh không phải là người đàng hoàng. Nhưng tôi không biết có phải hắn đã làm nhục vợ tôi không”.
Bao Công đáp:
- Thủng thẳng để ta coi xem sao.
Bao Công gọi 2 người lính vào và ra lệnh đi bắt Trịnh Chánh về tra hỏi. Quá bất ngờ khi bị gọi, Trịnh Chánh “thần hồn nát thần” tính vội thú nhận hết tội lỗi. Bao Công truyền ghi lời khai rồi lên án chém đầu Trịnh Chánh để làm gương cho kẻ khác. Ai nghe chuyện cũng phục Bao Công là tài.