"Đánh sập" sàn giao dịch ngoại hối Hitoption (Kỳ 1): Sàn tiền ảo “khủng” bị Công an Hải Phòng phá án như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công an TP Hải Phòng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 2 đối tượng để điều tra, xử lý về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Hàng trăm nhân viên sàn giao dịch ngoại hối Hitoption bị trinh sát ập vào bắt quả tang.
Hàng trăm nhân viên sàn giao dịch ngoại hối Hitoption bị trinh sát ập vào bắt quả tang.

16 sàn giao dịch trên 7 nghìn tỷ đồng

Theo diễn biến vụ án, đầu tháng 4/2021, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hải Phòng) phát hiện sàn một số giao dịch ngoại hối trên không gian mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, rất nhiều người đầu tư tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó nhiều người đầu tư ở Hải Phòng.

Việc các đối tượng sử dụng sàn giao dịch trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản của những người đầu tư là phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, là vấn đề phức tạp mới phát sinh, xảy ra ở một số tỉnh, thành phố lớn hiện nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nước ta, xâm phạm đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về đấu tranh với hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối trái phép trên không gian mạng vi phạm pháp luật, Phòng ANKT Công an TP Hải Phòng đã tăng cường công tác nắm tình hình.

Qua công tác quản lý địa bàn và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng ANKT Công an thành phố phát hiện sàn Hitoption, giao dịch ngoại hối trên không gian mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Nguyễn Bình Khánh, Trưởng phòng ANKT Công an thành phố, một mũi trinh sát của Đội 3, Phòng ANKT được cử đi nắm tình hình. Quá trình thu thập tài liệu bước đầu xác định đã có rất nhiều người trong toàn quốc tham gia đầu tư vào sàn Hitoption với số tiền rất lớn…

Hai đối tượng cầm đầu Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền.

Hai đối tượng cầm đầu Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền.

Trước tình hình trên, Phòng ANKT Công an TP Hải Phòng đã chủ động xây dựng báo cáo Đại tá Đào Quang Trường, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an thành phố Hải Phòng xin ý kiến chỉ đạo; đề xuất phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao để tiến hành các biện pháp trinh sát, kỹ thuật để xác minh nguồn tin trên.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng ANKT Công an thành phố cho biết: Để thu thập tài liệu, các trinh sát Đội Tài nguyên môi trường (Đội 3) đã có mặt ở các địa bàn, vận động người đầu tư phối hợp cung cấp thông tin mà họ có về sàn giao dịch ngoại hối Hitoption và các đối tượng tham gia vào hoạt động của sàn, khu vực hoạt động của các đối tượng nghi vấn.

Việc thu thập thông tin gặp không ít khó khăn do đối tượng cầm đầu không xuất đầu, lộ diện… mà thực hiện qua các kênh như bán hàng đa cấp. Nhưng vất vả không làm các trinh sát chùn bước.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã dựng được nhân thân; xác định được đối tượng chính và cũng là người điều hành hoạt động của sàn Hitoption là Nguyễn Thế Dương (SN 1996, đăng ký thường trú tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; trú tại phòng 1605, tòa nhà Star Tower, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; đối tượng kỹ thuật của sàn Hitoption là đối tượng Nguyễn Văn Quyến (SN 1983, đăng ký thường trú tại thôn 1, Đồng Thủy, Nhân Thịnh, Lý Nhân, Hà Nam, ở tại khu đô thị Vinhome Ocean Park, Đa Tôn, Gia Lâm, Hà Nội, Gia Lâm, Hà Nội).

Trong trình này, Phòng ANKT đồng thời đã làm rõ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của sàn Hitoption; nhóm đối tượng tham gia tổ chức điều hành hoạt động của sàn Hitoption là đối tượng Dương và Quyền cùng địa chỉ văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group, tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là nơi các đối tượng tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về sàn Hitoption. Hơn 3 tháng trời, các tổ công tác thay phiên nhau nắm bắt di biến động của các đối tượng cũng như hoạt động của bọn chúng.

“Cất vó”

Với các thông tin thu thập được, Phòng ANKT xác định những dấu hiệu vi phạm pháp luật về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi - chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ đó, Thượng tá Nguyễn Bình Khánh, Trưởng phòng ANKT Công an TP Hải Phòng đã báo cáo lãnh đạo Công an thành phố; phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố và Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an xác lập chuyên án.

Chuyên án do Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng là Trưởng ban; Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao và Đại tá Đào Lê Nguyên Trường, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng là Phó trưởng Ban chuyên án.

Gần 3 tháng “nằm gai, nếm mật”, với các thông tin thu thập được, Ban Chuyên án quyết định phá án. Ngày 2/6, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Ban Chuyên án đã huy động hơn 40 CBCS tổ chức thành 7 tổ công tác, phối hợp với Công an phường sở tại thuộc Công an thành phố Hà Nội; tiến hành triệu tập các đối tượng tham gia vào tổ chức, hoạt động của sàn Hitoption để đấu tranh lấy lời khai, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Quá trình triệu tập, lấy lời khai các đối tượng đã thu thập được tài liệu, chứng cứ khai thác được từ điện thoại, máy tính của các đối tượng, thể hiện có 969 người tham gia, tổng số dư hiện tại của người đầu tư tại thời điểm kiểm tra là hơn 629.000 USD (khoảng gần 15 tỷ đồng).

Cơ quan CSĐT Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền để điều tra, xử lý về hành vi phạm tội. Khai thác từ thiết bị điện tử của các đối tượng, phát hiện các đối tượng này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO, tiền ảo, các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Qua trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền người đầu tư đã rút ra là 611 tỷ đồng. Điều này thể hiện, rất nhiều sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO đang hoạt động tại Việt Nam giới thiệu là sàn có xuất xứ nước ngoài, nhưng thực chất do các đối tượng trong nước thiết lập, vận hành với mục đích chiếm đoạt tài sản của người đầu tư.

Việc các đối tượng sử dụng sàn giao dịch trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản của những người đầu tư là phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, vấn đề phức tạp mới phát sinh, xảy ra ở một số tỉnh, thành phố lớn hiện nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc triệt phá thành công ổ nhóm tội phạm trên đã góp phần đảm bảo chính sách tiền tệ của Nhà nước, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố Cảng.

(Đón đọc kỳ 2: Lật tẩy thủ đoạn khiến người chơi mất trắng tiền tỷ)

Đọc thêm