Hỏi: Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất nên rất yêu thương, cưng chiều. Thế mà, bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, con gái tôi vẫn quyết tâm lấy người mình yêu. Bước vào hôn nhân, con gái mới biết lấy phải người chồng đã nghèo tính tình lại độc đoán, gia trưởng, cả ghen. Sau khi kết hôn, để chiều theo ý chồng, con gái tôi phải nghỉ làm ở công ty nước ngoài để chọn một công việc khác.
Không chỉ quản lý chặt chẽ về tiền bạc, con gái tôi còn bị chồng nó còn quản lý, giám sát nghiêm ngặt về thời gian chỉ vì sợ vợ đi theo trai, mang tiền cho trai… Gần đây, con rể mất việc làm nghỉ ở nhà, mọi gánh nặng kinh tế do một mình con gái tôi lo liệu.
Là người mẹ, thấy con gái phải sống cuộc sống bí bách, khổ sở như vậy tôi rất xót xa. Tôi khuyên con gái quay về nhà bố mẹ nhưng con tôi không chịu. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn để giải thoát cho con gái mình được không? (Bà Trịnh Hồng Nga, 64 tuổi, ở Hà Nội).
|
Luật sư tư vấn: Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Như vậy, pháp luật quy định cha mẹ, người thân thích cũng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cho con em, người thân của mình.
Tuy nhiên, điều luật quy định rất chặt chẽ và “khoanh vùng” trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác chỉ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Theo quy định trên, nếu vợ/chồng không có ý muốn ly hôn, vợ/chồng không bị bênh tâm thần hay những bệnh liên quan đến nhận thức, hành vi, vợ/chồng không có dấu hiệu của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần thì cha, mẹ hay người thân thích không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Đối chiếu với quy định trên thấy rằng con gái bà đang khỏe mạnh, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cháu cũng không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình ở mức nghiêm trọng và có lẽ tình trạng hôn nhân của cháu cũng không có biểu hiện gì là trầm trọng nên vợ chồng bà không có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cho con.
Luật sư hiểu tâm trạng và tình yêu thương của vợ chồng bà dành cho cô con gái duy nhất. Nhưng có có vẻ như vì quá thương con nên bà đã có những lo lắng thái quá và không cần thiết cho cuộc hôn nhân của con.
Diễn biến khách quan cho thấy cuộc hôn nhân của con gái bà vẫn ổn, và quan trọng nhất là cháu vui vẻ, bằng lòng với hiện tại. Con rể mất việc nhưng cũng chỉ là nhất thời thôi, rồi anh ấy sẽ kiếm được việc làm, cùng con gái bà chia sẻ gánh nặng kinh tế. Vậy nên thiết nghĩ, thay vì nghĩ đến giải pháp tiêu cực, vợ chồng bà nên động viên các con cố gắng chung lưng đấu cật, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúc bà sức khỏe!